Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nghiên cứu cho thấy mắc COVID-19 mức độ nhẹ vẫn có thể gây ra các vấn đề về tim mạch lâu dài

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí BMJ, nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ra các vấn đề về tim mạch trong tối đa một năm, không chỉ trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Điều này cho thấy các vấn đề về COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời gian dài, kể cả dù đã hồi phục sau nhiễm.

Nghiên cứu từ trường Đại Học Washington

Các tác giả từ trường Đại học Washington và Hệ thống Chăm sóc Y tế - Bộ Cựu chiến binh ở St Louis, bang Missouri đã nghiên cứu và công bố kết quả báo cáo trên tạp chí Nature Medicine. Theo kết quả nghiên cứu, một năm sau khi nhiễm Covid-19, người bệnh vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bao gồm các rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và không cục bộ, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tim và bệnh huyết khối. Ngay cả đối với những trường hợp không nhập viện vì mắc COVID-19, người bệnh dù đã hồi phục vẫn có nguy cơ mắc những vấn đề sức khỏe nêu trên, tuy nhiên nguy cơ sẽ tăng lên tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng, theo chiều tăng dần từ những trường hợp không phải nhập viện đến những trường hợp bắt buộc phải nhập viện chăm sóc đặc biệt.

Trong kết quả nghiên cứu của các tác giả, kết quả đáng lưu ý nhất chính là: những người đã mắc COVID-19 có nguy cơ suy tim tăng 72%, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 63% và nguy cơ đột quỵ tim 52% so với các đối tượng đối chứng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những rủi ro này gia tăng một cách rõ ràng bất kể tuổi tác, chủng tộc, giới tính và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, bao gồm béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mạn tính và tăng lipid máu. Ngoài ra, những nguy cơ này cũng rõ ràng ở những người không có bất kỳ bệnh tim mạch nào trước khi tiếp xúc với COVID-19, và điều này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy ngay cả ở những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp cũng có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng sau mắc COVID-19. Tuy nhiên, cách lây nhiễm COVID-19 và cơ chế gây ra các vấn đề về tim mạch vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe quốc gia từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ để xây dựng một nhóm đối tượng nghiên cứu gồm 153.760 người, kể từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021. Để đối chứng với các đối tượng nghiên cứu, một nhóm gồm 5.637.647 đối tượng được đưa vào nhóm chứng tiến cứu và một nhóm gồm 5.859.411 đối tượng được đưa vào nhóm chứng hồi cứu để ước tính các rủi ro và gánh nặng của bệnh trong một năm đối với các vấn đề tim mạch.

 

Rủi ro ở tất cả các nhóm đối tượng

Các tác giả đã rất ngạc nhiên khi thấy phổ rộng của những đối tượng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tim mạch do COVID-19 gặp ở tất cả các nhóm, bao gồm tất cả các nhóm được chia nhỏ, nhóm người trẻ tuổi, người lớn tuổi, người da đen, người da trắng, những người bị béo phì và cả những người không có nguy cơ nào trước đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người đã mắc COVID-19 là đáng kể. Trong khi cách tốt nhất để ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch là ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng ngay từ đầu, chính phủ và hệ thống y tế của các quốc gia cần phải chuẩn bị để đối phó với các vấn đề lớn có thể xảy ra trong tương lai. Số lượng người mắc COVID-19 không ngừng gia tăng, với hơn 72 triệu người bị nhiễm bệnh tại Hoa Kỳ, trong khi có hơn 16 triệu người ở Anh và hơn 355 triệu người trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các vấn đề tim mạch được xác định ở những người đã mắc COVID-19 là mạn tính và có thể để lại hậu quả lâu dài đối với những cá nhân mắc bệnh hay hệ thống y tế quốc gia, kéo theo giảm năng suất kinh tế và tuổi thọ.

Một điều lưu ý là mặc dù có bằng chứng về tổn thương tim và mạch máu lâu dài, các vấn đề về sức khỏe khác vẫn có thể xảy ra trong não hay các cơ quan khác của cơ thể, dẫn đến các triệu chứng đặc trưng của tình trạng COVID kéo dài bao gồm sương mù não…

Tổng kết

COVID-19 đang để lại những hậu quả nặng nề, không chỉ về sức khỏe trong thời gian mắc mà là cả những vấn đề còn tồn đọng sau khi hồi phục. Di chứng của “hậu COVID” và các vấn đề gặp phải sau khi mắc là một thách thức không nhỏ, đồng thời đặt ra những cảnh báo cho hệ thống y tế và sức khỏe chung của mỗi người.

Tham khảo thêm thông tin tại: Các bài tập thở tốt nhất cho bệnh nhân mắc COVID-19

 

 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo BMJ) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm