Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đừng để ân hận vì không giúp con đúng cách khi bị chấn thương đầu

Trẻ em luôn hiếu động, thích nô đùa chạy nhảy, dễ vấp ngã và hay đập đầu vào các vật cứng, hoặc nguy hiểm hơn là vào các vật sắc nhọn, gây chấn thương ở đầu. Chỉ vì những hiểu nhầm về chấn thương sọ não ở trẻ mà nhiều cha mẹ không xử trí đúng đắn, kịp thời mỗi khi trẻ gặp tai nạn. Điều này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và nghiêm trọng cho trẻ.

Hiểu lầm 1: Bạn không nên cho trẻ ngủ sau khi bị chấn thương đầu

Sự thật: Điều này có thể là đúng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi trẻ còn quá bé để có thể cho bạn biết được chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, đối với trẻ lớn hơn hay trẻ vị thành niên thì việc cố gắng giữ cho trẻ thức là hoàn toàn không cần thiết.

Nếu bạn nghi ngờ rằng trẻ đã bị chấn thương đầu, hãy đưa trẻ tới bác sỹ kiểm tra ngay. Sau đó, bác sỹ có thể khuyên bạn một số việc cần làm tiếp theo và có thể sẽ yêu cầu trẻ phải được nghỉ ngơi nhiều. Theo bác sỹ Mark Halstead thuộc Đại học Washington (Saint Louis, Mỹ), “giấc ngủ cực kỳ quan trọng trong quá trình làm lành các vết thương, đặc biệt là giai đoạn ngay sau chấn thương, sự gián đoạn giấc ngủ có thể khiến vết thương khó hồi phục hơn".

Hiểu lầm 2: Mũ bảo hiểm có thể bảo vệ khỏi chấn thương đầu

Sự thật: Đội mũ bảo hiểm luôn luôn là một việc làm cần thiết khi đạp xe đạp, ngồi trên xe máy hay tham gia vào các hoạt động thể thao. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), không có một nhãn hiệu mũ bảo hiểm nào có thể đảm bảo gây ra ít chấn thương đầu hơn những nhãn hiệu khác. Do bộ não gần như là “nổi” trong dịch não, thế nên mũ bảo hiểm không thể hoàn toàn ngăn cản hiện tượng va đập của não bên trong hộp sọ và có thể gây chấn thương não bộ.

Nói như vậy nhưng mũ bảo hiểm vẫn là một thiết bị vô cùng quan trọng. Nó được thiết kế chuyên biệt để bảo vệ phần đầu khỏi những chấn thương rất mạnh gây vỡ hộp sọ hay xuất huyết não hoặc làm giảm mức độ nặng của chấn thương sọ não. Nghĩa là bạn vẫn luôn nhớ cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đạp xe hay chơi thể thao.

Hiểu lầm 3: Nếu trẻ không bị bất tỉnh thì nghĩa là trẻ không bị chấn thương đầu

Sự thật: Chỉ một tỷ lệ nhỏ những trường hợp chấn thương đầu gây ra mất nhận thức. Trong một số trường hợp, một trẻ bị ngất thậm chí còn chịu ít tổn thương hơn là trẻ vẫn còn tỉnh táo sau khi bị va đập nhưng lại dần dần mệt mỏi hoặc bất tỉnh một thời gian sau đó. Mỗi loại chấn thương đầu có thể có những biểu hiện khác nhau, do vậy điều quan trọng là cần quan sát những triệu chứng như lú lẫn, hoa mắt, và đau đầu xảy ra vào thời điểm nào và mức độ nặng của chúng để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.

Hiểu lầm 4: Vật gây va đập càng cứng thì tình trạng chấn thương càng nặng

Sự thật: Bề mặt va đập gây chấn thương phần đầu của trẻ, cho dù là cứng hay mềm, không phải lúc nào cũng có liên quan trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của chấn thương hay thời gian hồi phục. Bởi vì, các bác sỹ đã thấy một số trẻ mặc dù bị ngã qua cửa sổ của một ngôi nhà hai tầng nhưng hoàn toàn hồi phục sau một vài ngày, trong khi một số khác chỉ bị một quả bóng đập vào đầu nhưng cần tới 1 năm để hồi phục.

Hiểu lầm 5: Nôn mửa là dấu hiệu chắc chắn khẳng định trẻ bị chấn thương đầu

Sự thật: Nhiều trẻ em bị nôn mửa làm cho các bậc phụ huynh vô cùng sốt ruột, tuy nhiên chỉ dấu hiệu nôn mửa đơn thuần không thể khẳng định chắc chắn trẻ đang bị chấn thương đầu. Một số trẻ bị nôn đơn giản là do chúng bị sốc hay sợ hãi. Tuy nhiên, tình trạng nôn mửa kéo dài cùng với các triệu chứng khác như lú lẫn, hoa mắt và đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu của một chấn thương nghiêm trọng hơn và cần thiết phải được cấp cứu ngay lập tức.

Hiểu lầm 6: Trẻ em trai hay bị chấn thương đầu hơn trẻ em gái

Sự thật: Nói chung, tỷ lệ bị chấn thương ở cả hai giới là ngang nhau, tuy nhiên các triệu chứng lại biểu hiện khác nhau. Các bé trai thường nói rằng chúng có cảm giác lú lẫn, hay quên và đau đầu dữ dội; trong khi các bé gái lại miêu tả các triệu chứng nhẹ hơn, như buồn ngủ hay nhạy cảm với tiếng động. Khi so sánh những trẻ cùng tham gia những môn thể thao giống nhau (ví dụ như những trẻ em trai chơi bóng rổ với những trẻ em gái cũng chơi bóng rổ), những em gái thường có tỷ lệ chấn thương đầu cao hơn một chút.

Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên có hai giả thuyết: Trẻ em gái thường sẽ nói ra các triệu chứng mà mình gặp phải, và chúng có thể có cơ cổ yếu hơn các em trai, do vậy có thể cho đây là các triệu chứng chấn thương đầu nặng hơn.

Hiểu lầm 7: Tất cả các trường hợp bị chấn thương đầu đều có những triệu chứng rõ ràng giống nhau

Sự thật: Đau đầu, lú lẫn, mất trí nhớ là những triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo, tuy nhiên cũng có nhiều triệu chứng khác nữa, và không có hai trường hợp chấn thương đầu nào là giống nhau hoàn toàn. Có vô số các triệu chứng khác nhau và dường như không liên quan đến nhau, bao gồm chậm chạp, lờ đờ, bị kích thích, khó ngủ hay khó đọc. Nếu con bạn bị va đập vào đầu, hãy cẩn thận lưu ý bất cứ dấu hiệu bất thường nào về hành vi và các triệu chứng của trẻ, sau đó liên lạc với bác sỹ ngay.

Hiểu lầm 8: Chụp cộng hưởng từ MRI hay chụp CT có thể giúp phát hiện chấn thương đầu

Sự thật: Cả hai phương pháp trên có thể phát hiện ra hầu hết các ca chấn thương đầu vì có thể chỉ ra những tổn thương về mặt cấu trúc của não bộ và tình trạng xuất huyết. Khi khám cho trẻ, bác sỹ sẽ chỉ định loại xét nghiệm nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của trẻ. Chụp CT thường là lựa chọn trong trường hợp cần cấp cứu ngay, nhưng phương pháp tốt nhất thường được tiến hành bap gồm: khám lâm sàng, hỏi một số câu hỏi liên quan đến tình huống trẻ bị chấn thương và các triệu chứng mà trẻ đã trải qua. Một số xét nghiệm, test kiểm tra để đánh giá trí nhớ của trẻ... cũng sẽ được áp dụng để chẩn đoán chính xác nhất.

Hiểu lầm 9: Chỉ một cú đánh mạnh vào đầu mới có thể gây chấn thương

Sự thật: Tất nhiên bị tác động mạnh vào đầu là nguyên nhân tất yếu dẫn đến chấn thương, tuy nhiên một số tổn thương trên cơ thể cũng có thể gây chấn thương đầu. Ví dụ như tổn thương mô mềm ở cổ sau tai nạn ô tô hay bị rung lắc quá mạnh cũng có thể tác dộng đến não bộ trong hộp sọ và gây chấn thương.

Hiểu lầm 10: Bóng đá là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương đầu ở thanh thiếu niên

Sự thật: Trên thực tế, đạp xe đạp hoặc ngồi trên xe máy mới là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương đầu ở trẻ em ở mọi độ tuổi, tuy nhiên bóng đá cũng là một trong những môn thể thao hàng đầu thường gây chấn thương cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Đấu vật hay tham gia đội cổ vũ là các môn đứng hàng thứ hai và thứ ba gây nên chấn thương.

Hiểu lầm 11: Trẻ vẫn có thể đi học bình thường sau một chấn thương vùng đầu

Sự thật: Tham gia trở lại các hoạt động tại trường học quá sớm có thể làm chậm quá trình hồi phục của trẻ. Não bộ bị tổn thương không thể hoạt động một cách hiệu quả, do vậy tiếp tục nhồi nhét vào đầu các kiến thức về toán học hay lịch sử hay thậm chí việc tiếp xúc với ánh sáng trắng và các tiếng ồn trong môi trường lớp học có thể làm tăng thêm căng thẳng, stress.

Thông thường, trẻ bị chấn thương vùng đầu sẽ hồi phục trở lại trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên mỗi trường hợp chấn thương đều có những đặc điểm riêng và có các triệu chứng khác nhau, do vậy việc quay trở lại lớp học hay không sẽ do sự quyết định của bác sỹ điều trị. Những trẻ với những triệu chứng nghiêm trọng sẽ cần được nghỉ ngơi ở nhà lâu hơn, những trẻ với triệu chứng nhẹ đến trung bình có thể quay trở lại trường học nhưng cần phải điều chỉnh một số lịch học (không tham gia giờ học thể chất, giảm thời gian đối với môn tập đọc…).

Bình luận
Tin mới
  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

  • 28/03/2025

    3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

    Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?

Xem thêm