Cách lựa chọn gừng
Để bảo quản gừng trong thời gian dài, bạn nên lựa chọn những củ gừng kích thước vừa phải nhưng nặng tay, rắn chắc. Không nên lựa chọn những nhánh gừng bị dập nát, vỏ nhăn nheo hoặc có dấu hiệu mốc.
Sau khi mua gừng về, bạn có thể dùng khăn khô để lau bớt đất bám trên củ gừng. Nếu bạn dự định dùng gừng ngay trong tuần, hãy bảo quản gừng tươi tại nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp.
Các biện pháp bảo quản gừng tươi
Trong ngăn mát tủ lạnh
Bạn có thể đặt củ gừng tươi, chưa gọt vỏ vào túi/hộp nhựa kín, sau đó đặt vào ngăn rau củ của tủ lạnh. Nếu bảo quản đúng cách, hạn sử dụng của gừng có thể lên tới 1 tháng.
Trong tủ đông
Củ gừng đông lạnh dễ dàng bào nhỏ khi sử dụng.
Gừng là 1 trong những gia vị có thể bảo quản tốt bằng phương pháp đông lạnh. Bạn cần gọt vỏ, rửa sạch cả củ gừng, đặt vào các hộp đựng kín và trữ đông. Lưu ý, nếu dùng các loại túi zip, bạn cần ép hết không khí ra khỏi túi.
Gừng tươi bảo quản trong ngăn đá không cần mất thời gian rã đông trước khi sử dụng. Bạn nên dùng dụng cụ để bào củ gừng đông lạnh với lượng vừa đủ theo công thức nấu ăn và cất phần còn lại vào tủ đông.
Bảo quản gừng cắt lát
Để chuẩn bị nguyên liệu pha trà gừng, bạn nên gọt vỏ gừng, cắt thành từng lát mỏng, sau đó đặt vào hộp đựng thực phẩm hoặc túi kín. Gừng đã cắt lát có thể bảo quản trong ngăn rau quả (khoảng 2 - 3 tuần) hoặc trong tủ đông.
Bảo quản gừng xay
Bảo quản gừng tươi bằng cách xay nhuyễn và đóng đá thành từng viên nhỏ.
Gừng xay là nguyên liệu phù hợp để ướp các món thịt gia cầm, thủy hải sản trước khi chế biến. Bạn có thể gọt sạch vỏ gừng, cắt thành từng khúc nhỏ rồi xay nhuyễn với máy xay thực phẩm. Sau đó, cho hỗn hợp gừng xay vào các khay đá nhỏ, để trong ngăn đá đến khi đông cứng. Như vậy, mỗi khi cần sử dụng, bạn có thể dễ dàng lấy 1 lượng vừa đủ mà không cần mất thời gian rã đông.
Ngâm gừng chua ngọt
Gừng non có màu hồng nhạt tự nhiên, có thể cắt thành lát mỏng để chế biến món gừng ngâm giấm đường.
Biện pháp ngâm gừng cùng giấm không chỉ giúp bảo quản gừng lâu hơn, mà còn cho ra món ăn kèm độc đáo với các món hải sản. Món gừng ngâm nên sử dụng gừng non, rửa sạch và thái thành lát mỏng đều nhau. Gừng sau khi bóp với muối nên được chần qua nước sôi để giảm vị cay. Sau đó, bạn nên vớt gừng ra, vắt bớt nước và để ráo.
Chuẩn bị nước giấm ngâm gừng bằng cách đun sôi hỗn hợp nước, giấm, đường (tỷ lệ 1:1:1). Cho gừng vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước giấm đường vào và ngâm vài ngày ở nhiệt độ phòng. Sau đó, bảo quản gừng ngâm giấm trong ngăn mát tủ lạnh để thưởng thức khi cần.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Lợi ích của nước gừng đến sức khỏe.