Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào để ngăn ngừa hình thành cục máu đông?

Cục máu đông hay gặp ở các động mạch, hoặc tĩnh mạch trong tim, não, phổi, bụng, cánh tay và chân. Thông thường, cục máu đông được tạo ra giúp cầm máu khi cơ thể bị thương hoặc có những vết cắt. Hầu như cơ thể sẽ phá vỡ các cục máu đông sau khi vết thương của bạn đã lành lại. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, cơ thể không thể giải quyết được những cục máu đông này. Trong những lần tiếp theo, chúng sẽ hình thành bên trong mạch máu mà không rõ nguyên nhân. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hoặc tắc tĩnh mạch.

Những cách để ngăn ngừa cục máu đông

Nhiều khi, những người bị cục máu đông không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi một biến chứng xảy ra. Vì lý do đó, điều quan trọng là bạn phải thực hiện các biện pháp có thể để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia về những gì nên làm và những gì cần tránh.

  • Duy trì cân nặng hợp lý

Béo phì có liên quan đến việc tăng áp lực trong bụng, ít hoạt động và viêm nhiễm lâu hơn. Tất cả những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Bạn hãy nói chuyện với bác sỹ về những cách lành mạnh để giảm cân nếu cần.

  • Luôn hoạt động

Tập thể dục thường xuyên giúp giảm sự phát triển cục máu đông. Nếu bạn ít vận động có thể bắt đầu với các bài tập từ nhẹ đến trung binh.

  • Uống đủ nước

Mất nước được cho là làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Do đó, bạn phải uống nhiều nước mỗi ngày, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông khác.

  • Bỏ thuốc lá

Nếu bạn hút thuốc, bây giờ là lúc bạn nên dừng lại. Nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông nguy hiểm. Có rất nhiều công cụ để giúp bạn bỏ thuốc lá. Nếu bạn không chắc phương pháp nào phù hợp với mình, hãy trao đổi với chuyên gia y tế về các lựa chọn của bạn.

  • Không ngồi quá lâu

Nếu tính chất công việc của bạn yêu cầu bạn phải ngồi trong thời gian dài, điều quan trọng là bạn phải đứng dậy và di chuyển thường xuyên nhất có thể. Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khuyên bạn nên đứng, duỗi (bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân), di chuyển xung quanh 2 đến 3 giờ để ngăn hình thành cục máu đông.

  • Theo dõi mức natri

Chú ý đến mức natri của bạn có thể là chìa khóa để giảm tỷ lệ hình thành cục máu đông. Nồng độ natri quá cao hoặc quá thấp có thể dẫn đến các vấn đề về cục máu đông.

  • Không mặc đồ quá bó

Để tạo điều kiện thuận lợi cho máu huyết lưu thông, cách làm tan cục máu đông tốt nhất là tránh mặc quần áo bó sát. Các loại quần bó như skinny, jeans… thực ra không hề tốt cho lưu thông máu. Hãy thay chúng bằng quần ống rộng hoặc quần mặc khi tập thể thao. Những loại trang phục này vừa thoải mái mà lại tạo cảm giác thoải mái cho người mặc.

  • Uống thuốc theo chỉ định

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để ngăn hình thành cục máu đông, làm tan cục máu đông hiện có hoặc ngăn không cho chúng phát triển thêm. Chúng bao gồm thuốc làm loãng máu, thuốc ức chế thrombin và thuốc làm tan huyết khối.

Nguyên nhân gây cục máu đông

Các loại cục máu đông được hình thành khi dòng máu tiếp xúc với các chất trong thành mạch máu hoặc trên da của cơ thể. Tình trạng này là biểu hiện cho việc thành mạch máu đã bị vỡ hoặc bề mặt da bị tổn thương, khiến rò rỉ các tế bào máu ra bên ngoài. Bên cạnh đó, các mảng cholesterol (mảng xơ vữa) hình thành trong các động mạch, khi những mảng này bong ra sẽ kích hoạt quá trình đông máu. Hầu hết các cơn đột quỵ và đau tim xảy ra khi một mảng xơ vữa ở trong não hoặc tim đột nhiên bị vỡ/bong ra. Hầu hết, các cục máu đông hình thành là do dòng máu của cơ thể chảy một cách bất thường. Nếu chúng nằm trong tim hoặc mạch máu, tiểu cầu có thể kết dính lại với nhau. Trong đó, huyết khối tĩnh mạch sâu và rung tâm nhĩ là hai tình trạng dẫn đến đông máu do máu di chuyển chậm.

Tình trạng sức khỏe nào làm tăng tỷ lệ hình thành cục máu đông?

Một số bệnh và tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu bạn mắc một trong những tình trạng này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ:

  • Ung thư
  • COVID-19
  • Các tình trạng về tim như suy tim sung huyết, xơ vữa động mạch và huyết áp cao
  • Bệnh thận mãn tính
  • Rối loạn máu
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh viêm ruột
  • Nhiễm trùng huyết
  • Bệnh lao
  • Hen suyễn
  • Khó thở khi ngủ
  • Bệnh tiểu đường
  • Hội chứng buồng trứng đa nang

Những dấu hiệu và triệu chứng của cục máu đông là gì?

Cục máu đông có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Các triệu chứng của bạn có thể sẽ phụ thuộc vào vị trí nơi cục máu đông cản trở lưu lượng máu. Dưới đây là một số dấu hiệu cần nhận biết:

  • Sưng, đau, nóng hoặc đau không liên quan đến chấn thương - đặc biệt là ở một hoặc cả hai chân của bạn
  • Một vùng da đổi màu (đỏ hoặc xanh) trên da chân của bạn
  • Khó thở đột ngột hoặc thở gấp
  • Nhịp tim nhanh, nhảy vọt hoặc không đều
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Huyết áp thấp
  • Đau ngực, đặc biệt nếu cơn đau trầm trọng hơn khi bạn ho hoặc hít thở sâu
  • Ho ra máu

Kết luận, cục máu đông có thể gây tổn thương nội tạng, đau tim, đột qụy và các vấn đề sức khỏe khác. Có nhiều yếu tố nguy cơ cần lưu ý có thể làm tăng tỷ lệ hình thành cục máu đông. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đông máu là do di truyền, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ tổng thể của mình. Nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về việc liệu thuốc có thể phù hợp với bạn. Hơn hết, hãy biết trước các yếu tố nguy cơ của bản thân, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp để giữ gìn sức khỏe.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bằng cách nào?

 

Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp từ Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm