Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Người bệnh viêm túi thừa nên ăn gì?

Chế độ ăn cho người viêm túi thừa gồm các loại thực phẩm nên ăn trong đợt viêm bùng phát và trong quá trình phục hồi của bệnh. Khi tình trạng viêm bùng phát, các chuyên gia khuyên bạn nên ăn kiêng trong vài ngày. Trong thời gian phục hồi, bạn sẽ từ từ tăng độ đặc của thức ăn và hạn chế lượng chất xơ vào khẩu phần. Bạn có thể thử bánh mì trắng, ngũ cốc ít chất xơ và trở lại chế độ ăn của mình trong vài ngày tới.

Khi bạn cảm thấy khỏe hơn, bạn có thể ăn thực phẩm giàu chất xơ và ăn thịt đỏ với lượng vừa phải. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của mình một cách từ từ. Bạn có thể ghi lại nhật ký thực phẩm những gì bạn ăn và cảm giác của bạn khi ăn những loại thực phẩm đó.

Bài viết này cung cấp cho bạn những nguyên tắc về chế độ ăn uống cho người viêm túi thừa, những gì bạn nên ăn khi bùng phát viêm túi thừa và những thực phẩm cần tránh nếu bạn bị viêm túi thừa. Bạn cũng sẽ nắm được cách bổ sung chất xơ từ từ vào chế độ ăn để tránh tái phát các triệu chứng đau. Túi thừa là các túi nhỏ, bất thường phát triển trong đường tiêu hóa. Viêm túi thừa là tình trạng túi bị viêm hoặc nhiễm trùng, đây là một trong những bệnh lý túi thừa phổ biến nhất.

Ăn gì khi bùng phát đợt viêm túi thừa?

Trong thời gian bùng phát viêm túi thừa, bạn nên để cho ruột có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ ăn thức ăn lỏng, mềm trong giai đoạn đợt viêm đang bùng phát. Thực phẩm nên ăn trong giai đoạn đầu bùng phát viêm túi thừa:

  • Nước hầm xương
  • Nước ép trái cây bỏ bã
  • Nên áp dụng chế độ ăn lỏng trong những ngày bùng phát đợt viêm và sau đó chuyển dần sang ăn thô

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chế độ ăn cho người viêm túi thừa

Chế độ ăn ít chất xơ trong quá trình phục hồi

Chế độ ăn ít chất xơ được khuyến nghị trong quá trình phục hồi sau đợt viêm cấp của bệnh túi thừa. Còn được gọi là chế độ ăn mềm, bạn có thể ưu tiên một số thực phẩm trong nhóm này như:

  • Nước hầm xương
  • Phô mai
  • Trứng
  • Nước ép trái cây (không bã)
  • Thịt gia cầm
  • Sữa
  • Rau nấu chín kỹ
  • Bánh mì trắng
  • Gạo trắng
  • Sữa chua

Các thực phẩm cần tránh

Trong khi bạn đang hồi phục sau đợt viêm bùng phát, hãy tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như:

  • Đậu đỗ
  • Các loại ngũ cốc giàu chất xơ khác
  • Các loại hạt
  • Trái cây tươi hoặc khô
  • Rau chưa nấu chín
  • Bánh mì nguyên cám

Khi nào bạn có thể trở lại chế độ ăn bình thường?

Sau khi các triệu chứng viêm túi thừa của bạn biến mất, bạn có thể dần dần thêm thực phẩm quen thuộc trở lại chế độ ăn của mình. Tuy nhiên, sẽ mất một tuần hoặc lâu hơn để bạn có thể trở lại cách ăn uống thông thường. Bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn nên bắt đầu quay trở lại chế độ ăn bình thường hàng ngày như thế nào và  khi nào bạn nên bắt đầu quay lại chế độ ăn đó.

Chế độ ăn cho người viêm túi thừa áp dụng lâu dài

Khi bạn đã hồi phục sau đợt tấn công của viêm túi thừa, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của mình. Tăng cường bổ sung chất xơ có thể giúp ngăn ngừa các đợt viêm túi thừa bùng phát trong tương lai. Điều này là do chất xơ làm mềm phân và giúp ngăn ngừa táo bón. Phòng tránh táo bón giúp giảm áp lực trong đại trực tràng, điều này có thể ngăn ngừa bùng phát viêm túi thừa trong tương lai.

Tuy nhiên, bạn nên tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn một cách từ từ. Bắt đầu bằng cách ăn 5 - 15 gam chất xơ mỗi ngày sau đó tăng dần lên. Nếu bạn bị đầy bụng khó tiêu, hãy giảm lượng chất xơ ăn trong vài ngày. Khi bạn bổ sung nhiều chất xơ hơn, bạn cũng nên chú ý đến lượng chất lỏng của mình. Chất xơ cần nước để hoạt động bình thường. Nếu bạn không uống đủ nước, phân có thể trở nên quá cứng và khó đi ngoài. Thực phẩm giàu chất xơ được khuyến nghị để ngăn ngừa viêm túi thừa bao gồm:

  • Các loại đậu đỗ
  • Bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch
  • Gạo lứt
  • Trái cây như táo, chuối và lê
  • Các loại rau như bông cải xanh, cà rốt, ngô và bí

Thời điểm ăn

Một số người bị rối loạn tiêu hóa cảm thấy tốt hơn khi chia nhỏ bữa và ăn làm nhiều bữa trong ngày hơn là chỉ tập trung ăn 3 bữa chính mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này mang tính cá nhân cao và không có khuyến nghị tiêu chuẩn nào về thời gian bữa ăn với bệnh túi thừa. Bạn nên thử và ghi lại lịch trình ăn uống của mình cũng như những thứ mình ăn cùng phản ứng của cơ thể để từ đó rút ra được thời gian bữa ăn và số lượng thực phẩm phù hợp nhất với bạn.

Tùy chỉnh chế độ ăn uống viêm túi thừa của bạn

Ghi nhật ký thực phẩm và nhật ký triệu chứng thường được khuyến nghị khi lần đầu tiên bắt đầu chế độ ăn kiêng viêm túi thừa. Điều này sẽ giúp bạn và bác sĩ có thể nhận biết được loại thực phẩm cụ thể nào khiến các triệu chứng của bệnh viêm túi thừa tái phát.

Khi bạn được chẩn đoán viêm túi thừa lần đầu, bác sĩ sẽ cho bạn một số lời khuyên về thực phẩm không nên ăn và bạn có thể giảm dần một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm nhất định cho đến khi bạn không còn ăn nữa. Sau khi cho cơ thể thời gian để thích nghi với sự thay đổi, hãy theo dõi phản ứng của bạn thường trong vài tuần. Sau đó, bạn thử ăn lại những thức ăn đó và theo dõi xem thực phẩm này có khiến các triệu chứng của viêm túi thừa tái phát hay không. Nếu một loại thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn những lựa chọn thay thế để đảm bảo bạn vẫn nhận được đủ dinh dưỡng.

Lợi ích chế độ ăn dành cho người bị viêm túi thừa

Hai yếu tố chính bạn cần lưu ý khi bị viêm túi thừa là kiểm soát phản ứng viêm và duy trì nhu động ruột khỏe mạnh. Chế độ ăn tác động đến cả hai điều này và việc thay đổi những gì bạn ăn có thể giúp kiểm soát viêm túi thừa hoặc giảm nguy cơ bị bệnh.

Chế độ ăn cho người bị viêm túi thừa có tác dụng:

  • Giảm viêm: Loại bỏ hoặc hạn chế một số loại thực phẩm gây viêm như đã nêu trong chế độ ăn dành cho người viêm túi thừa có thể làm giảm một số triệu chứng của bệnh.
  • Tăng cường sức khỏe đường ruột: Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, đây là yếu tố nguy cơ gây nên bệnh viêm túi thừa hoặc làm cho các triệu chứng hiện tại trở nên tồi tệ hơn. Đi vệ sinh đều đặn có thể ngăn ngừa các triệu chứng và giúp ruột của bạn lành lại sau các đợt viêm túi thừa cấp tính.
  • Thực hiện theo chế độ ăn dành cho người bị viêm túi thừa không đảm bảo rằng bạn sẽ hoàn toàn tránh được các đợt viêm túi thừa bùng phát nhất là khi bạn vẫn có chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, nó có khả năng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh và đáng để bạn thay đổi áp dụng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chế độ ăn uống tốt nhất sau khi cắt bỏ túi mật là gì?

Một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến viêm túi thừa như thế nào?

Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau, nên không có một chế độ ăn cụ thể nào là chắc chắn và tốt nhất để áp dụng cho tất cả những người bị viêm túi thừa. Tuy nhiên có một số lưu ý về việc bổ sung thực phẩm và đồ uống mà bạn cần nhớ để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bị viêm túi thừa.

Nước và đồ uống

Bổ sung nước thích hợp giúp ngăn ngừa táo bón và giúp xử lý lượng chất xơ bổ sung mà bạn đang ăn. Bạn nên uống nhiều nước và chú ý xem các loại đồ uống khác có gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn hay không.

Đồ uống mà người bị viêm túi thừa nên lưu ý hạn chế:

  • Cà phê
  • Trà
  • Nước ngọt
  • Rượu và đồ uống có cồn khác

Một số người chỉ cần tránh một số loại đồ uống nhất định khi hồi phục sau đợt bùng phát viêm túi thừa, trong khi một số khác thì cần phải loại bỏ hoàn toàn những loại đồ uống này

Các loại hạt

Trước đây, những người mắc bệnh túi thừa được khuyên nên tránh những thực phẩm này vì người ta cho rằng chúng sẽ mắc vào túi thừa và dẫn đến viêm túi thừa. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện chỉ ra rằng những thực phẩm này không gây viêm túi một cách cụ thể và thực tế thì đây nguồn cung cấp chất xơ rất tốt.

Hoa quả

Trái cây tươi, như táo có nhiều chất xơ nhất khi ăn cả vỏ. Tuy nhiên, nếu bạn đang có các triệu chứng của bệnh viêm túi thừa, hãy tìm những lựa chọn ít chất xơ hơn. Chuối là một nguồn chất xơ trái cây tốt khác. Chuối cũng có nhiều kali và có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn đang hồi phục sau cơn đau dạ dày. Nếu bạn dễ bị táo bón bạn không nên ăn chuối xanh chưa chín. Nghiên cứu cho thấy những quả chuối còn hơi xanh có hàm lượng tannin và tinh bột kháng cao hơn gây khó tiêu không tốt cho người bị viêm túi thừa. Thay vào đó, hãy chọn những quả chuối chín mềm để dễ tiêu hóa hơn.

Sản phẩm bơ sữa

Nếu bạn dung nạp được sữa, hãy ưu tiên sữa ít béo, phô mai và sữa chua vào chế độ ăn uống của bạn. Khi bạn đang bị bùng phát, đặc biệt là nếu bạn bị tiêu chảy, bạn có thể tránh dùng sữa cho đến khi cảm thấy khỏe hơn. Các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua có thể là lựa chọn tốt hơn cho bạn.

Hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là một trong những nguồn cung cấp chất xơ tốt nhất. Bạn có thể ăn các loại bánh ngũ cốc nguyên cám để bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy không khỏe, hãy ăn những thực phẩm ít chất xơ như bánh mì trắng tinh chế, gạo trắng cho đến khi các triệu chứng của bạn được cải thiện.

Chất đạm

Thịt gia cầm nạc xay và trứng là nguồn protein tuyệt vời cho dù bạn đang có các triệu chứng viêm hay bạn đang cảm thấy khỏe. Bạn cũng có thể thử các nguồn protein có hàm lượng chất béo cao hơn, chẳng hạn như các loại hạt và bơ. Tuy nhiên, chúng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất trong thời gian bùng phát triệu chứng.

Rau

Rau là nguồn thực phẩm tốt giàu dinh dưỡng cho bạn khi sức khỏe của bạn bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi có triệu chứng viêm túi thừa có thể bạn nên hạn chế ăn quá nhiều rau. Ví dụ, nếu bạn đang trong đợt viêm túi thừa cấp thì một củ khoai lang nướng cả vỏ có thể khiến bạn bị khó tiêu. Thay vào đó, một củ khoai tây trắng nghiền, gọt vỏ có thể dễ dàng hơn đối với hệ thống của bạn.

Thịt đỏ

Sau khi hồi phục sau đợt viêm túi thừa, bạn nên tránh ăn thịt đỏ, bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt nai. Thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa, mặc dù lý do chính xác vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy thịt đỏ làm thay đổi sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong manh tràng - vị trí tiếp giáp giữa ruột non và ruột già. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ điều này có thể gây ra tình trạng viêm kết hợp với viêm túi thừa.

Gia vị

Gừng, nghệ và tỏi có đặc tính chống viêm và gừng là một phương thuốc phổ biến để làm dịu cơn đau dạ dày. Tuy nhiên, một số loại gia vị có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa. Bạn nên tránh các loại gia vị này sau một đợt viêm túi thừa cấp tính. Sau đó bạn có thể bắt đầu ăn lại những món gia vị này khi cơ thể đã hoàn toàn hồi phục.

Chế độ ăn dành cho người viêm túi thừa có gì khác so với các chế độ ăn thông thường khác?

Chế độ ăn cho bệnh viêm túi thừa tương tự như một số chế độ ăn để giúp ruột nghỉ ngơi sau phẫu thuật. Những chế độ ăn này cũng có thể được áp dụng cho những người mắc bệnh viêm ruột mãn tính, mắc bệnh đường tiêu hóa cấp tính hoặc đang hồi phục sau một trường hợp cấp cứu y tế như tắc ruột.

  • Chế độ ăn BRAT :Chế độ ăn kiêng này thường bao gồm chuối, gạo trắng, táo và bánh mì nướng làm từ bánh mì trắng tinh chế. Khi hệ tiêu hóa của bạn cần được nghỉ ngơi, ăn theo chế độ gồm thức ăn mềm nhưng bổ dưỡng có thể làm giảm các triệu chứng như buồn nôn và tiêu chảy; đồng thời giúp cơ thể bạn có thời gian hồi phục.
  • Chế độ ăn ít FODMAP : "FODMAP" là các oligosacarit có thể lên men, disacarit, monosacarit và polyol hiện diện với số lượng khác nhau trong thực phẩm bạn ăn. Thực phẩm chứa nhiều FODMAP khiến một số người bị đau quặn bụng, đầy hơi và chướng bụng. Vậy nên bạn cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều FODMAP khi bị viêm túi thừa.

Sống chung với bệnh túi thừa có thể là một thách thức, nhưng điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn là bước đầu tiên để bạn kiểm soát bệnh. Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm các đợt bùng phát viêm túi thừa. Nếu bạn có vấn đề sức khỏe khác hoặc không hấp thụ chất dinh dưỡng đúng cách, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bổ sung các chất bổ sung hoặc thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh vào kế hoạch điều trị của bạn.

Hãy nhớ rằng cơ thể của mọi người là khác nhau. Chế độ ăn phù hợp với bạn có thể không phù hợp với người khác bị viêm túi thừa. Theo thời gian, bạn có thể phải điều chỉnh chế độ ăn hoặc thực hiện những thay đổi khác đối với lối sống của mình để đảm bảo bạn có thể tiếp tục kiểm soát tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của mình.

Chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng sẽ giúp bạn tránh được nhiều nguy cơ sức khỏe. Trung tâm Điều trị Béo phì và Hội chứng chuyển hóa VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam là cơ sở tư vấn dinh dưỡng hàng đầu nước ta. Liên hệ đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc Hotline: 0935 18 3939 hoặc 024 3633 5678 để được khám, tư vấn dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành. 

BS Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywell Health
Bình luận
Tin mới
  • 09/09/2024

    Dấu hiệu bạn đang thiếu chất xơ và cách bổ sung an toàn

    Chế độ ăn uống đủ chất xơ giúp giữ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ ổn định đường huyết và giảm nguy cơ ung thư. Một vài dấu hiệu sau cảnh báo bạn đang thiếu chất xơ.

  • 09/09/2024

    Căng thẳng quá mức trong công việc tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ

    Một nghiên cứu mới đây cho thấy, căng thẳng quá cao trong công việc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ, một vấn đề về nhịp tim nguy hiểm.

  • 09/09/2024

    Cần lưu ý gì khi uống Astaxanthin để chống oxy hoá?

    Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh thuộc nhóm carotenoid, được tìm thấy tự nhiên trong một số loài tảo biển và các loại hải sản như cá hồi, tôm và tôm hùm.

  • 09/09/2024

    Sỏi mật có dễ tái phát không?

    Sỏi mật là loại sỏi hình thành trong túi mật hoặc trong hệ thống ống dẫn mật. Sỏi mật thường ít khi gây triệu chứng, nhưng trong trường hợp chúng gây triệu chứng hoặc biến chứng khó chịu, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật cắt túi mật để loại bỏ sỏi.

  • 08/09/2024

    9 nguyên nhân khiến bạn bị ngứa mắt

    Ngứa mắt là một triệu chứng thường gặp, gây cảm giác khó chịu và khiến bạn muốn dụi mắt liên tục. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

  • 08/09/2024

    Gợi ý 6 loại đồ uống giúp giảm trào ngược acid dạ dày buổi tối

    Tình trạng trào ngược acid dạ dày buổi tối có thể gây ra các triệu chứng như ợ hơi, buồn nôn, đau họng, hơi thở có mùi… Lựa chọn các đồ uống thảo mộc giúp làm giảm tình trạng khó chịu này.

  • 08/09/2024

    Những điều cần biết về vaccine phòng sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với sự gia tăng của các ca bệnh trong những năm gần đây, việc phát triển và sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết đã trở thành một bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

  • 08/09/2024

    3 cách tự nhiên giúp giảm buồn nôn

    Buồn nôn là cảm giác khó chịu, gây mệt mỏi mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nó có thể xuất phát từ cảm giác hết sức tự nhiên khi bạn ăn thức ăn lạ, có mùi, có thể là do say tàu xe hoặc cảm lạnh và dưới đây là một số cách tự nhiên giúp bạn giảm cơn buồn nôn.

Xem thêm