Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Rối loạn lo âu lan tỏa

Những người bị chứng rối loạn lo âu lan tỏa là những người có những lo lắng không kiểm soát được về các vấn đề thông thường trong cuộc sống.

Chứng rối loạn lo âu lan tỏa khác với những cảm giác lo lắng bình thường. Nó thường liên quan đến cảm giác lo âu về các vấn đề trong cuộc sống (ví dụ như tài chính) kéo dài trong một thời gian. Một người bị chứng rối loạn lo âu có thể lo lắng không thể kiểm soát về tài chính của mình một vài lần một ngày kéo dài trong vài tháng.

Điều này có thể xảy ra ngay cả khi không có một lý do nào cần phải lo lắng. Chính họ cũng có thể nhận thức được rằng không có lý do để họ phải lo lắng. Đôi khi họ chỉ cảm thấy lo lắng mà không thể xác định được mình đang cảm thấy lo lắng về vấn đề gì. Họ thường kể lại rằng họ cảm thấy có gì đó xấu sắp xảy ra hoặc họ không thể có cảm giác bình tĩnh.

Quá nhiều những lo lắng không thực tế có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi và ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hoạt động hàng ngày.

Triệu chứng

Triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:
  • Khó tập trung
  • Khó ngủ
  • Dễ cáu gắt
  • Mệt mỏi
  • Căng cơ
  • Thường xuyên bị đau dạ dày hoặc tiêu chảy
  • Ra mồ hôi tay
  • Tăng nhịp tim
  • Các triệu chứng thần kinh như cảm giác tê bì hoặc kiến bò ở một phần cơ thể

Phân biệt giữa rối loạn lo âu lan tỏa và các vấn đề về tâm thần khác

Lo âu là một triệu chứng của nhiếu vấn đề tâm thần, ví dụ như trầm cảm và các ám ảnh sợ khác nhau. Rối loạn lo âu có những điểm khác so với các vấn đề này.

Những người bị trầm cảm có thể thường xuyên cảm thấy lo lắng. Người bị ám ảnh sợ cảm thấy lo lắng đặc biệt về một vấn đề nào đó, nhưng người mắc chứng lo âu lan tỏa lo lắng về rất nhiều chủ đề khác nhau trong một thời gian dài (từ 6 tháng trở lên), hoặc họ không thể xác định được nguồn gốc của sự lo lắng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người bị rối loạn lo âu
  • Căng thẳng kéo dài, ví dụ như các vấn đề về bệnh tật của gia đình, bản thân
  • Sử dụng quá nhiều cafein hoặc thuốc lá có thể làm cho những lo lắng trở nên trầm trọng hơn
  • Là nạn nhân của tình trạng lạm dụng trẻ em

Theo MayoClinic, phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn lo âu lan tỏa cao gấp 2 lần so với nam giới.

Chẩn đoán

Các bác sĩ sẽ cần hỏi bạn các thông tin về những triệu chứng của bạn và thời gian chúng diễn ra là bao lâu. Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để xác định bệnh lí nguyên nhân hoặc các vấn đề về sử dụng chất gây nghiện có thể gây ra những triệu chứng của bạn. Rối loạn lo âu lan tỏa có thể liên quan đến chứng trào ngược dạ dày, thực quản, các rối loạn tuyến giáp, bệnh lí tim mạch và thời kì mãn kinh.

Các xét nghiệm đó có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để định lượng hóc-môn tuyến giáp
  • Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra chất gây nghiện
  • Chụp Xquang hệ tiêu hóa hoặc nôi soi để kiểm tra hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản
  • Chụp Xquang hoặc test gắng sức với bệnh tim mạch

Điều trị

Liệu pháp hành vi nhận thức

Liệu pháp hành vi nhận thức được thực hiện bằng cách thường xuyên nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần. Mục đích là để thay đổi suy nghĩ và hành vi của bạn. Cách tiếp cận này đã thành công trong việc đạt được sự thay đổi lâu dài ở nhiều người bị lo âu, và được xem là điều trị đầu tay của chứng rối loạn lo âu ở những người đang mang thai. Những người khác cũng đã tìm thấy lợi ích của liệu pháp hành vi nhận thức có tác dụng lâu dài trong việc giảm lo âu.

Trong các buổi trị liệu, bạn sẽ tìm hiểu làm thế nào để nhận biết và kiểm soát những lo lắng của bạn. Nó cũng sẽ dạy bạn làm thế nào để giữ bình tĩnh khi suy nghĩ khó chịu phát sinh.

Các bác sĩ thường kê đơn thuốc cùng với trị liệu để điều trị rối loạn lo âu lan tỏa.

Thuốc

Bác sĩ có thể đề ra một kế hoạch dùng thuốc ngắn hạn và một kế hoạch dùng thuốc lâu dài.

Các thuốc ngắn hạn có tác dụng làm giảm một số triệu chứng liên quan đến sự lo lắng, chẳng hạn như căng thẳng cơ bắp và co thắt dạ dày, được gọi là thuốc giải lo âu. Một số thuốc chống lo âu thường gặp là:

  • alprazolam (Xanax)
  • clonazepam (Klonopin)
  • lorazepam (Ativan)
  • buspirone (Buspar)

Thuốc giải lo âu không nên sử dụng trong thời gian dài bởi có nguy cơ cao phụ thuộc và lạm dụng thuốc.

Thuốc chống trầm cảm có hiệu quả tốt cho điều trị lâu dài. Một số thuốc chống trầm cảm thường gặp là:

  • citalopram (Celexa)
  • escitalopram (Lexapro)
  • fluoxetine (Prozac, Prozac Weekly, Sarafem)
  • fluvoxamine (Luvox, Luvox CR)
  • paroxetin (Paxil, Paxil CR, Pexeva)
  • sertraline (Zoloft)
  • venlafaxine (Effexor XR)
  • desvenlafaxine (Pristiq)
  • duloxetine (Cymbalta)

Những loại thuốc này có thể mất một vài tuần để bắt đầu có tác dụng. Chúng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như khô miệng, buồn nôn, và tiêu chảy. Những triệu chứng này khiến rất nhiều người cảm thấy khó chịu và phải ngừng thuốc.

Có một nguy cơ rất thấp của thanh thiếu niên bị gia tăng ý nghĩ tự tử khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Hãy giữ liên lạc chặt chẽ với bác sĩ của bạn nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm và báo cáo cho họ về mọi sự thay đổi tâm trạng cũng như lo lắng của b ạn.

Bác sĩ có thể kê cả một thuốc giải lo âu và chống trầm cảm. Nếu vậy, bạn sẽ có thể chỉ dùng thuốc chống lo âu trong một vài tuần cho đến khi thuốc chống trầm cảm của bạn bắt đầu có tác dụng.

Thay đổi lối sống

Nhiều người có thể giảm lo âu bằng việc thay đổi lối sống như:

  • Tập luyện đều đặn, chế độ ăn lành mạnh và ngủ đủ giấc
  • Tập Yoga và ngồi thiền
  • Tránh các chất kích thích, ví dụ như Cafein
  • Trò chuyện với một người bạn thân, vợ/ chồng của bạn, hoặc các thành viên trong gia đình về nỗi sợ hãi cũng như lo lắng của bạn.

Rượu và lo âu

Rượu có thể làm bạn cảm thấy bớt lo lắng ngay lập tức. Đó là lí do mà nhiều người bị chứng rối loạn lo âu chuyển sang uống rượu để có thể cảm thấy tốt hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là rượu có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực lên tinh thần của bạn. Trong vòng một vài giờ hoặc một ngày sau khi uống rượu, bạn có thể dễ cáu gắt hoặc trầm cảm. Nó cũng ảnh hưởng đến các thuốc bạn đang sử dụng để điều trị bệnh. Một số thuốc khi sử dụng cùng với rượu có thể gây tử vong.

Nếu bạn nhận thấy việc uống rượu có ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày của bạn, bạn nên nói chuyện với nhân viên y tế.

Tiên lượng

Hầu hết các trường hợp đều có thể kiểm soát chứng rối loạn lo âu lan tỏa bằng việc kết hợp giữa liệu pháp trị liệu, sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Vì vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về mức độ lo lắng của mình.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm