Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Vì sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi?

Bạn thường xuyên ngáp ngủ và buồn ngủ cả ngày? Hãy tìm hiểu 9 lý do vì sao bạn cảm thấy mệt và cách khắc phục chúng.

Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp của nhiều bệnh lý, cũng có thể do một vài nguyên nhân đơn giản như thiếu ngủ, ăn uống kém, hoặc cảm cúm. Đa số chúng ta chỉ cảm thấy mệt mỏi trong thời gian ngắn, nhưng mệt mỏi kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ngăn cản bạn làm những công việc bạn yêu thích.

Trong hầu hết các trường hợp, mệt mỏi có thể được khắc phục bằng cách thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống, điều chỉnh sự thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc điều trị một tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng mệt mỏi, bạn cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ra vấn đề này. Dưới đây là 9 lý do tiềm ẩn khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi.

Chất lượng giấc ngủ kém

Mất ngủ hiện nay rất phổ biến, nó có thể ảnh hưởng đến 40% dân số. Trong đó, chứng mất ngủ ngắn hạn - kéo dài dưới 3 tháng có thể ảnh hưởng đến 9,5% dân số và 1/5 trường hợp mất ngủ ngắn hạn chuyển thành mất ngủ 3 tháng – xảy ra 3 lần một tuần và kéo dài hơn 3 tháng.

Ngủ đủ giấc là rất quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta không ngủ đủ giấc, và dẫn đến mệt mỏi.

Trong khi ngủ, cơ thể sẽ thực hiện một số phản ứng quan trọng, bao gồm: giải phóng các hormone tăng trưởng, sữa chữa và tái tạo tế bào. Đây là lý do tại sao hầu hết chúng ta thức dậy đều cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng sau một đêm ngon giấc.

Nếu đang bị mất ngủ, bạn có thể cần các phương pháp điều trị như thực phẩm từ tự nhiên, thuốc và quản lý tình trạng bệnh lý hiện có.

Thiếu hụt các chất dinh dưỡng

Thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức hàng ngày, ngay cả khi bạn ngủ hơn 7 tiếng. Một vài chất dinh dưỡng có thể gây ra mệt mỏi bao gồm:

  • Sắt
  • Vitamin nhóm B (B2, B3, B5, B6, B9, B12)
  • Vitamin D
  • Vitamin C
  • Magie

Thông thường, tình trạng mệt mỏi liên quan đến sự thiếu hụt một hoặc nhiều chất dinh dưỡng sẽ cải thiện khi các chất dinh dưỡng được bổ sung đầy đủ theo khuyến nghị.

Căng thẳng

Trên thực tế, căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến rối loạn kiệt sức, kiệt sức về tâm lý và thể chất. Ngoài ra, căng thẳng mạn tính có thể gây ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong não của bạn và dẫn đến viêm mạn tính, có thể góp phần vào các triệu chứng như mệt mỏi.

Mặc dù bạn không thể tránh khỏi những tình huống căng thẳng, đặc biệt là những tình huống liên quan đến công việc hoặc gia đình. Nhưng một số hoạt động như đi bộ, thiền hoặc đi tắm có thể giúp bạn kiểm soát được những căng thẳng đó.

Một số bệnh lý

Mệt mỏi kéo dài và không rõ nguyên nhân có thể liên quan đến một số bệnh lý như: ngưng thở khi ngủ, suy giáp, ưng thư, đa xơ cứng, rối loạn lo âu, suy thận, trầm cảm và tiểu đường. Bạn nên đi khám để nhận được tư vấn cụ thể về tình trạng của mình.

Chế độ ăn không lành mạnh

Ăn quá nhiều - hoặc ăn các loại thực phẩm chế biến quá kỹ có ít chất dinh dưỡng thiết yếu - có thể dẫn đến thiếu hụt calo và chất dinh dưỡng, có thể gây kiệt sức.

Khi bạn không có đủ calo và chất dinh dưỡng như protein, cơ thể bạn bắt đầu phân hủy chất béo và cơ để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Điều này dẫn đến mất chất béo trong cơ thể và khối lượng cơ, có thể gây ra mệt mỏi. Người lớn tuổi đặc biệt có nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu hụt chất dinh dưỡng do các yếu tố như thay đổi khẩu vị liên quan đến tuổi tác và giảm hoạt động thể chất.

Thay đổi một chế độ ăn lành mạnh với những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau, đậu và protein có nguồn gốc từ cá và trứng giúp giảm mệt mỏi và hỗ trợ giấc ngủ.

Sử dụng quá nhiều caffein

Mặc dù đồ uống có chứa caffein như cà phê và nước tăng lực giúp bạn tăng cường năng lượng tạm thời, nhưng nếu quá phụ thuộc vào chúng có thể khiến bạn mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. Đó là bởi vì quá nhiều caffein có thể gây hại cho giấc ngủ, gây mệt mỏi.

Sử dụng quá nhiều caffein gây gia tăng lo lắng vào ban đêm, mất ngủ, tăng thức giấc vào ban đêm, giảm tổng thời gian ngủ và buồn ngủ vào ban ngày.

Lời khuyên nếu bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ và thường xuyên sử dụng đồ uống có chứa caffein, hãy hạn chế sử dụng những loại đồ uống này để cải thiện giấc ngủ.

Uống không đủ nước

Mất nước xảy ra khi bạn không uống đủ nước để thay thế lượng nước bị mất trong nước tiểu, phân, mồ hôi và hơi thở. Mất nước sẽ gây ra một số triệu chứng phổ biến như khát nước, mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng mất nước dẫn đến giảm khả năng sử dụng năng lượng và khả năng tập trung. Vì vậy luôn đảm bảo uống đủ nước để thay thế lượng chất lỏng mất đi hàng ngày.

Thừa cân hoặc béo phì

Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, đây là nguyên nhân phổ biến gây mệt mỏi vào ban ngày. Béo phì cũng liên quan đến việc gia tăng buồn ngủ vào ban ngày cho dù bạn có bị ngưng thở khi ngủ hay không, cho thấy rằng béo phì ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ giấc ngủ.

Ngoài ra, những người bị béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh có thể gây ra mệt mỏi, bao gồm trầm cảm và bệnh đái tháo đường typ 2. Vì vậy, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể giúp ngủ ngon và phục hồi năng lượng.

Một vài lý do khác

Một vài nguyên nhân khác có thể gây ra mệt mỏi suốt cả ngày:

  • Đồ uống có cồn: Nghiên cứu cho thấy những người bị nghiện rượu hoặc bia sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hơn.
  • Làm việc đêm: Làm việc đêm gây rối loạn giấc ngủ và làm cho bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. Theo thống kê có khoảng 2-5% những công nhân làm việc ca đêm bị rối loạn giấc ngủ, đặc trưng bởi buồn ngủ quá mức và giấc ngủ bị gián đoạn.
  • Lối sống ít vận động: Các nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục nhiều hơn có thể cải thiện các triệu chứng mệt mỏi ở một số người, bao gồm cả những người mắc các bệnh lý như đa xơ cứng.
  • Một số loại thuốc: Bao gồm steroid, thuốc huyết áp và thuốc chống trầm cảm, có liên quan đến các tác dụng phụ như mất ngủ và tăng cảm giác mệt mỏi

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nguyên nhân khiến nam giới thường xuyên mệt mỏi

Bs. Tạ Tùng Duy - Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm