Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các biến chứng của cảm lạnh - Phần 2

Cảm lạnh thường tự khỏi và không cần thiết phải đi khám bác sỹ. Tuy nhiên, đôi khi, cảm lạnh sẽ phát triển thành các biến chứng khác về sức khỏe như viêm phế quản, viêm phổi...

Mời các bạn tiếp tục tìm hiểu các biến chứng điển hình khác của cảm lạnh. Nhận biết sớm những dấu hiệu sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ y tế, cho một tiên lượng điều trị tốt và dự phòng được những tai biến nguy hiểm.

Viêm phổi

Đây là biến chứng đặc biệt nghiêm trọng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong ở nhóm có nguy cơ cao, bao gồm trẻ nhỏ, người già. Bởi vậy, việc đến khám bác sỹ khi những dấu hiệu đầu tiên của viêm phổi xuất hiện là rất quan trọng.

Viêm phổi nghĩa là phổi bị nhiễm trùng, gây ra các triệu chứng như ho, sốt, ớn lạnh, run chân tay. Đến gặp bác sỹ ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Ho nặng và có nhiều đờm
  • Thở dốc
  • Thường xuyên sốt cao trên 39 độ.
  • Đau buốt ở ngực
  • Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi

Viêm phổi thường có đáp ứng tốt với điều trị kháng sinh và các phương pháp hỗ trợ điều trị. Mặc dù vậy, người hút thuốc, người già, người có bệnh tim mạch và bệnh phổi thường rất dễ có các biến chứng liên quan đến viêm phổi. Những người này phải đặc biệt chú ý kiểm soát các triệu chứng cảm lạnh và đến gặp bác sỹ ngay khi dấu hiệu đầu tiên của viêm phổi xuất hiện.

Viêm phế quản

Đây là biến chứng do sự kích thích quá mức các màng nhầy của phế quản trong phổi.

Triệu chứng của viêm phế quản bao gồm ho (thường là ho có đờm), đau tức ngực, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh.

Thông thường, những biện pháp thông thường như nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng máy làm ẩm không khí và uống những loại thuốc không cần kê đơn là tất cả những gì cần làm để điều trị biến chứng này.

Tuy nhiên, đến gặp bác sỹ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây

  • Ho kéo dài hơn 3 tuần
  • Ho làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn
  • Ho và sốt trên 38 độ
  • Ho ra máu
  • Ho đi kèm với khò khè, khó thở

Những biến chứng nguy hiểm hơn sẽ xảy ra như viêm phổi nếu viêm phế quản mãn tính không được điều trị.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm của những đường dẫn khí nhỏ trong phổi (tiểu phế quản). Đây là tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhưng đôi khi lại rất nghiêm trọng và thường là do virus hợp bào hô hấp gây ra (RSV). Viêm tiểu phế quản thường ảnh hưởng đến trẻ dưới 2 tuổi. Triệu chứng thường giống với cảm lạnh thông thường trong vài ngày đầu, bao gồm sổ mũi, ngạt mũi, và đôi khi là sốt. Sau đó, là khò khè, tim đập nhanh và khó thở.

Ở trẻ khỏe mạnh, viêm tiểu phế quản thường sẽ khỏi trong 1-2 tuần. Viêm tiểu phế quản thường phải theo dõi chặt chẽ ở trẻ đẻ non hoặc ở những người bị bệnh mạn tính.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ nếu trẻ có các triệu chứng sau đây:

  • Thở rất nhanh và nông ( nhiều hơn 40 nhịp thở/phút)
  • Da xanh tái, đặc biệt là quanh môi và móng tay
  • Cần phải ngồi xuống mới thở được
  • Khó ăn/uống vì phải cố gắng thở
  • Thở khò khè có thể nghe thấy được

Viêm thanh khí phế quản

Viêm thanh khí phế quản là tình trạng được đặc trưng bởi những cơn ho liên tục, thường được miêu tả là ho như chó sủa. Những triệu chứng khác bao gồm sốt và khàn giọng.

Viêm thanh khí phế quản thường được điều trị tại nhà. Nhưng nếu trẻ có các triệu chứng sau, bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sỹ nhi khoa:

  • Âm thanh khi hít thở vào to và cao
  • Khó nuốt hoặc chảy nước dãi quá mức
  • Khó thở
  • Dễ cáu gắt
  • Da xanh hoặc xám quanh vùng mũi, miệng, móng tay
  • Sốt từ 39.7 độ trở lên

Cảm lạnh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động thể chất của bạn do các triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi, ho, khó thở gây ra. Nếu các triệu chứng trên ảnh hưởng quá lớn đến bạn, hãy trao đổi với bác sỹ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nhiễm rhinovirus – thủ phạm gây cảm lạnh ở trẻ

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm