Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thực phẩm chống lại cảm lạnh trong mùa đông

Sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, hắt hơi – tất cả đều là dấu hiệu của cảm lạnh. Và, may mắn thay, có những thực phẩm có thể giúp bạn chống lại cơn cảm lạnh.

Mặc dù các triệu chứng của bệnh cảm lạnh có thể rất khác nhau (và có thể bao gồm cả đau đầu và sốt), nhưng tất cả các dạng cảm lạnh và viêm đường hô hấp đều có nguyên nhân là do hơn 200 loại virus gây nên. Bên cạnh đó, cảm lạnh cũng có thể là do hệ miễn dịch suy yếu, tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển.

Không có một loại siêu thực phẩm nào có thể chống lại được bệnh cảm lạnh, nhưng lại có rất nhiều loại thực phẩm có thể dự phòng và hỗ trợ điều trị cảm lạnh, từ cá trích, nấm cho đến rượu vang đỏ. Bạn hãy thử bổ sung 7 loại thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn của mình để duy trì hoặc lấy lại một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Cá mòi

Các loại cá béo rất giàu axit béo omega 3 – là loại axit béo đã được các nghiên cứu chứng minh có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như giảm tình trạng viêm của cơ thể. Ngoài ra, một nghiên cứu mới đây trên động vật xuất bản trên tạp chí Journal of Leukocyte Biology chỉ ra rằng, axit béo omega 3 có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách cải thiện chức năng của các tế bào miễn dịch. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì lượng omega 3 có trong cá mòi, so với các loại cá cùng họ khác: 85g cá mòi đóng hộp cung cấp khoảng 1259mg omega 3, trong khi cũng 85g cá hồi cầu vồng chỉ cung cấp 905mg omega 3, con số này ở cá hồi thông thường chỉ là 840mg và với cá ngừ đóng hộp chỉ là 196mg.

Cá mòi còn cung cấp các dưỡng chất quan trọng khác để giữ hệ miễn dịch của bạn luôn khỏe mạnh, ví dụ như ¼ khẩu phần cá hồi đóng hộp có thể cung cấp 120 calo, 13g protein cùng với một lượng canxi và vitamin D rất tốt cho sức khỏe.

Ớt chuông vàng

Thông thường, khi bị ốm, điều đầu tiên bạn nghĩ đến sẽ là bổ sung vitamin C. Một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời đó là ớt chuông vàng. Một trái ớt chuông vàng có thể cung cấp cho bạn 568% lượng vitamin C bạn cần trong ngày. Từ khi được phân lập lần đầu tiên vào những năm 1930, vitamin C đã được cho là có thể điều trị được các bệnh viêm đường hô hấp. Từ đó, các nghiên cứu đã chứng minh rằng, bổ sung vitamin C mặc dù không thực sự dự phòng được bệnh cảm lạnh nhưng vitamin C đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảm các triệu chứng cảm lạnh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thường xuyên bổ sung vitamin C với liều ít nhất tương đương nhu cầu khuyến nghị một ngày có thể giúp làm giảm thời gian bị cảm lạnh và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chứng minh rằng, bổ sung vitamin C rất quan trọng trong việc tăng cường chức năng miễn dịch ở một số cộng đồng người nhất định, ví dụ như người cao tuổi, người hút thuốc lá lâu năm, các vận động viên luyện tập nặng và trẻ nhỏ.

Nấm

Nấm rất giàu các vitamin nhóm B, selen và các chất chống oxy hóa, do vậy, nấm từ lâu đã được coi là một trong số những loại thực phẩm giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Nấm cũng có tác dụng chống virus. Tiêu thụ nấm có liên quan đến việc tăng sản xuất các tế bào chống nhiễm trùng. Suy giảm lượng selen được chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc phải các triệu chứng cúm dạng nặng. Vitamin nhóm B có trong nấm (bao gồm niacin và thiamin) cũng giúp duy trì hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh.

Nấm maitake và nấm hương là hai loại nấm đặc biệt có chứa các chất dinh dưỡng thực vật có thể tăng cường chức năng miễn dịch.

Đồ uống có cồn

Bạn đã bao giờ nghe nói hoặc biết đến việc vì rượu hoặc đồ uống có cồn có thể diệt khuẩn đồ vật, nên những loại đồ uống này có thể giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng bên trong cơ thể? Nhưng sự thật lại không hẳn như vậy. Uống rượu khi đang bị ốm không thể giúp bạn loại bỏ được virus ra khỏi cơ thể bạn. Trên thực tế, nếu bạn dùng rượu để điều trị cảm lạnh thì thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng mất nước, làm nặng thêm các triệu chứng ngạt mũi và có thể tương tác với một số loại thuốc.

Tuy nhiên, uống rượu với lượng vừa phải hàng ngày có thể sẽ giúp bạn ít bị ốm hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêu thụ rượu với một lượng vừa phải, thường xuyên có thể làm giảm tần suất bị cảm lạnh. Vừa phải ở đây được định nghĩa là dưới 1 ly/ngày với phụ nữ và 2 ly/ngày với nam giới.

Súp gà

Có những bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng, súp gà có thể giúp điều trị cơn cảm lạnh. Ít nhất là về cơ bản, dịch nóng của súp gà sẽ giúp cơ thể giữ nước, giúp làm loãng dịch nhầy và làm giảm tình trạng sưng họng.

Ngoài ra, các nghiên cứu sơ bộ ban đầu chứng minh rằng, các nguyên liệu trong súp gà có thể có một số tác dụng đặc biệt về mặt y học. Một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học thuộc trung tâm y tế Nebraska đã chỉ ra rằng, nước hầm xương, rau và gà có trong súp gà có chứa các thành phần chống viêm. Các nhà nghiên cứu đã xem xét sự di chuyển của bạch cầu trung tính và thấy rằng sự chuyển động này sẽ giảm đi khi ăn súp gà, từ đó gợi ý rằng súp gà có thể có tác dụng chống viêm, làm giảm triệu chứng và giảm thời gian mắc viêm đường hô hấp trên. Công thức súp trong nghiên cứu này bao gồm thịt gà, hành, khoai lang, cà rốt, củ cai, cần tây, rau mùi, muối và tiêu.

Trái cây họ cam chanh cả vỏ

Do trái cây họ cam chanh rất giàu vitamin C, nên thường xuyên tiêu thụ loại trái cây này là một cách tốt để giữ hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh. Một trái cam cỡ trung bình có thể cung cấp khoảng 117% nhu cầu vitamin C khuyến nghị một ngày. Các chất chống oxy hóa như vitamin C có thể tăng cường chức năng miễn dịch bằng cách chống lại sự phá hủy của các gốc tự do.

Một chất hóa học tự nhiên có trong vỏ của các loại trái cây này có tên là limonene cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm phế quản. Những nghiên cứu sơ bộ ban đầu cho thấy, limonene có thể giúp chống ung thư và hỗ trợ giảm cân. Một cách đơn giản để có thể bổ sung trái cây họ cam quýt cả vỏ vào chế độ ăn đó là làm giấm.

Gừng

Gừng là một loại gia vị đa năng và từ lâu đã được sử dụng  như một vị thuốc. Gừng đã được sử dụng cho những người bị cảm lạnh từ hàng nghìn năm trước tại Nhật, Trung Quốc và trong y học dưỡng sinh. Trà gừng được cho là có thể giúp ích khi mới bị cảm lạnh và không bị sốt và có thể làm giảm cảm giác buồn nôn.

Ngoài ra, có một cốc trà gừng tươi ấm cùng với mật ong và nước chanh có thể có tác dụng làm loãng dịch nhầy, giảm cảm giác khó chịu và buồn nôn khi bị cảm lạnh. Mặc dù gừng được chứng minh có thể giúp giảm buồn nôn liên quan đến mang thai, nhưng bạn nên trao đổi với bác sỹ trước khi sử dụng gừng trong thai kỳ.

Tham khảo thông tin về bệnh cảm lạnh trong bài viết: Những biến chứng không ngờ của cảm lạnh và bệnh cúm

Ths.Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo livestrong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm