Rau mầm là cây non đang trong giai đoạn phát triển mầm, có chiều dài trung bình từ 5 – 10 cm. Khác với giá đỗ, rau mầm cần ánh sáng để phát triển và chỉ thu hoạch lấy phần thân và lá (không ăn rễ).
Không chỉ giàu chất xơ, rau mầm còn là nguồn vitamin và chất chống oxy hóa dồi dào. Rau mầm là nguyên liệu lý tưởng cho những món salad, rau trộn hoặc rau trang trí.
Rau mầm được thu hoạch khi các lá mầm đã phát triển
Hầu hết các giống rau mầm không thực sự cần đất để phát triển, do đó, đây là cây trồng thích hợp với những hộ gia đình ở đô thị. Bạn có thể tận dụng thùng xốp, chậu cây bỏ không trong nhà để trồng rau mầm theo các bước sau đây:
Chọn hạt giống rau mầm
Đa số hạt giống từ rau xanh đều có thể dùng để trồng rau mầm. Tuy nhiên, các giống cây giàu dinh dưỡng và dễ chăm bón nhất phải kể đến:
- Rau họ cải: Bắp cải, củ cải, súp lơ, bông cải xanh, cải xoong
- Rau xà lách, rau diếp xoăn
- Rau dền, rau muống
- Rau họ đậu: Đậu tương (đậu nành), đậu xanh, đậu đen
- Hạt hướng dương
Khi chọn hạt giống rau mầm, bạn nên mua hạt giống chuyên để trồng rau mầm có nguồn gốc và phân loại rõ ràng, hạt đồng đều, không có hiện tượng mốc. Không trồng rau mầm từ đậu ván,khoai lang, khoai tây bởi chúng có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt.
Ngâm hạt giống
Ngâm hạt giống rau mầm trước khi trồng
Ngâm hạt giống trong nước ấm (pha theo tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh) trong khoảng 2 – 6 giờ (tùy theo hướng dẫn sử dụng của từng giống cây). Sau đó bạn dùng vải ẩm, sạch bọc kín để ủ. Tuỳ từng loại hạt, sau thời gian từ 6 – 12 giờ hạt nứt nhanh thì đem gieo.
Trồng rau mầm
Để phát triển đến giai đoạn rau mầm, hạt giống không cần quá nhiều đất. Do đó, tùy thuộc vào nguyên liệu sẵn có trong gia đình, bạn có thể thử một trong các biện pháp trồng rau mầm sau đây:
Cách 1: Trồng rau mầm với đất hoặc giá thể
Đất trồng, giá thể trồng rau mầm phải sạch và giàu dinh dưỡng
- Chuẩn bị dụng cụ trồng như khay, chậu, thùng xốp kín hoặc hở đáy đều được. Mua đất trồng cây sạch hoặc giá thể tại các cửa hàng vật tư, giống cây trồng. Giá thể có thể gồm các nguyên liệu như mùn cưa, xơ dừa… có thể tái sử dụng nhiều lần.
- Làm tơi giá thể, tránh vón cục và dàn đều trên khay (độ dày khoảng 1,5 – 2cm). Dùng giấy ăn phủ kín trên mặt giá thể nhằm tránh cho hạt tiếp xúc với giá thể, đảm bảo độ sạch của rau mầm khi tưới nước và thu hoạch.
- Phun nước ướt đều khay đựng giá thể rồi tiến hành gieo hạt. Rắc hạt đều tay sao cho hạt phủ kín đều mặt khay, phun nước tưới lại rồi đặt nơi mát mẻ, dùng bìa carton che ánh nắng cho khay trồng.
Tưới lượng nước vừa phải cho rau mầm với bình phun sương
- Tưới nước mỗi ngày bằng bình phun sương, lưu ý không tưới quá nhiều, tránh úng cây. Sau 2 – 3 ngày, khi mầm đã lên, bạn có thể để khay ở nơi sáng nhưng không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Cách 2: Trồng rau mầm với giấy ăn và rổ nhựa
Không cần đất, bạn có thể trồng rau mầm với giấy ăn
- Chuẩn bị khăn giấy thông thường và rổ nhựa (có thể thay rổ nhựa bằng các loại khay, đĩa đều được).
- Rải giấy ăn vào rổ và tưới đẫm nước. Sau đó gieo hạt lên trên và tưới nước đẫm hạt. Để khay đựng vào nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.
- Nên tưới nước 1-2 lần mỗi ngày, không tưới quá nhiều tránh làm úng cây. Khi mầm nhú lên dần dần thì tăng lượng nước.
Thu hoạch và chế biến rau mầm
Rau mầm là nguyên liệu lý tưởng trong các món salad
Thông thường, bạn có thể thu hoạch rau mầm sau 5 – 7 ngày (tùy theo giống cây trồng). Bạn nên dùng kéo hoặc dao sạch cắt sát bề mặt giá thể, xếp ngay ngắn vào hộp nhựa hoặc túi nilon để bảo quản trong tủ lạnh. Chỉ rửa rau mầm trước khi chế biến để giữ độ tươi ngon và hàm lượng dinh dưỡng trong rau.
Rau mầm chứa nhiều enzyme và dễ nhiễm một số vi khuẩn như E.coli. Do đó, bạn cần chọn hạt giống đạt tiêu chuẩn, tưới rau bằng nước sạch, đồng thời rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc rau mầm. Bạn có thể ngâm rau mầm với nước muối loãng trong 10 – 15 phút trước khi ăn sống, làm salad.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Đừng đợi tới già, hãy ăn rau khi còn xanh non!