Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các kiểm tra sức khỏe cần thiết khi mang thai - Phần 1

Trong thai kỳ, mẹ bầu được khuyến cáo đi khám thai định kỳ và làm một số các xét nghiệm cần thiết để khẳng định rằng sức khỏe của mẹ bầu tốt, thai nhi phát triển bình thường. Nhưng cụ thể thì trong những lần khám thai đó, mẹ bầu cần khám những gì?

Các kiểm tra sức khỏe cần thiết khi mang thai - Phần 1

Khám thai định kỳ giúp bác sỹ biết được tình trạng sức khỏe của bà mẹ và em bé đang phát triển trong bụng mẹ. Hiện nay, trong thai kỳ, mẹ bầu được khuyến cáo đi khám thai ít nhất 4 lần: 3 tháng đầu khám lần thứ nhất, 3 tháng giữa khám lần tiếp theo, 3 tháng cuối khám lần thứ 3, khám một lần trước khi đẻ. Tùy theo đó là lần khám thai thuộc thời điểm nào, bác sỹ sẽ chỉ định cho mẹ bầu các kiểm tra cần thiết.

Ba tháng đầu thai kỳ

Khám tổng thể

Trong lần khám thai đầu tiên được khuyến cáo là vào 3 tháng đầu của thai kỳ, bác sỹ sẽ kiểm tra sức khỏe toàn thân của mẹ bầu, bao gồm cả khám vùng chậu. Một số mẹ bầu sẽ được thử test để khẳng định chính xác việc mang thai. Các bà mẹ cũng sẽ được siêu âm để xác nhận việc mang thai và dự kiến ngày sinh.

Xét nghiệm máu để xác định nhóm máu và yếu tố Rh cũng như xét nghiệm đếm hồng cầu để kiểm tra có bị thiếu máu hay không cũng cần thiết trong lần khám thai đầu tiên này .

Xét nghiệm tìm một số bệnh

Tùy theo tình trạng cụ thể của mỗi mẹ bầu, bác sỹ có thể cho bạn làm một số xét nghiệm  để đánh giá miễn dịch của mẹ bầu với bệnh rubella, miễn dịch với bệnh thủy đậu – trong trường hợp bạn không nhớ chắc chắn mình đã bị mắc bệnh hay đã được tiêm phòng hay chưa.

Các xét nghiệm phát hiện một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (như: bệnh giang mai, viêm gan B, nấm Chlamydia hay bệnh lậu...) cũng có thể được tiến hành. Thêm nữa, các mẹ bầu sẽ được tiến hành xét nghiệm virus HIV (HIV là tên viết tắt của virus gây suy giảm miễn dịch, có thể gây bệnh AIDS). Nếu bạn bị dương tính với virus HIV, việc điều trị trong quá trình mang thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm cho đứa con tương lai trong thai kỳ cũng như khi sinh con.

Ngoài những xét nghiệm máu, các bác sỹ cũng yêu cầu xét nghiệm mẫu nước tiểu để xác định xem bạn có bị nhiễm trùng tiết niệu hay các bệnh khác hay không.

Trong một số trường hợp cần thiết, mẹ bầu sẽ được tiến hành xét nghiệm Papsmear- phết tế bào cổ tử cung (trừ khi bạn đã làm xét nghiệm này trong vòng 1 năm gần đây) để phát hiện các tế bào bất thường. 

Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, một xét nghiệm đường huyết sẽ được tiến hành tại lần khám đầu tiên này.

Xét nghiệm phát hiện các dị tật bẩm sinh

Bác sỹ sẽ chỉ định những xét nghiệm sàng lọc về nguy cơ mắc hội chứng Down, các vấn đề về rối loạn nhiễm sắc thể và những dị tật bẩm sinh mà con bạn có nguy cơ mắc phải. Những xét nghiệm này được thực hiện  vào tuần thứ 9-13 của thai kỳ. Siêu âm độ mờ da gáy (nuchal translucency screening – NTS) vào tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 của thai kỳ cũng thường được kết hợp để có kết quả chính xác nhất về nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai nhi.

Một lựa chọn khác đó là một xét nghiệm máu (gọi là xét nghiệm tiền sản không xâm lấn hay sàng lọc DNA tự do của thai nhi) cho phép phát hiện hội chứng Down và một vài hội chứng khác ở tuần thứ 10 thai kỳ hay muộn hơn.

Một số xét nghiệm sàng lọc sơ sinh khác có thể được khuyến cáo thực hiện để xác định liệu con bạn có nguy cơ mắc phải hội chứng nào trong khoảng 100 rối loạn về gien như xơ nang, hội chứng NST X dễ gãy, bệnh thoái hóa cơ tủy, bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, bệnh thiếu máu tan huyết...

Khi cần thiết, mẹ bầu cũng có thể phải thực hiện thủ thuật sinh thiết gai nhau (chorionic villus sampling – CVS) là một xét nghiệm gien có tính chất xâm lấn được thực hiện từ tuần 10 – tuần 13. CVS sẽ cung cấp cho bạn thông tin liệu thai nhi có bị mắc hội chứng Down hay bất cứ bất thường nào về nhiễm sắc thể hay không. Xét nghiệm này cũng giúp chẩn đoán bất cứ rối loạn về gien nào mà con bạn có nguy cơ mắc phải.

Ba tháng giữa thai kỳ

Vào mỗi lần khám trong 3 tháng giữa thai kỳ, bác sỹ có thể xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu của chứng tiền sản giật, nhiễm trùng tiết niệu hay những bệnh khác.

Hầu hết các sản phụ đều sẽ được siêu âm từ tuần 16 – 20 để kiểm tra xem có bất thường nào cho thai nhi không.

Từ tuần 24 –  28, bạn sẽ được xét nghiệm glucose huyết để chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ, và những xét nghiệm máu khác để xem thai phụ có bị thiếu máu hay không.

Nếu nhóm máu của bạn là Rh (-) nhưng con bạn thì khác (hoặc bạn không biết chắc chắn về điều đó), bác sỹ sẽ lấy thêm mẫu máu để kiểm tra kháng thể Rh trước khi bạn được tiêm một mũi huyết thanh miễn dịch Rh vào tuần thứ 28.

Triple test là một loại xét nghiệm máu để kiểm tra lượng alpha fetoprotein (AFP), lượng hormone hCG và estriol trong máu mẹ. AFP là loại protein mà bào thai sản xuất ra, hCG là loại hormone được sản xuất ra từ rau thai và estriol là loại hormone mà cả bào thai và bánh rau cùng sản xuất ra. Và cả 3 chất này đều có mặt trong máu mẹ. Triple test sẽ giúp bác sỹ phân tích được khả năng bị dị tật bẩm sinh ở em bé (như tật nứt đốt sống hoặc thiếu một phần não, những dị tật ống thần kinh phổ biến ở thai nhi, hhội chứng Down, hội chứng Edward hoặc các bất thường về nhiễm sắc thể khác). Triple test thường được tiến hành trong khoảng tuần thứ 15-20 của thai kỳ. Triple test cũng có thể giúp phát hiện tình trạng mang thai đôi và sự phát triển của em bé có phù hợp với tuổi thai hay không.

Từ tuần 15 – 18, mẹ bầu sẽ được thực hiện một quadruple test (kiểm tra 4 yếu tố từ máu người mẹ là AFP, hCG, Estriol và Inhibin-A) mà có thể cung cấp cho bạn thông tin về nguy cơ con bạn có thể mắc các vấn đề về nhiễm sắc thể (như hội chứng Down) và các dị tật thai nhi khác. Kết quả của những xét nghiệm này nên được kết hợp với kết quả xét nghiệm sàng lọc trong 3 tháng đầu thai kỳ để có được đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh chính xác nhất.
Trong một số ít các trường hợp cần thiết, một vài mẹ bầu sẽ phải thực hiện xét nghiệm thai nhi bất thường qua dịch màng ối (amniocentesis) – một xét nghiệm gien xâm lấn được thực hiện từ tuần 16 – 20. Amniocentesis có thể cho bạn biết chắc chắn liệu trẻ có bị mắc hội chứng Down, những bất thường nhiễm sắc thể khác, khuyết tật ống thần kinh và một số rối loạn gien khác hay không. Thông thường, bác sỹ sẽ căn cứ trên kết quả của những xét nghiệm sàng lọc ba tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ để quyết định xem có nên thực hiện amniocentesis hay không.

(...) còn tiếp

Mời các bạn đón đọc bài viết "Các kiểm tra sức khỏe cần thiết khi mang thai - Phần 2" tại vienyhocungdung.vn

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cuộc sống sau khi sinh của mẹ như thế nào?

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

  • 18/04/2024

    CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa đưa ra cảnh báo về một chủng vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não mô cầu hiếm gặp đang gia tăng ở Mỹ.

  • 18/04/2024

    Đau thần kinh toạ là gì và những điều cần lưu ý

    Đau thần kinh toạ là một loại đau thường ảnh hưởng đến dây thần kinh thuộc khớp hông, một bó dây thần kinh lớn bắt nguồn từ dưới sống thắt lưng, qua mông và xuống phía sau mỗi chân.

Xem thêm