Vậy nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng là gì, dấu hiệu mắc bệnh, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Chúng ta cần tìm hiểu những thông tin cần thiết về bệnh ung thư đại trực tràng để biết cách phòng tránh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
1. Ung thư đại trực tràng là gì?
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ.
Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là polyp. Khả năng tiến triển thành ung thư tùy thuộc vào tính chất polyp, kích thước polyp, số lượng polyp. Do đó nội soi đại tràng, phát hiện và cắt bỏ polyp giúp giảm nguy cơ ung thư.
Nhiều nghiên cứu trong nước cho thấy, ung thư đại trực tràng gặp nhiều nhất ở độ tuổi trung niên (40-60 tuổi) tuổi, nhưng gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với nhiều trường hợp mắc ung thư đại trực tràng ở độ tuổi 18-20, cá biệt là trường hợp mới có 12 tuổi.
Tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 người thì có 13 trường hợp mắc bệnh này. Bệnh có xu hướng ngày càng tăng do vấn đề ăn uống (thói quen ăn uống không lành mạnh, thực phẩm nhiễm hóa chất...)
2. Ai có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng?
- Ung thư đại trực tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi, người thừa cân, béo phì, ăn nhiều thịt đỏ, thịt qua bảo quản chế biến…
- Lối sống không lành mạnh như ít vận động thể lực, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ung thư.
- Về tuổi tác, người trẻ tuổi có thể phát triển ung thư đại trực tràng nhưng nguy cơ sẽ tăng rõ rệt hơn khi ngoài 50 tuổi.
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này.
- Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, có hội chứng di truyền (khoảng 5% - 10% số người bị ung thư đại trực tràng có thừa hưởng khiếm khuyết gen (đột biến gen) có thể gây ra các hội chứng ung thư gia đình và làm cho những người này bị mắc bệnh.
3. Chẩn đoán như thế nào?
Nội soi đại trực tràng: Là xét nghiệm quan trọng nhất khi nghi ngờ có ung thư đại trực tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể biết được tương đối vị trí, kích thước khối u và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn khối u đó có phải là ung thư hay không.
Ngoài ra, người bệnh cần được thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp điện toán (CT-Scan), siêu âm bụng, X-quang phổi, điện tim, xét nghiệm máu… giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn để có phương pháp điều trị phù hợp
4. Các giai đoạn của bệnh
Giai đoạn 1: Ung thư đại trực tràng giai đoạn 1 có nghĩa là khối u chỉ ở lớp trong của đại tràng hoặc trực tràng và chưa xâm lấn qua thành của đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư giai đoạn này có nhiều cơ hội được chữa khỏi bằng phẫu thuật.
Giai đoạn 2: Giai đoạn này khối u đã phát triển vào thành sâu hơn so với giai đoạn I và có thể phát triển vào mô lân cận.
Một số ung thư ruột già giai đoạn 2 có nguy cơ tái phát cao. Khối u được lấy ra bằng phẫu thuật sẽ được kiểm tra tại phòng thí nghiệm để giúp bác sĩ dự đoán về nguy cơ tái phát. Nếu ung thư có nguy cơ tái phát cao, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân dùng hóa trị sau khi phẫu thuật. Xạ trị có thể được sử dụng nhằm cố gắng tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Giai đoạn 3: Ung thư đại trực tràng giai đoạn 3 có nghĩa là ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết. Nguy cơ ung thư tái phát là rất cao.
Những nghiên cứu gần đây trên bệnh nhân giai đoạn 3 đã chỉ ra rằng khi hóa trị, xạ trị hoặc cả hai liệu pháp được sử dụng kết hợp với phẫu thuật, tỷ lệ sống sót cao hơn và khả năng ung thư tái phát là thấp hơn.
Giai đoạn 4: Ở giai đoạn muộn, ung thư đã lan tới phần khác của cơ thể, như gan hoặc xương. Sự phát tán này được gọi là di căn xa.
Giai đoạn 4 với ung thư đã di căn thì hầu như không thể chữa được. Hóa trị được dùng cho bệnh nhân giai đoạn này để kiểm soát triệu chứng và kéo dài sự sống.
5. Điều trị ung thư đại trực tràng
Việc điều trị ung thư đại trực tràng chủ yếu dựa vào giai đoạn (mức độ) của bệnh, nhưng các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Bệnh nhân ung thư đại trực tràng chưa di căn xa thường được thực hiện phẫu thuật như là phương pháp điều trị chính hoặc đầu tiên.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản nhất, khối u phải được cắt bỏ đồng thời với các hạch bạch huyết di căn.
Điều trị hỗ trợ: bao gồm hóa trị và xạ trị, có thể áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật, tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể.
Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách ngăn ngặn khả năng tăng trưởng và phân chia các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị toàn thân sẽ đi vào máu đến các tế bào ung thư khắp cơ thể.
Hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Đối với một số bệnh nhân ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị và hóa trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước của khối u ở trực tràng và giảm nguy cơ tái phát ung thư.
Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các tia X có năng lượng cao hoặc các tia bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được chỉ định cho các trường hợp ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển.
Nội soi cắt khối u đại tràng.
Kết quả điều trị ung thư đại trực tràng phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh. Nếu được chẩn đoán khi ung thư giai đoạn sớm hay còn là polyp lành tính, phẫu thuật có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Ngược lại khi bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn thì tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ khoảng 5- 10%.
Vì vậy, việc tầm soát ung thư đại trực tràng là vô cùng có ý nghĩa, giúp chẩn đoán sớm và cứu sống bệnh nhân.
6. Tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm mọi người cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát sàng lọc phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư đại trực tràng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, do đó thường sàng lọc những người từ 50 tuổi trở lên. Một số người có yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thư đại trực tràng từ khi còn trẻ. Do đó cần sàng lọc ung thư đại trực tràng ngay từ khi còn trẻ nếu: Đã từng bị ung thư đại trực tràng hoặc có polyp; Trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp; Bị viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn; Mắc hội chứng ung thư đại tràng di truyền…
Hiện có 3 phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng.
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân
Xét nghiệm có độ nhạy phát hiện ung thư khoảng 70 - 80%. Tuy nhiên, đây là xét nghiệm không đặc hiệu, nghĩa là có dương tính cũng chưa chắc là ung thư đại trực tràng mà có thể một bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Một khi phát hiện có máu trong phân, người bệnh sẽ được chỉ định để được nội soi đại trực tràng.
Nội soi đại trực tràng ảo
Sử dụng CT-Scan đa lát cắt để thực hiện trên người bệnh đã được xổ ruột. Máy điện toán sẽ dựng hình lại lòng đại tràng. Phương pháp này có thể phát hiện phần lớn các polyp và khối u trong lòng đại tràng và trực tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng thật để cắt polyp, sinh thiết khối u để có chẩn đoán xác định.
Nội soi đại trực tràng
Là phương pháp hiệu quả nhất trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Nội soi đại tràng có thể quan sát được trực tràng, khung đại tràng và một phần đoạn cuối hội tràng. Phát hiện ung thư đại tràng với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Trong quá trình nội soi có thể đánh giá những tổn thương, sinh thiết, cắt polyp tổn thương ung thư sớm.
Qua nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý như trĩ, polyp, viêm loét đại trực tràng… từ đó sẽ có xử trí phù hợp như cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư.
Nội soi đại trực tràng.
7. Phòng tránh ung thư đại trực tràng
Để phòng và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, chúng ta cần có lối sống hợp lý, sinh hoạt điều độ. Tăng cường vận động thể lực như tập thể dục đều đặn, tránh để thừa cân và béo phì.
Đặc biệt cần có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Cụ thể:
Giảm chất béo trong khẩu phần ăn
Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt qua chế biến
Hạn chế thức ăn có nhiều muối, thức ăn lên men, xông khói.
Tăng cường ăn rau xanh và trái cây
Tránh những chất gây đột biến gen như dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng trong thực phẩm.
Không lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích
Không hút thuốc lá
Nội soi sàng lọc để phát hiện và cắt polyp: Vì ung thư đại tràng chủ yếu xuất phát từ polyp. Vì vậy, nội soi cắt polyp làm giảm hẳn nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Những trường hợp cần nội soi đại tràng sàng lọc phát hiện polyp bao gồm:
- Người từ 50 tuổi trở lên.
- Những người có tiền sử gia đình (bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư đại trực tràng hoặc có polyp với nguy cơ cao gây ung thư đại tràng dưới 60 tuổi) cần nội soi đại tràng ở tuổi 40 hoặc trước 10 năm so với người trẻ nhất bị ung thư hoặc có polyp nguy cơ cao ung thư hóa.
- Những người mổ ung thư đại trực tràng cấp cứu như tắc ruột mà trước đó chưa được soi đại tràng cần nội soi đại tràng sau phẫu thuật từ 3 - 6 tháng.
- Những bệnh nhân đã được nội soi toàn bộ đại tràng trước khi phẫu thuật cắt ung thư đại trực tràng cần nội soi đại tràng lại lần 1 sau 1 năm. Nếu kết quả bình thường sẽ soi lại lần 2 sau 3 năm. Nếu kết quả vẫn bình thường, sẽ soi lại sau mỗi 5 năm.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Sử dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng?
Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.