Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mất ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Cũng giống như ăn uống, ngủ cần thiết cho cơ thể hoạt động. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của giấc ngủ đối với sức khỏe. Một lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý trong năm qua là ảnh hưởng của giấc ngủ đối với chứng mất trí nhớ nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng.

Mặc dù nghiên cứu vẫn đang tiếp tục và câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này vẫn cần thêm thời gian, nhưng các chuyên gia y tế đồng ý rằng giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho bộ não khỏe mạnh.

Giấc ngủ có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer không?

Hầu hết người trưởng thành nên ngủ từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm, nhưng nhiều người phải vật lộn với việc ngủ đủ giấc. Nghiên cứu trước đây cho thấy thiếu ngủ là một vấn đề toàn cầu. Một vấn đề sức khỏe toàn cầu khác đang nhận được nhiều sự quan tâm gần đây là bệnh mất trí nhớ nói chung và một loại bệnh mất trí nhớ cụ thể được gọi là bệnh Alzheimer. Hiện tại, hơn 55 triệu người trên khắp thế giới sống chung với chứng mất trí nhớ. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên 78 triệu vào năm 2030 và 139 triệu vào năm 2050.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với nhiều chức năng của não và nhiều người mắc chứng mất trí nhớ bị rối loạn giấc ngủ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Đọc thêm bài viết: Những loại đồ uống khiến bạn dễ ngủ và mất ngủ

Tại sao giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe não bộ?

Theo các chuyên gia, giấc ngủ là yếu tố chính của sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm cả sức khỏe não bộ. Có một số quá trình diễn ra trong khi ngủ của bạn như: quá trình củng cố trí nhớ, xử lý cảm xúc và quá trình làm sạch sâu. Trong giấc ngủ sâu, dịch não tủy và hệ thống miễn dịch của não sẽ loại bỏ các chất thải ra khỏi tế bào não. Khi chúng ta thức, các tế bào thần kinh tạo ra một chất hóa học gọi là adenosine - một sản phẩm phụ của các hoạt động của tế bào. Nếu không có giấc ngủ sâu liên tục, chúng ta sẽ không thể tạo ra adenosine và điều này dễ dẫn đến các tình trạng viêm mạn tính. Và viêm mạn tính là nguyên nhân làm trầm trọng thêm nhiều bệnh và rối loạn não.

Giấc ngủ cũng rất quan trọng vì đây là thời gian để cơ thể phục hồi. Nếu không có thời gian để phục hồi, bộ não không thể tự sửa chữa sau những hao mòn hàng ngày của cuộc sống. Theo thời gian, sự thiếu sửa chữa này dẫn đến rối loạn chức năng và bệnh tật. Bộ não của chúng ta là những thực thể điện và hóa học liên tục hoạt động, giống như động cơ của ô tô. Khi ngủ, não được nghỉ ngơi và chuẩn bị cho nhiều công việc hơn. Một động cơ ô tô không thể hoạt động liên tục nếu không được bảo dưỡng. Vì thế, giấc ngủ giống như việc bạn thay dầu cho các động cơ để bộ não làm mới và làm việc nhiều hơn.

Ảnh hưởng của giấc ngủ kém đến não bộ

Một lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu là ảnh hưởng của giấc ngủ kém, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ và mất ngủ lên não bộ. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm giảm thể tích não và ảnh hưởng đến trí nhớ. Một nghiên cứu khác cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến sự gia tăng chất trắng bất thường trong não và những bất thường như vậy có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và đột quỵ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra chứng mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, có liên quan đến mức độ cao hơn của dấu ấn sinh học dịch não tủy CSF Aβ42, có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Các phân tích tổng hợp lớn đã chỉ ra mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ kém và chứng mất trí nhớ. Giấc ngủ kém không chỉ cản trở quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Và cả hai đều làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Ngủ không đủ sẽ cản trở khả năng học hỏi và ghi nhớ thông tin mới của bộ não. Mất ngủ và trí nhớ kém đi cũng tạo thành một vòng luẩn quẩn. Và việc suy giảm trí nhớ có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn khi ngủ đủ giấc.

Thuốc ngủ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ sa sút trí tuệ?

Một chủ đề được quan tâm khác trong năm vừa qua là ảnh hưởng của thuốc ngủ đối với nguy cơ sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu đang cho thấy sự mâu thuẫn. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2023 phát hiện ra rằng những người dùng thuốc trị mất ngủ suvorexant đã bị giảm protein liên quan đến bệnh Alzheimer beta-amyloid và taurine. Ngược lại, một nghiên cứu khác vào đầu năm nay cho thấy việc sử dụng thuốc ngủ thường xuyên có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở một số nhóm dân tộc nhất định.

Các chuyên gia cho rằng thuốc ngủ là thuật ngữ được sử dụng cho một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc benzodiazepin và thuốc chống trầm cảm. Mỗi loại thuốc ảnh hưởng đến não một cách khác nhau và có khả năng góp phần vào nghiên cứu mâu thuẫn.

Mọi người đặc biệt là người lớn tuổi nên thận trọng khi tiếp cận với tất cả các loại thuốc ngủ. Thuốc ngủ chỉ nên được sử dụng nếu các biện pháp khác không thể hỗ trợ cải thiện giấc ngủ của bạn. Ngoài ra một điều quan trọng khác bạn cần lưu ý là loại trừ những nguyên nhân gây ra giấc ngủ kém như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trước khi bắt đầu dùng thuốc ngủ không kê đơn.

Các chuyên gia khuyến nghị cách tốt nhất là tự giáo dục bản thân về cách ngủ ngon và cố gắng sử dụng các biện pháp không dùng thuốc để cải thiện giấc ngủ. Bạn có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như: vệ sinh giấc ngủ, các hoạt động thiền định vào buổi tối, thư giãn trước khi chuyển sang dùng thuốc ngủ trong thời gian dài.

Đọc thêm bài viết: Giảm mệt mỏi, mất ngủ nhờ thay đổi lối sống khoa học hơn

Giấc ngủ sâu và trí nhớ

Các nhà nghiên cứu cũng đã đánh giá vai trò của giấc ngủ sâu trong việc giúp lưu giữ ký ức. Giấc ngủ sâu là giai đoạn mà hoạt động não bộ của chúng ta chậm lại và chúng ta không dễ dàng thức dậy. Đây là giấc ngủ không mộng mị, thường xảy ra muộn hơn trong đêm ngay trước khi ngủ mơ, được gọi là REM. Trong khi ngủ sâu, hormone tăng trưởng được giải phóng và cơ thể thực hiện quá trình phục hồi và làm sạch.

Một nghiên cứu từ 2023 nói rằng giấc ngủ sâu có thể giúp bảo vệ chống lại chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi có lượng beta-amyloid trong não tăng cao. Và một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng việc áp dụng kích thích não sâu khi một người đang chìm trong giấc ngủ sẽ cải thiện khả năng tạo ký ức của não bộ.

Thống kê cho thấy tình trạng mất trí nhớ ít xảy ra ở những người lớn tuổi có giấc ngủ hàng đêm tốt. Các chức năng thanh lọc phục hồi của giấc ngủ đạt hiệu quả cao nhất trong giấc ngủ sâu, giúp loại bỏ một số protein độc hại tích tụ gây ra bệnh Alzheimer. Người ta cũng tin rằng giấc ngủ sâu hơn giúp bạn thực hiện và củng cố ký ức, vì vậy nếu không ngủ được thì bạn sẽ không củng cố được ký ức.

Một điều thú vị khác là khi bạn già đi theo thời gian, bộ não của bạn không cho phép bạn chìm vào những giấc ngủ sâu hơn. Và theo thời gian, khi con người già đi, nhu cầu về giấc ngủ của họ sẽ giảm xuống. Những người trẻ tuổi ngủ sâu hơn những người lớn tuổi - đó là lý do tại sao những người trẻ tuổi có khả năng củng cố và hình thành trí nhớ dễ dàng hơn.

Mặc dù giấc ngủ sâu có thể giảm khi chúng ta già đi, nhưng có nhiều cách giúp cải thiện, góp phần mang đến cho bạn một giấc ngủ sâu ngon giấc. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ, không xem màn hình điện thoại, máy tính sau khi trời tối, không ăn một bữa lớn quá gần giờ đi ngủ là những cách bạn có thể áp dụng để có được cho mình một giấc ngủ sâu.

Lời khuyên cho giấc ngủ ngon hơn

Mặc dù đôi khi bạn khó có thể ưu tiên cho giấc ngủ, nhưng tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng ngủ đủ giấc là điều tối quan trọng không chỉ cho sức khỏe não bộ mà còn cho sức khỏe nói chung.

Sức khỏe kém khiến một người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Nếu không được nghỉ ngơi hợp lý, cơ thể chúng ta không thể hoạt động hiệu quả để duy trì sức khỏe. Và một hệ quả tất yếu là giấc ngủ kém có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ.

Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia về cách cải thiện giấc ngủ của bạn:

  • cố gắng thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày
  • tránh các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh như tivi, máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh ít nhất 1 đến 2 giờ trước khi đi ngủ.
  • thử đọc sách thay vì xem tivi trước khi đi ngủ
  • tập thể dục hàng ngày, tuy nhiên bạn không nên tập thể dục ngay trước khi đi ngủ
  • tránh đồ uống chứa caffein vào buổi chiều
  • cố gắng không nên ngủ vào buổi chiều
  • tránh các bữa ăn lớn ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ
  • chỉ đi ngủ khi bạn cảm thấy buồn ngủ
  • thiết lập một số thói quen trước khi ngủ để cho cơ thể bạn biết rằng đã đến lúc thư giãn
  • thực hiện một vài động tác thư giãn cho cơ thể như thiền hoặc hít thở sâu trước khi đi ngủ
  • bố trí nơi ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh
  • chỉ sử dụng giường của bạn để ngủ
  • sử dụng đồng hồ thông minh hoặc thiết bị khác để theo dõi giấc ngủ của bạn
  • phơi mình dưới ánh sáng mặt trời khi bạn thức dậy.

Nếu thấy mình không ngủ đủ giấc, thì điều bạn cần làm đó là bù đắp lại sự thiếu hụt đó cho cơ thể bằng việc sắp xếp lại lịch trình công việc. Nếu bạn không thể có được một giấc ngủ ngon vì bất kỳ lý do gì, hãy đi ngủ càng sớm càng tốt, hoặc ngủ nhiều hơn vào đêm hôm sau bằng lượng giấc ngủ mà bạn đã mất trước đó.

Chúng tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe dành cho bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ với cam kết hỗ trợ phát triển sức khỏe và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân, tư vấn dinh dưỡng cho tất cả các đối tượng… Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0935.18.39.39  hoặc 0243.633.5678 để nhận tư vấn chi tiết.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Medical News Today
Bình luận
Tin mới
  • 27/07/2024

    Chế độ ăn dặm tự chỉ huy có tốt hơn ăn dặm truyền thống?

    Chế độ ăn dặm tự chỉ huy (baby-led weaning) ngày càng phổ biến, nhưng chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy phương pháp này ưu việt hơn ăn dặm truyền thông về mặt dinh dưỡng.

  • 27/07/2024

    Mẹo giúp trẻ vượt qua cơn đau khi mọc răng

    Trẻ mọc răng thường xuất hiện một số dấu hiệu như ngứa lợi, quấy khóc, sốt… Cha mẹ quan sát và biết cách giảm đau cho trẻ lúc mọc răng để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

  • 27/07/2024

    Ảo giác và chóng mặt trong bệnh đa xơ cứng

    Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số người có thể bị ảo giác, choáng váng hoặc chóng mặt.

  • 27/07/2024

    9 lời khuyên vàng khi chăm sóc da cho bé

    Trẻ nhỏ có làn da rất mềm mại và mỏng manh. Vì vậy, các bé có thể gặp phải nhiều vấn đề và bệnh lý về da. Cùng tham khảo một vài gợi ý cũng như lời khuyên hữu ích dưới đây để chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của em bé nhà bạn.

  • 26/07/2024

    Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất

    Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng co giật cơ ở bắp thịt trên tay, chân, vai, mi mắt, lưng, cơ mặt một vài lần trong đời. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số vitamin, khoáng chất thiết yếu.

  • 26/07/2024

    Cách làm màu thực phẩm tự nhiên

    Màu thực phẩm tự nhiên là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc vào công thức nấu ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã có sẵn trong tủ đựng thức ăn, giá đựng gia vị hoặc rau củ trong nhà. Màu thực phẩm tự nhiên được coi là sự thay thế lành mạnh hơn cho màu thực phẩm nhân tạo vì nó có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật và không chứa các hóa chất độc hại mà màu nhân tạo có thể có.

  • 26/07/2024

    6 bài tập cải thiện cơ bắp toàn thân không cần dụng cụ

    Sử dụng chính trọng lượng cơ thể mình, bạn có thể rèn luyện cơ bắp toàn thân với 6 bài tập thể dục không cần có thêm dụng cụ hỗ trợ.

  • 26/07/2024

    Tổng kết Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà"

    Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà" do Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Vesta-B Việt Nam tổ chức từ ngày 12 - 13/6/ đã kết thúc tốt đẹp

Xem thêm