Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đau thắt lưng: những điều cần biết

Đau thắt lưng là triệu chứng rất phổ biến. Nó có thể gây ảnh hưởng nhiều đến những hoạt động hàng ngày cũng như công việc của bạn.

Đau thắt lưng là gì?

Hầu hết bất cứ ai cũng sẽ trải qua đau thắt lưng một vài lần trong đời. Vùng thắt lưng bắt đầu từ dưới khung xương sườn. Đau ở vị trí này với cường độ mạnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghỉ việc. Nhưng rất may mắn là đau thắt lưng thường tự tiến triển tốt lên hoặc các phương pháp điệu trị cũng rất có hiệu quả.

Triệu chứng

Đau thắt lưng có nhiều mức độ, trải rộng từ đau âm ỉ cho đến đau chói như dao đâm. Đau có thể khiến bạn khó khăn trong việc di chuyển hoặc đứng thẳng. Cơn đau cấp tính xuất hiện đột ngột, thường sau một chấn thương thể thao hoặc mang vác vật nặng. Đau kéo dài từ 3 tháng trở lên được gọi là đau mạn tính. Nếu cơn đau của bạn không tốt lên trong vòng 72 giờ, bạn nên đi khám bác sĩ.

Những triệu chứng cần phải cấp cứu

Đau thắt lưng nghiêm trọng sau té ngã hoặc chấn thương nên được kiểm tra bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Những dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm đại tiểu tiện không tự chủ, yếu chân, sốt và đau khi ho, đi tiểu. Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào kể trên kèm theo đau thắt lưng, hãy đến gặp bác sĩ.

Căng cơ hay đau thần kinh tọa?

Đau thắt lưng sau bê vác vật nặng hoặc tập luyện quá sức thường do căng cơ. Nhưng cũng có thể liên quan đến gãy hoặc trật đốt sống gây chèn ép vào dây thần kinh tọa, vì vậy đau sẽ trải dài từ mông xuống cẳng châ. Khi đó gọi là đau thần kinh tọa.

Nguyên nhân

Nghề nghiệp

Nếu công việc của bạn liên quan đến bê vác, kéo đẩy hay bất kì hoạt động nào làm sai lệch cột sống thì đều có thể gây ra đau lưng. Tuy nhiên, ngồi ở bàn làm việc cả ngày cũng là một yếu tố nguy cơ, đặc biệt là nếu ghế ngồi của bạn không thoải mái hoặc bạn có xu hướng ngồi vai thõng xuống.

Cặp sách

Mặc dù bạn có thể xách, đeo sau lưng hoặc đeo chéo qua vai nhưng phần thắt lưng của bạn vẫn phải nâng đỡ toàn bộ phần trên cơ thể, bao gồm cả bất kì những vật nặng nào bạn mang theo. Vì vậy, mang cặp quá nặng có thể làm căng cơ vùng thắt lưng, đặc biệt là nếu bạn mang nó hàng ngày. Nếu bạn phải mang theo đồ nặng, hãy chuyển sang dùng vali kéo.

Tập luyện

Tập luyện quá sức ở phòng tập gym hoặc sân chơi gôn là những nguyên nhân phổ biến nhất gây căng cơ dẫn đến đau thắt lưng. Đặc biệt bạn sẽ dẫn dễ bị tổn thương nếu bạn không hoạt động trong cả tuần làm việc và sử dụng nhiều giờ đển tập gym hoặc đánh gôn vào dịp cuối tuần.

Tư thế

 Mẹ rất đúng khi thường xuyên nhắc bạn hãy đứng thẳng lưng lên. Lưng của bạn sẽ nâng đỡ trọng lượng tốt nhất khi bạn không thõng vai xuống. Điều đó có nghĩa là ngồi với đúng tư thế để hỗ trợ cho phần thắt lưng và sau vai, với bàn chân thả lỏng trên ghế thấp. Khi bạn đứng hãy giữ trọng lượng cơ thể phân bố đều trên 2 chân.

Thoát vị đĩa đệm

Giữa các đốt sống được đệm bởi một đĩa có cấu trúc giống như gel, có thể bị suy giảm hoặc xé rách theo tuổi tác hoặc do chấn thương. Nếu đĩa đệm này bị rách hoặc trật có thể gây chèn ép các rễ thần kinh, dẫn đến đau lưng mức độ nặng. Tình trạng này được gọi là thoát vị đĩa đệm.

Bệnh mạn tính

  • Một số bệnh mạn tính nặng có thể gây đau thắt lưng như:
  • Hẹp ống sống có thể gây chèn ép các dây thần kinh.
  • Viêm cột sống dính khớp gây đau lưng mạn tính do viêm nặng các khớp ở cột sống.
  • Hội chứng đau cơ xơ hóa gây đau cơ ở nhiều vị trí, bao gồm đau lưng.

Yếu tố nguy cơ

Hầu hết mọi người bắt đầu bị đau thắt lưng khi bước vào tuổi 30 và nó sẽ gia tăng theo tuổi. Những yếu tố khác có thể gây đau thắt lưng bao gồm:

  • Thừa cân
  • Lối sống tĩnh tại
  • Công việc đòi hỏi phải mang vác vật nặng

Chẩn đoán

Để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán nguyên nhân gây đau, bạn cần mô tả đặc điểm của cơn đau, khi nào nó xuất hiện, các triệu chứng đi kèm và tiền sử bất kì bệnh lí mạn tính nào. Họ có thể không cần chỉ định chụp Xquang, cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ trước khi bắt đầu điều trị.

Chăm sóc tại nhà

Đau lưng do căng cơ thường sẽ tự tốt lên nhưng bạn có thể áp dụng một số biện pháp để cảm thấy dễ chịu hơn. Chườm ấm có thể giúp bạn giảm đau tạm thời.

Nghỉ ngơi tại giường

Khi bị đau lưng, bạn có thể không muốn rời khỏi giường. Nhưng nếu nguyên nhân là do căng cơ, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên quay trở lại các hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nằm nghỉ ngơi tại giường nhiều hơn 1 hoặc 2 ngày thực sự có thể làm cho cơn đau nặng hơn và giảm trương lực cơ cũng như sự linh hoạt của bạn.

Yoga

Nếu đau thắt lưng không cải thiện sau 3 tháng thì Yoga có thể giúp bạn. Theo một nghiên cứu, những người tham gia 12 tuần ở các lớp học Yoga có sự giảm thiểu những triệu chứng đau thắt lưng so với những người không tập Yoga. Những lợi ích mà nó đem lại vẫn còn kéo dài một vài tháng sau khi kết thúc những lớp học này. Nghiên cứu chỉ ra rằng kéo dãn cơ thông thường cũng đem lại hiệu quả. Hãy chắc chắn rằng hướng dẫn của bạn có nhiều kinh nghiệm giảng dạy với người bị đau lưng và sẽ thay đổi tư thế cho bạn khi cần thiết.

Nắn chỉnh cột sống

Các chuyên gia nắn chỉnh xương có thể nắn chỉnh cột sống của bạn để điều trị đau thắt lưng bằng cách sử dụng lực của tay tới xương và các mô xung quang. Tuy nhiên phương pháp này không thể áp dụng cho tất cả mọi người.

Liệu pháp mát-xa

Mát-xa có thể làm giảm đau thắt lưng mạn tính, đặc biệt khi phối hợp với tập thể dục và các bài tập kéo dãn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những bệnh nhân luyện tập cả 3 loại hình trên có thể di chuyển xung quanh dễ dàng hơn và giảm các cơn đau cấp tính cũng như mạn tính.

Châm cứu

Châm cứu có thể điều trị đau lưng không? Các bằng chứng còn gây nhiều tranh cãi. Nghiên cứu trên hàng trăm người bị đau lưng kéo dài đã cho thấy những kết quả đáng ngạc nhiên. Những người được mô phỏng châm cứu (gảy tăm trên da) nhận được các lợi ích tương tự như những người được châm cứu thực sự bằng kim. Sau 8 tuần, cả 2 nhóm đã giảm đau so với những người không châm cứu.

Thuốc

Đau thắt lưng mức độ nhẹ sẽ đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như acetaminophen, ibuprofen, hoặc naproxen. Kem bôi giảm đau có thể hữu ích với đau cơ. Đau mức độ nặng hoặc đau mạn tính, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng các thuốc kê đơn.

Tiêm

Nếu những liệu pháp đơn giản hơn và thuốc không giúp bạn giảm đau, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm vào lưng. Đây là một thủ thuật gọi là chặn rễ thần kinh, nhằm vào dây thần kinh bị kích thích. Thuốc tiêm được sử dụng thường chứa steroid.

Phẫu thuật

Nếu đau thắt lưng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và các biện pháp điều trị khác không giảm đau, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ có thể lấy bỏ đĩa đệm bị thoát vị, mở rộng ống sống hoặc làm dính 2 đốt sống lại với nhau.

Vật lý trị liệu

Nếu đau lưng làm bạn không hoạt động trong một thời gian dài thì phục hồi chức năng có thể giúp bạn kéo dãn các cơ và trở lại với các hoạt động hàng ngày. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn các bài tập kéo dãn và ít ảnh hưởng đến tim mạch giúp bạn khỏe mạnh hơn mà không bị đau lưng.

Bài tập kéo dãn lưng

Hai loại bài tập có thể có lợi cho vùng thắt lưng là bài tập uốn cong và tập kéo dãn. Trong bài tập uốn, bạn uốn cong về phía trước để kéo căng các cơ bắp của lưng và hông. Với bài tập kéo dãn, bạn uốn về phía sau để phát triển các cơ hỗ trợ cột sống. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau lưng mà có một số bài tập bạn không nên thực hiện. Nếu bạn bị đau lưng, hãy nói chuyện với bác sĩ để có những bài tập an toàn.

Phòng bệnh

Không có biện pháp để phòng ngừa đau lưng do tuổi tác nhưng có những bước mà bạn có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ như:

  • Duy trì cân nặng hợp lí
  • Tập luyện đều đặn
  • Di chuyển bằng chân nhưng không tác động đến lưng
  • Giữ tư thế đúng khi làm việc

Thông tin thêm tham khảo tại bài viết: 10 nguyên nhân bất ngờ gây đau lưng

Bs. Thanh Thanh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Webmd
Bình luận
Tin mới
Xem thêm