Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Vô kinh nguyên phát và thứ phát

Vô kinh là tình trạng không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt. Đây là tình trạng xảy ra khi một bạn gái không có kinh nguyệt khi đã đủ 16 tuổi. Vô kinh cũng là tình trạng xảy ra khi một phụ nữ không có kinh trong vòng từ 3- 6 tháng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vô kinh. Nguyên nhân phổ biến nhất là mang thai. Tuy nhiên, vô kinh cũng có thể gây ra do nhiều yếu tố khác về lối sống, bao gồm cân nặng của cơ thể và mức độ luyện tập. Trong một số trường hợp, mất cân bằng hormone hoặc các vấn đề xảy ra với cơ quan sinh sản cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vô kinh.

Nếu bạn bị vô kinh, bạn nên đến khám bác sỹ. Nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến vô kinh đôi khi cần phải được điều trị.

Các loại vô kinh

Có 2 loại vô kinh là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát

Vô kinh nguyên phát là khi một bé gái đến tuổi 16 hoặc đã qua tuổi 16 mà vẫn không có kinh. Đa số các bé gái sẽ có kinh trong khoảng từ 9-18 tuổi, nhưng tuổi trung bình sẽ là khoảng 12 tuổi.

Vô kinh thứ phát là khi một phụ nữ bị mất kinh trong ít nhất 3 tháng. Đây là dạng vô kinh phổ biến hơn.

Trong đa số các trường hợp, cả 2 loại vô kinh đều có thể điều trị được một cách hiệu quả.

Nguyên nhân gây vô kinh

Vô kinh nguyên phát và thứ phát có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân là do tự nhiên, trong khi những nguyên nhân khác là tình trạng bệnh lý và cần được điều trị.

  • Các nguyên nhân tự nhiên gây vô kinh bao gồm mang thai, cho con bú và mãn kinh
  • Các yếu tố về lối sống có thể gây vô kinh bao gồm luyện tập thể thao quá nhiều và căng thăng. Có quá nhiều mỡ thừa hoặc quá ít mỡ cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị chậm hoặc ngừng hẳn.
  • Mất cân bằng hormone có thể gây ra vô kinh. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do có khối u ở tuyến giáp hoặc tuyến yên. Suy giảm estrogen hoặc tăng lượng testosterone cũng có thể dẫn đến vô kinh.
  • Với một số phụ nữ, việc sử dụng một số loại thuốc nhất định cũng có thể gây vô kinh, thường là thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Các loại thuốc hóa trị và thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây ra các vấn đề về kinh nguyệt. Ngừng sử dụng thuốc tránh thai đột ngột cũng có thể gây ra mất kinh trong vài tháng, trước khi chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường
  • Các dị tật về mặt thể chất như các vấn đề về cấu trúc cơ quan sinh dục nữ cũng có thể là nguyên nhân của chậm kinh hoặc vô kinh. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do dị tật bẩm sinh,khối u hoặc viêm nhiễm trong tử cung hoặc sau khi sinh. Trong những trường hợp hiếm gặp, mất kinh có thể là một triệu chứng của hội chứng Asherman. Hội chứng này xảy ra do có sẹo ở tử cung sau khi mổ, làm ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Các rối loạn di truyền như rối loạn nhiễm sắc thể, hội chứng Turner, hội chứng Sawyer cũng có thể dẫn đến kinh nguyệt muộn.

Khi nào cần đến gặp bác sỹ về tình trạng vô kinh

Các bé gái chưa có kinh khi tròn 16 tuổi nên đến gặp bác sỹ. Nếu bé gái trên 14 tuổi mà chưa xuất hiện bất cứ dấu hiệu dậy thì nào cũng nên đến gặp bác sỹ. Những thay đổi nên xuất hiện trước 14 tuổi bao gồm:

  • Phát triển ngực
  • Phát triển lông
  • Có kinh nguyệt

Phụ nữ và các bé gái đã có kinh nên đến gặp bác sỹ nếu họ đã bị mất kinh liên tục trong 3 tháng hoặc hơn.

Chẩn đoán

Khi đến khám bác sỹ vì bị vô kinh, bác sỹ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi bạn rất nhiều câu hỏi. Bạn nên chuẩn bị để nói về chu kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn, lối sống của bạn và các triệu chứng khác mà bạn gặp phải. Bác sỹ cũng có thể sẽ yêu cầu bạn tiến hành thử thai, nếu bạn bị mất kinh trong vòng 3 tháng. Nếu bạn không mang thai, bạn có thể sẽ phải làm nhiều xét nghiệm hơn để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng mất kinh. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra nồng độ các hormone trong cơ thể. Prolatin, luteinizing hormone (LH) và FSH là những hormone có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Xác định được nồng độ những hormone này sẽ giúp bác sỹ tìm ra nguyên nhân gây vô kinh của bạn.
  • Siêu âm: giúp bác sỹ nhìn thấy được buồng trứng và tử cung, kiểm tra xem có bất thường gì với các cơ quan này không.
  • Chụp CT: giúp bác sỹ nhìn thấy được các khối u hoặc các bất thường tại các tuyến và các cơ quan

Điều trị vô kinh

Điều trị vô kinh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Mất cân bằng hormone có thể được điều trị bằng việc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc hormone tổng hợp, để cân bằng lại lượng hormone của cơ thể. Bác sỹ cũng có thể sẽ loại bỏ các khối u nang buồng trứng, sẹo mô hoặc sẹo tử cung gây mất kinh của bạn.

Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn thay đổi một chút về lối sống nếu cân nặng hoặc chế độ luyện tập là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô kinh.

Hãy lên kế hoạch đi khám bác sỹ nếu bạn hoặc con gái bạn bị vô kinh để bác sỹ tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch điều trị và khám lại đúng hẹn. Thường xuyên giữ liên lạc với bác sỹ nếu tình trạng không được cải thiện sau khi đã dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống.

Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healhline)
Bình luận
Tin mới
  • 06/06/2023

    Tăng đường huyết sơ sinh

    Những đứa trẻ mới được sinh ra với mức đường huyết rất khác nhau và sẽ thay đổi trong vài ngày đầu sau khi sinh, trước khi cơ thể trẻ có khả năng tự điều chỉnh. Tuy nhiên, đôi khi một số trẻ mới sinh có chứng tăng đường huyết bẩm sinh dễ gặp nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu không được điều chỉnh hoặc điều trị ngay sau khi sinh.

  • 05/06/2023

    5 thói quen tốt cho chúng ta và Trái đất

    Nếu quan tâm đến việc đóng góp cho môi trường, hãy tạo ra sự khác biệt thực sự bằng những thay đổi trong lối sống này. Chúng cũng sẽ mang lại sức khỏe tốt cho chúng ta.

  • 05/06/2023

    10 biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh đau dạ dày

    Một số biện pháp tại nhà có thể giúp giải quyết cơn đau dạ dày của bạn, chẳng hạn như uống nước và tránh thức ăn cay. Nếu những điều này không hiệu quả, có thể phải sử dụng thuốc theo đơn bác sỹ.

  • 05/06/2023

    Muốn giảm cân, cần đặc biệt lưu ý dinh dưỡng trước khi tập luyện

    Bổ sung dinh dưỡng phù hợp trước khi tập luyện giúp bạn có đủ năng lượng để duy trì thể lực trong suốt quá trình tập luyện, đảm bảo không bị kiệt sức và hạn chế rủi ro chấn thương trong khi tập.

  • 05/06/2023

    Có nên cho trẻ xem tin tức?

    Bạn không thể giữ trẻ em trong bong bóng bảo vệ mãi mãi nhưng ở độ tuổi nào thì có thể cho chúng xem tin tức và làm cách nào để giúp chúng hiểu được điều đó?

  • 05/06/2023

    Mẹo chăm sóc sức khỏe vùng kín

    Chăm sóc vùng kín đúng cách giúp ngăn ngừa nguy cơ kích ứng, viêm nhiễm và các vấn đề phụ khoa khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là cách chăm sóc giúp vùng kín sạch sẽ, khỏe mạnh và thoải mái.

  • 05/06/2023

    Người bệnh viêm túi thừa nên ăn gì?

    Chế độ ăn cho người viêm túi thừa gồm các loại thực phẩm nên ăn trong đợt viêm bùng phát và trong quá trình phục hồi của bệnh. Khi tình trạng viêm bùng phát, các chuyên gia khuyên bạn nên ăn kiêng trong vài ngày. Trong thời gian phục hồi, bạn sẽ từ từ tăng độ đặc của thức ăn và hạn chế lượng chất xơ vào khẩu phần. Bạn có thể thử bánh mì trắng, ngũ cốc ít chất xơ và trở lại chế độ ăn của mình trong vài ngày tới.

  • 05/06/2023

    Cách cải thiện cơn bốc hỏa tuổi mãn kinh

    Bốc hỏa là một trong những triệu chứng phổ biến và cũng kéo dài ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Kiểm soát cơn bốc hỏa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nhẹ các vấn đề sức khỏe ở phái nữ.

Xem thêm