Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về thuốc thụt tháo cho trẻ ở nhà

Thụt tháo có thể giúp trị chứng táo bón mãn tính của trẻ khi không có biện pháp nào khác hiệu quả. Bạn có thể tự thụt tháo cho trẻ tại nhà, nhưng tốt nhất nên được bác sĩ hướng dẫn trước khi bắt đầu.

Thụt tháo là gì?

Thut tháo là một thủ thuật đưa chất lỏng hoặc thuốc nhuận tràng vào trực tràng thông qua một ống nhỏ để tống phân ra ngoài. Nếu trẻ bị táo bón nặng hoặc mãn tính kéo dài, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thụt rửa tại nhà để giảm các triệu chứng của trẻ.

Ngoài ra thụt tháo còn được áp dụng trong các trường hợp:

  • Làm trống ruột trước khi xét nghiệm ruột hoặc phẫu thuật
  • Để cho thuốc dễ dàng hấp thu vào cơ thể
  • Trong khi chụp X-quang đại tràng có bơm thuốc cản quang
  • Điều trị rò rỉ phân

Có hai loại thụt tháo: thụt tháo làm sạch và thụt giữ.

- Thụt tháo làm sạch: để làm sạch ruột. Một số dung dịch hoạt động như chất kích thích, dẫn đến kích thích đại trực tràng, tăng nhu động ruột. Phương pháp này kéo nước vào phân, làm mềm phân và khiến trực tràng sưng lên. Cơ thể phản ứng bằng cách co cơ ở trực tràng và gây ra nhu động ruột.

Các loại dung dịch sử dụng trong phương pháp thụt tháo này bao gồm:

  • Dung dịch ưu trương
  • Dung dịch photphate
  • Dầu (Glyxerin)
  • Xà phòng
  • Natri citrat
  • Docusate natri

- Thụt tháo lưu giữ: Đây là khi bạn đưa một chất lỏng hoặc thuốc vào trực tràng và giữ nó trong một thời gian dài, thường là qua đêm. Chúng có thể giúp điều trị các vấn đề về đại trực tràng hoặc làm sạch ruột bằng cách làm mềm và làm phồng phân.

Các thuốc thụt giữ bao gồm:

  • Các loại thuốc như prednisolone
  • Dầu khoáng

Nếu trẻ bị bệnh đường ruột gây ra các triệu chứng cấp tính, trẻ có thể chỉ được thụt tháo giữ trong một thời gian ngắn.

Đọc thêm bài viết: Trẻ bị táo bón có nên thụt tháo thường xuyên?

Thụt tháo khác: Thụt tháo bơm thuốc cản quang trong chụp X-quang đại tràng, kĩ thuật viên X-quang sẽ đưa chất lỏng barium vào trực tràng của trẻ bằng một ống nhỏ. Barium bao phủ niêm mạc đại tràng và tạo ra một hình ảnh rõ ràng về ruột, điều mà thông thường khó nhìn thấy trên X-quang.

Hướng dẫn thụt tháo đúng cách cho trẻ sơ sinh | Vinmec

Tác dụng phụ của thụt tháo là gì?

Thụt tháo sẽ an toàn nếu chúng được thực hiện đúng cách và được sử dụng trong thời gian ngắn như là giải pháp cuối cùng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi thụt tháo:

  • Không thoải mái, khó chịu: Áp lực tích tụ trong đại tràng và trực tràng khi bạn thêm nước vào khu vực này. Cảm giác như muốn đi đại tiện mạnh hơn nên có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Chất lỏng cũng có thể gây đầy hơi và chuột rút, nhưng những triệu chứng này thường sẽ biến mất sau khi trẻ đi tiêu.
  • Trẻ lớn hơn cũng có thể cảm thấy xấu hổ hoặc không thoải mái với thủ tục này. Hãy giải thích lý do tại sao bạn cần thực hiện thụt tháo cho trẻ và đánh lạc hướng trẻ bằng video hoặc sách để giúp giảm bớt nỗi sợ hãi cho trẻ.
  • Mất cân bằng điện giải: Sử dụng thụt tháo lâu dài có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải. Thuốc thụt tháo photphate cũng có thể dẫn đến lượng photphate cao nguy hiểm trong cơ thể.
  • Rò rỉ đại tràng: Một phần của quy trình thụt tháo là đưa một ống có đầu nhọn vào trực tràng của trẻ. Nếu bạn làm điều này quá nhanh hoặc thô bạo có thể làm rách thành đại tràng. Hiện tượng này được gọi là thủng đại tràng và có thể khiến không khí và phân rò rỉ vào bụng của trẻ.
  • Nhiễm trùng. Điều quan trọng là phải khử trùng thiết bị thụt tháo hoặc sử dụng dụng cụ thụt tháo một lần. Nếu không, dụng cụ thụt tháo bẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột: Đại tràng chứa vi khuẩn thân thiện và các sinh vật khác là một phần của hệ vi sinh vật tự nhiên. Thụt tháo thường xuyên có thể làm xáo trộn sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột và có thể dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa.
  • Táo bón nặng hơn: Nếu bạn thụt tháo quá thường xuyên, niêm mạc đại tràng có thể bị kích ứng và viêm, có thể gây đau và khó chịu. Trẻ có thể tránh đi đại tiện, làm cho tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn.

Làm thế nào để thụt tháo cho trẻ?

Thụt tháo dành cho trẻ em có thể mất tới một giờ để hoàn thành. Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo rằng bạn có thể đưa trẻ vào phòng tắm. Bạn có thể thụt tháo tại nhà, nhưng nếu không chắc chắn hoặc cảm thấy không thoải mái, hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn.

Trước khi bạn bắt đầu, hãy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ thụt tháo:

  • Đầu và ống silicon
  • Túi thụt tháo
  • Dung dịch thuốc xổ
  • Khăn dày
  • Dầu
  • Video hoặc sách hướng dẫn

Đọc thêm bài viết: Thực phẩm giúp trị táo bón cho trẻ

Các bước tiến hành thụt tháo:

  • Yêu cầu trẻ đi tiểu trước khi bắt đầu. Điều này sẽ giúp giảm bớt một số áp lực trong đại tràng.
  • Kẹp ống và đổ đầy túi thụt tháo bằng dung dịch. Thực hiện theo các hướng dẫn trên gói thuốc thụt tháo.
  • Đặt khăn trên sàn nhà. Cho trẻ nằm nghiêng bên trái, đầu gối áp vào ngực hoặc nằm sấp, đầu gối hướng về phía bụng và mông ở trên không. Đây là thời điểm tốt để sử dụng các video hoặc sách giúp trẻ phân tâm.
  • Bôi trơn hậu môn của trẻ bằng mỡ bôi trơn.
  • Nhẹ nhàng đút đầu thụt vào đại tràng của trẻ khoảng 5-6 cm. Đừng ép buộc nếu trẻ chống cự. Thay vào đó, hãy bảo trẻ rặn như đang đi ngoài và thở bằng miệng.
  • Nâng túi thuốc xổ và mở kẹp.
  • Từ từ bóp dung dịch vào cho đến khi hết túi.
  • Giữ trẻ ở vị trí trong 15 đến 20 phút. Giữ 2 bên mông của trẻ khép với nhau để trẻ không đẩy đầu thụt ra.
  • Sau 15 đến 20 phút, cho trẻ ngồi trên bô hoặc nhà vệ sinh trong 30 đến 45 phút hoặc cho đến khi hết dung dịch và ruột của trẻ trống rỗng.
  • Vứt bỏ mọi vật dụng sử dụng một lần và rửa thiết bị thụt tháo bằng nước xà phòng nóng.

Khi nào cần gặp bác sĩ sau khi thụt tháo cho trẻ em?

Trẻ sẽ đi ngoài trong vòng một giờ sau khi bơm thuốc. Nếu không, hãy nói chuyện với bác sĩ. Các biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt là sau khi sử dụng dung dịch photphate. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đi khám bác sĩ ngay:

  • Chóng mặt hoặc bất tỉnh
  • Tiêu chảy nặng
  • Cực kỳ mệt mỏi hoặc suy nhược
  • Đau bụng dữ dội
  • Máu trong phân

Táo bón hiện nay ngày càng phổ biến, tình trạng này không chỉ phổ biến ở người lớn mà thường gặp cả ở trẻ em. Táo bón kéo dài có thể gây ra những hậu quả như biếng ăn, kém hấp thu, chậm tăng cân, trẻ quấy khóc sợ đi vệ sinh, giảm sức đề kháng… Hãy cải thiện tình trạng táo bón cho con từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày để đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho bé. Liên hệ Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM (trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam) để được khám, tư vấn dinh dưỡng cải thiện hệ tiêu hóa cho con cùng các chuyên gia đầu ngành TẠI ĐÂY  hoặc Hotline 0935 18 3939/ 024 3633 5678

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Khi nào táo bón cần đi cấp cứu?

BS Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Theo WebMD) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm