Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Lưu ý khi sử dụng Aspirin

Từ thời cổ đại con người đã biết dùng cây liễu (chứa axit salixylic - một tiền chất để điều chế thuốc aspirin) để làm thuốc giảm đau và chống viêm nhiễm.

Aspirin, dẫn xuất từ axit silixylic, đã trở thành một trong những loại thuốc thông dụng nhất được con người sử dụng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại thuốc này và những lưu ý quan trọng khi sử dụng!

Aspirin hay acetylsalicylic acid là một dẫn xuất của acid salicylic thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid. Aspirin được sử dụng để giảm đau, đau nhẹ đến đau vừa phải; và cũng có tác dụng hạ sốt (trừ sốt xuất huyết và sốt do các loại virus khác). Thuốc cũng được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ để dự phòng bệnh nhồi máu cơ tim, ngăn ngừa đột quỵ, chống viêm (dùng cho các trường hợp viêm nhẹ như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm cơ…)

Sử dụng Aspirin

Aspirin dạng viên nén được uống cùng với nước. Luôn tuân thủ theo các hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất và bác sỹ. Bạn có thể dùng thuốc sau ăn, không nên dùng thuốc khi dạ dày đang trống rỗng. Đừng nghiền nát, nhai, phá vỡ thuốc. Hãy nuốt cả viên thuốc. Viên thuốc bọc trong ruột có một lớp phủ đặc biệt để bảo vệ dạ dày. Phá vỡ thuốc có thể gây tổn hại lớp phủ này. Không sử dụng thuốc quá liều.

Liều lượng: (luôn tham khảo ý kiến của bác sỹ và tuân theo chỉ định của bác sỹ trước khi sử dụng thuốc)

Người lớn (liều dùng cho người cân nặng 70 kg)

Giảm đau/hạ sốt: Uống 325 đến 650 mg, cách 4 giờ 1 lần, nếu cần, khi vẫn còn triệu chứng.

Chống viêm (viêm khớp dạng thấp): Uống 3-5 g/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.

Ức chế kết tập tiểu cầu: Uống 100 – 150 mg/ngày.

Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa khi sử dụng Aspirin ở trẻ em. Ở trẻ em khi dùng Aspirin đã gây ra một số trường hợp hội chứng Reye. Mặc dù Aspirin có thể được chỉ định cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên trong một số trường hợp nhất định, tuy nhiên các biện pháp phòng ngừa sẽ được áp dụng. Trẻ em và thanh thiếu niên không nên dùng thuốc này để điều trị các triệu chứng của bệnh thuỷ đậu hoặc cúm trừ khi có chỉ định của bác sỹ.

Bệnh nhân trên 65 tuổi cũng có thể có phản ứng mạnh hơn với thuốc và cần sử dụng liều nhỏ hơn.

Bác sỹ cần biết những thông tin gì trước khi chỉ định sử dụng Aspirin?

Bạn cần cung cấp thông tin cho bác sỹ nếu bạn đang mắc các bệnh sau: thiếu máu, hen, các vấn đề về chảy máu và đông máu, trẻ em bị thủy đậu, cúm, hoặc các bệnh nhiễm virus khác; bệnh tiểu đường, bệnh Gout, bạn thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn, bệnh thận, bệnh gan, thiếu vitamin K, bệnh Lupus, hút thuốc lá, loét dạ dày hoặc các bệnh dạ dày khác; dị ứng với Aspirin, chất tạo màu tartrazine hoặc dị ứng với các thuốc, chất tạo màu,chất bảo quản khác; đang mang thai hoặc muốn có thai, đang cho con bú...

Nếu bạn quên uống thuốc

Nếu bạn đang dùng thuốc này theo liều lượng và thời gian chỉ định nhưng lại vô tình quên uống thuốc, hãy uống bổ sung càng sớm càng tốt và chú ý không nên uống thuốc khi dạ dày đang trống rỗng. Nếu lúc phát hiện ra quên uống thuốc mà đã gần đến thời gian của lần uống thuốc tiếp theo, bạn chỉ cần uống một liều và không dùng gấp đôi liều thuốc để bù lại liều thuốc bạn đã quên.

Tác dụng phụ của Aspirin

Bạn nên thông báo ngay cho bác sỹ nếu có các dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc. Các dấu hiệu đó là:

  • Các phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa, sưng phù ở mặt, môi hoặc lưỡi
  • Khó thở
  • Thay đổi bất thường về thính giác, ù tai.
  • Lú lẫn
  • Có các triệu chứng giống cúm
  • Đau khi nuốt
  • Da và niêm mạc đỏ, phồng rộp, hoặc bong ra.
  • Dấu hiệu chảy máu: nước tiểu đỏ hoặc nâu sậm, phân có lẫn máu, ho, khạc nhổ ra máu hoặc dịch đờm màu cà phê, vết thâm tím bất thường hoặc chảy máu ở mắt, lợi hoặc mũi.
  • Tiểu khó hoặc thay đổi bất thường số lượng nước tiểu
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Vàng mắt hoặc da

Một số tác dụng phụ khác bạn cần theo dõi và báo cho bác sỹ nếu các triệu chứng không giảm hoặc tiến triển nặng hơn. Đó là: tiêu chảy hoặc táo bón, đau đầu, buồn nôn và nôn, ợ nóng.

Aspirin có thể tương tác với các thuốc khác. Không dùng Aspirin khi đang sử dụng các loại thuốc:

  • Cidofovir
  • Ketorolac
  • Probenecid

Aspirin cũng có thể tương tác với: đồ uống có cồn, Alendronate, Bismuth subsalicylate, Flavocoxid, các loại thảo dược (tỏi, gừng...), các thuốc điều trị tiểu đường hoặc tăng nhãn áp như acetazolamide, methazolamide; thuốc điều trị gout, các thuốc điều trị hoặc phòng chống huyết khối như enoxaparin, heparin, ticlopidine, warfarin; các loại thuốc có thành phần aspirin hoặc có tác dụng tương tự aspirin, các thuốc chống viêm không steroid NSAIDs như ibuprofen hoặc naproxen… thuốc pemetrexed, Sulfinpyrazone, vắc xin thủy đậu.

Vì sự tương tác thuốc ở mỗi người khác nhau. Vì vậy hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sỹ về liều dùng, thời gian và tác dụng phụ trước khi sử dụng.

Bạn cần theo dõi những gì khi sử dụng Aspirin?

Nếu bạn đang dùng Aspirin để giảm đau, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ khi cơn đau kéo dài quá 10 ngày, khi đau tăng lên hoặc đau xuất hiện các vị trí khác. Bạn cũng cần gặp bác sỹ nếu bạn thấy xuất hiện ban đỏ bất thường dưới da. Nếu bạn bị sốt kéo dài hơn 3 ngày bạn cũng nên gặp bác sỹ. Chỉ dùng thuốc để phòng ngừa nhồi máu cơ tim và huyết khối khi có chỉ định của bác sỹ.

Không dùng thuốc aspirin khi đang sử dụng các thuốc có thành phần aspirin hoặc các thuốc có tác dụng tương tự aspirin. Sử dụng quá liều aspirin có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Luôn luôn đọc kĩ hướng dẫn và tuân thủ chỉ định của bác sỹ khi sử dụng.

Thuốc này có thể ảnh hưởng đến dạ dày của bạn hoặc gây ra vấn đề về chảy máu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng đồ uống có cồn trong khi sử dụng thuốc. Không nên nằm trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc để tránh kích ứng cổ họng.

Nếu bạn có kế hoạch cho bất can thiệp hay thủ thuật y tế hoặc các vấn đề về nha khoa như nhổ răng, hãy thông báo với bác sỹ về việc sử dụng Aspirin của bạn. Bạn có thể cần ngừng sử dụng thuốc trước khi có thể thực hiện các can thiệp y tế khác.

Aspirin cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu. Bạn nên ghi lại nhật ký về những ngày đau đầu và nhật kí sử dụng thuốc. Hãy gặp bác sỹ khi bạn đau nửa đầu hoặc sử dụng thuốc nhiều hơn 10 ngày mỗi tháng, khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc đau xuất hiện thường xuyên hơn.

Bạn nên bảo quản thuốc thế nào?

Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Tốt nhất nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng từ 15 đến 30 ℃. Tránh nhiệt độ cao và nơi ẩm ướt. Không sử dụng thuốc nếu phát hiện có mùi bất thường hoặc mùi giống như giấm. Không sử dụng khi thuốc đã hết hạn.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về loại thuốc thông dụng này.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Liệu pháp giảm đau tự nhiên không dùng thuốc

Bs. Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp
Bình luận
Tin mới
  • 30/10/2024

    Làm thế nào để giữ cho gan của bạn khỏe mạnh?

    Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể và thực hiện nhiều chức năng quan trọng như loại bỏ độc tố, chống nhiễm trùng, kiểm soát mức cholesterol và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, sức khỏe của gan thường bị xem nhẹ vì những vấn đề bệnh của gan ở giai đoạn đầu thường không rõ và dễ bị bỏ qua. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ gợi ý để chăm sóc gan và tìm hiểu những bước cần thiết để giữ cho gan của bạn luôn khỏe mạnh.

  • 29/10/2024

    Giảm cortisol bằng loại thức uống quen thuộc

    Trà xanh không chỉ là thức uống thơm ngon, thanh mát mà còn là “liều thuốc” tự nhiên giúp bạn giảm nồng độ hormone cortisol hiệu quả, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức đề kháng.

  • 29/10/2024

    Có bao nhiêu calo trong quả bơ?

    Quả bơ là một trong những loại trái cây hiếm hoi có thành phần dinh dưỡng phong phú và vượt trội. Loại quả này mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ, đặc biệt là để giảm cân. Vậy trong chúng có chứa bao nhiêu calo? Liệu chất béo trong quả bơ có tốt cho sức khoẻ hay không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

  • 29/10/2024

    Chuyên gia cảnh báo: tác động nghiêm trọng đến sức khỏe do biến đổi khí hậu đối với phụ nữ mang thai, trẻ em và người già

    Những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người già đang phải đối mặt với các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Mặc dù nhận thức về biến đổi khí hậu của con người đã tăng lên, nhưng các hành động bảo vệ mạng sống của những đối tượng có nguy cơ cao vẫn còn hạn chế và cần được chú ý nhiều hơn.

  • 29/10/2024

    Chăm sóc giảm nhẹ rất cần thiết cho người cao tuổi

    Chăm sóc giảm nhẹ khác với điều trị chữa bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm bớt những tình trạng đau và các tác dụng không mong muốn trong liệu trình điều trị. Điều này đặc biệt cần thiết với người cao tuổi.

  • 28/10/2024

    Dấu hiệu khi ngủ cảnh báo nguy cơ đột quỵ

    Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa hợp lý, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

  • 28/10/2024

    Áp dụng quy tắc 3-2-1 để ngủ ngon

    Một nhà tâm lý học về giấc ngủ khuyên bạn nên áp dụng quy tắc 3-2-1 để có được giấc ngủ ngon. Nếu bị mất ngủ, bạn có thể áp dụng quy tắc thở 4-7-8 để ngủ lại.

  • 28/10/2024

    Cách chống say tàu xe hiệu quả

    Say tàu xe xảy ra khi chuyển động bạn nhìn thấy khác với những gì tai trong của bạn cảm nhận. Điều này có thể gây chóng mặt, buồn nôn và nôn. Bạn có thể bị say tàu xe khi đi ô tô, tàu hỏa, máy bay, thuyền hoặc công viên giải trí. Say tàu xe có thể khiến việc đi lại trở nên khó chịu, nhưng có những chiến lược để ngăn ngừa và điều trị.

Xem thêm