Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cảnh giác với những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nếu bạn bị đau lưng

Ai trong chúng ta cũng bị đau tại lưng tại một thời điểm nào đó. Đau lưng gây ra sự khó chịu và làm hạn chế vận động, trong nhiều trường hợp bạn không cần phải quá lo lắng, và cơn đau thường sẽ biến mất trong vòng dưới 6 tuần. Tuy nhiên đau lưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà bạn cần sự can thiệp y tế.

Để phát hiện ra mối liên quan giữa đau lưng và một vấn đề sức khỏe nào đó thường không đơn giản, bác sỹ phải thăm khám và hỏi bạn rất nhiều câu hỏi đôi khi chẳng liên quan gì đến cái lưng đau của bạn.

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu mối liên quan giữa đau lưng và một số vấn đề sức khỏe, những cảnh báo này có thể định hướng cho bạn để tìm kiếm những giải pháp y tế phù hợp. Nếu những cơn đau lưng dai dẳng và liên tục hành hạ bạn, hãy gặp bác sỹ để xác định chính xác vấn đề sức khỏe của bạn.

Phình động mạch chủ

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch tại một vị trí nào đó bị suy yếu, khiến cho động mạch tại vị trí đó mở rộng hoặc phình to bất thường. Theo Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ, phình động mạch có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bệnh phình động mạch chủ chủ yếu đề cập đến những bất thường (phình) tại động mạch chủ. Động mạch chủ là động mạch chính và lớn nhất trong cơ thể người, có đường kính khoảng 2,5 cm (1 inch), động mạch chủ bắt nguồn từ tâm thất trái của tim chạy một vòng chữ U lên ngực trên và kết thúc quanh vùng rốn, nơi nó chia ra làm 2 động mạch nhỏ hơn. 

Hầu hết phình động mạch chủ xảy ra ở vùng bụng, và ít xảy ra ở ngực. Nếu phình động mạch chủ gây vỡ động mạch nó thường gây ra đau lưng và đau vùng bụng đột ngột. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: cảm giác mạch đập ở vùng bụng, bụng gồng cứng, buồn nôn và nôn, khối u ở bụng… Đây là một cấp cứu y tế khẩn cấp bởi vì nó có thể dẫn đến chảy máu nội tạng đe doạ tính mạng người bệnh.

Phình động mạch chủ  phổ biến nhất ở nam giới trên 60 tuổi có hút thuốc lá hoặc có mức cholesterol máu cao. Nhưng bất cứ ai nếu bị đau dữ dội liên tục ở bụng hoặc lưng thì nên tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Động mạch chủ và phình động mạch chủ bụng
Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng đặc trưng bởi hiện tượng viêm của ruột thừa, với các triệu chứng điển hình như đau âm ỉ ở vùng hố chậu phải, buồn nôn và nôn. Bạn có thể bị đau ở các vị trí khác tại khu vực bụng và cũng có thể bị đau lưng ở lưng dưới. Lý do: Mặc dù ruột thừa thường nằm ở vùng hố chậu phải, có khoảng 15% số người có ruột thừa ở vị trí sau manh tràng gần với thận hơn. Vì vậy, đối với những người này khi ruột thừa bị viêm hoặc vỡ, bạn có thể thấy đau ở khu vực lưng dưới thay vì đau ở bụng và hố chậu phải như các trường hợp điển hình.

Bất cứ khi nào bạn nghi ngờ mình có các dấu hiệu của viêm ruột thừa, hãy đi khám bác sỹ. Ruột thừa bị viêm có thể vỡ ra trong vòng 24 giờ sau khi có các triệu chứng đầu tiên, và tình trạng nhiễm trùng có thể gây sốc. Bạn có thể cần phẫu thuật kịp thời, việc trì hoãn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cũng như khiến bạn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật y tế phức tạp và thời gian hồi phục lâu hơn.

Các vấn đề tử cung ở phụ nữ

Có rất nhiều lý do khiên phụ nữ bị đau lưng. 25% phụ nữ có tử cung ngả sau (retroverted uterus), đó là khi tử cung của bạn ngả về phía sau (lưng) thay vì ngả về phía trước (bụng) hoặc ở tư thế trung gian giữa ngả trước và ngả sau. Do đó khi nhiều phụ nữ bị chuột rút trong kỳ kinh nguyệt, họ có thể sẽ cảm thấy đau ở vùng lưng dưới thay vì đau ở bụng dưới. Các trường hợp hiếm gặp, u xơ cũng có thể gây ra đau lưng nếu chúng chèn vào các cơ và dây thần kinh của vùng lưng dưới. Đau lưng dưới cũng có thể là một triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung, xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở các vị trí khác không phải tử cung.

Bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp của bác sỹ, đối với một số trường hợp việc sử dụng túi chườm nóng và các thuốc không kê đơn (OTC) chống viêm không steroid mang lại hiệu quả tốt. Trong các trường hợp khác, bác sỹ có thể chỉ định các loại thuốc kê đơn hoặc can thiệp phẫu thuật

Loãng xương

Loãng xương (Osteoporosis) là một rối loạn chuyển hoá của bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gẫy xương. Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương. Loãng xương thường được gọi là căn bệnh thầm lặng (silent disease) bởi vì những người mắc thường không hề cảm nhận được các triệu chứng của nó. Nhưng khi các triệu chứng xuất hiện thì triệu chứng phổ biến nhất là đau lưng, đau cột sống thắt lưng.

Loãng xương làm suy giảm khối lượng và chất lượng xương cột sống và có thể làm lún xẹp hay gẫy xương đốt sống, khi các xương bị tổn thương chúng có thể gây ra đau lưng dữ dội liên tục – hoặc đôi khi không gây đau. Sau khi đốt sống lún xẹp hay gãy bạn có thể thấy xuất hiện tư thế bất thường ở lưng, gù lưng, giảm chiều cao…

Nếu bạn bị đau ở lưng trên (upper back) hoặc lưng giữa (middle back) - hoặc nếu bạn thấy mình mất đi 1 inch (2,54 cm) chiều cao trở lên trong năm vừa rồi thì hãy đi khám bác sỹ. Bạn có thể cần sử dụng thuốc để phòng tránh nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Loãng xương
Viêm khớp

Theo Arthritis Foundation, bất kỳ phần nào của lưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chứng viêm khớp, lưng dưới là dễ bị tổn thương nhất bởi vì chúng chịu đựng trọng lượng cơ thể nhiều hơn những vùng lưng khác. Có rất nhiều loại viêm khớp có thể dẫn đến đau, sưng và cứng khớp tuy nhiên bệnh viêm xương khớp (OA) là phổ biến nhất.

Nếu bạn bị viêm khớp, có rất nhiều giải pháp điều trị có thể cải thiện tình trạng của bạn. Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, chườm, vật lý trị liệu, và thậm chí cả những thay đổi về chế độ ăn cũng có thể giúp bạn. Bạn có thể tham khảo giải pháp điều trị toàn diện bệnh viêm xương khớp tại đây.

Sỏi thận

Thông thường khi mắc, bệnh nhân có cơn đau đột ngột, rất dữ dội và chỉ ở một bên. Ðau bắt đầu ở vùng thắt lưng rồi lan sang phía bụng, nách và các cơ quan sinh dục; có lúc đau giảm đi nhưng sau đó lại xuất hiện cơn đau khác dữ dội hơn. Không có tư thế nào làm đỡ đau (bệnh nhân thường ở trong tư thế co quắp). Khi nước tiểu bị tắc nhiều hay ít sẽ tạo ra các cơn đau khác nhau. Đau một bên là do bị sỏi ở một bên thận, và nếu bị sỏi cả hai thận thì người bệnh sẽ đau cùng lúc cả hai bên hố thắt lưng. Đái ra máu do sỏi va vào thành niệu quản, gây xước và chảy máu. Ngoài ra còn có đái buốt, đái rắt. 

Theo thống kê, đã có khoảng 1,3 triệu lượt người đã phải tới phòng cấp cứu để điều trị sỏi thận trong năm 2009 (tăng 20% ​​so với năm 2005). 

Dù có đau lưng hay không, bạn cũng nên đi khám bác sỹ ngay nếu bạn bị sốt trên 38,6 ℃ (101,5 ° F), đái buốt đái rắt,  đi tiểu ra máu, hoặc nước tiểu có mùi bất thường, buồn nôn và nôn kéo dài, đau đột ngột dữ dội.

Lời kết

Khi bạn bị đau lưng, hãy dành sự quan tâm nhiều hơn đến cơ thể bởi vì đau lưng có thể là cảnh báo cho những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Đừng ngại ngần tìm kiếm sự trợ giúp y tế để giải quyết vấn đề của bạn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Khi nào cần đến gặp bác sỹ vì đau lưng?

Bs.Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Prevention
Bình luận
Tin mới
  • 27/09/2023

    Ngồi quá nhiều mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ

    Việc ngồi quá nhiều không chỉ ảnh hưởng tới xương khớp của cơ thể mà còn có thể ảnh hưởng tới trí nhớ của bạn.

  • 27/09/2023

    Nguyên nhân gây sưng phù và cách xử lý

    Phù nề hay sưng phù có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng những người có nguy cơ cao nhất bao gồm phụ nữ mang thai và người lớn tuổi. May mắn thay, việc điều trị có thể đơn giản như thay đổi lối sống hoặc thay đổi thuốc của bạn.

  • 26/09/2023

    Những thói quen đơn giản giúp giảm nguy cơ mắc trầm cảm

    Lựa chọn một lối sống lành mạnh có tác động lớn trong việc ngăn ngừa bệnh trầm cảm.

  • 26/09/2023

    Một vài điều cần biết về chế độ ăn chay

    Ăn chay thường được hiểu là ăn những thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như các loại hạt, rau, đậu, quả, nấm... không sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Với mỗi tôn giáo lại có những quan niệm ăn chay khác nhau

  • 26/09/2023

    Top 5 dưỡng chất tốt cho người bị thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

    Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh đang trở thành căn bệnh ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Để đảm bảo quá trình điều trị và phục hồi hiệu quả, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một số nhóm dưỡng chất mà người bệnh nên ăn.

  • 26/09/2023

    Mẹo làm đẹp duy trì làn da trẻ trung

    Để "trẻ mãi không già", ngoài sức khỏe thể chất, bạn hãy lưu ý chăm sóc làn da. Một số mẹo làm đẹp dưới đây giúp bạn sở hữu làn da căng mọng, trẻ trung.

  • 26/09/2023

    Chế độ ăn giúp phòng, chống bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

    Gan nhiễm mỡ không do rượu là nguyên nhân gây ra bệnh gan mạn tính phổ biến nhưng lại chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Nghiên cứu mới đây chỉ ra cách xây dựng chế độ ăn lành mạnh để phòng ngừa và khắc phục căn bệnh này.

  • 26/09/2023

    Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi?

    Một trong những phần quan trọng nhất của quá trình nội soi là quá trình chuẩn bị. Không chuẩn bị tốt có thể gây khó nhìn cho các bác sĩ, dẫn đến bỏ sót polyp, thủ thuật kéo dài hơn hoặc thậm chí phải nội soi lại. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những việc cần chuẩn bị trước khi nội soi.

Xem thêm