Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tác dụng hứa hẹn của chitin trong hỗ trợ giảm cân

Chất xơ không chỉ có trong rau củ quả, mà các loài côn trùng, giáp xác cũng chứa một dạng chất xơ được gọi là chitin. Nghiên cứu cho thấy chitin có tiềm năng hỗ trợ giảm cân và cải thiện trao đổi chất.

Chitin có nhiều trong vỏ tôm, cua cùng các loài giáp xác.

Chitin không chỉ có ở động vật giáp xác như tôm biển, tôm hùm mà còn có trong thành tế bào của nấm, bộ xương ngoài của côn trùng. Chitin là polysaccharide trong tự nhiên, có cấu trúc hoá học gần giống chất xơ cellulose.

Nấm, các loài tôm đều có thể chế biến thành thức ăn ngon nhưng chẳng mấy ai thực sự thích ăn vỏ tôm. Chỉ một số ít động vật có một số vi sinh vật nhất định trong đường tiêu hóa mới có thể phân giải, chuyển hóa cấu trúc của chitin.

Thế nhưng, nghiên cứu mới đây trên tạp chí Science cho thấy, chất xơ khó tiêu này lại có nhiều lợi ích với hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm tỷ lệ mỡ cơ thể và giảm cân.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y, Đại học Washington (Mỹ) đã tiến hành thí nghiệm về tác dụng của chitin trên chuột. Vật thí nghiệm được nuôi bằng chế độ ăn nhiều chất béo, đồng thời được cho ăn chitin.

Kết quả cho thấy, những con chuột không thể tiêu hóa chitin sẽ ít tăng cân, có tỷ lệ mỡ cơ thể thấp hơn nhóm chuột không ăn chitin và nhóm chuột có thể phân giải chitin.

Chitin cấu tạo nên ​​vỏ của các sinh vật biển và côn trùng, thành tế bào của nấm

Chitin cấu tạo nên ​​vỏ của các sinh vật biển và côn trùng, thành tế bào của nấm.

Tuy vậy, những con chuột có thể tiêu hóa, phân giải chitin cũng nhận được những lợi ích không ngờ. Khi ăn chitin, dạ dày sẽ căng phồng lên, kích hoạt phản ứng quá mẫn type 2, cơ thể tiết ra enzyme chitinase nhằm phân hủy chitin.

Các nhà khoa học cho rằng, các tế bào khi được kích hoạt cũng sinh ra lipase – một enzyme ở tụy giúp chuyển hóa mỡ. Đây có thể là lý do giúp những con chuột có chế độ ăn nhiều chất béo và chitin không bị béo phì.

TS Steven Van Dyken – chuyên gia về dịch tễ học và miễn dịch học, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nhận định: "Thực phẩm chúng ta ăn có ảnh hưởng phức tạp tới quá trình sinh lý cũng như cách cơ thể chuyển hóa thức ăn. Chúng tôi đang nghiên cứu biện pháp đẩy lùi tình trạng béo phì dựa trên những hiểu biết về cơ chế tương tác giữa chế độ ăn và hệ miễn dịch".

Còn cần nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về ảnh hưởng của chitin lên cơ thể để xác định tác dụng của chất xơ này với quá trình kiểm soát cân nặng.

Khi đó, các biện pháp ức chế enzyme chitinase tại dạ dày, kết hợp với chế độ ăn có thực phẩm chứa chitin có thể đem lại lợi ích rõ rệt với quá trình trao đổi chất.

Tuy nhiên, do đây mới chỉ là thí nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu không khuyến cáo tự ý sử dụng côn trùng, các loài giáp xác để bổ sung chitin.

Côn trùng có thể chứa vi khuẩn, virus và nấm nguy hiểm; Gây nhiễm độc botulinum. Ăn chitin trong các loài tôm, giáp xác cũng có thể gây phản ứng dị ứng tương tự như ăn hải sản như sò, hàu. 

Ngoài ra, một ứng dụng khác của chitin là dùng để sản xuất chitosan bằng cách đun sôi chitin trong dung dịch kiềm đặc ở điều kiện thích hợp. Chitosan là chất có tác dụng hỗ trợ hạ cholesterol trong máu và cải thiện viêm loét dạ dày khá hiệu quả.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đang muốn giảm cân có nên ăn hạt hướng dương không?

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm