Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dạy trẻ tự đi vệ sinh đúng cách

Càng sớm rèn cho bé thói quen tự giác, đi vệ sinh đúng cách sẽ càng giúp trẻ có được những lợi ích to lớn về sức khỏe cũng như tâm lý.

Dạy trẻ tự đi vệ sinh đúng cách 

Dạy trẻ đi vệ sinh là quá trình cha mẹ dạy trẻ làm thế nào để đại tiện hay tiểu tiện như người trưởng thành. Đây là quá trình tương đối khó khăn, đòi hỏi cố gắng của cả cha mẹ cũng như em bé.

Mặc dù hầu hết trẻ đều có thể tự đi vệ sinh trong khoảng từ 2 – 4 tuổi, mỗi trẻ lại tiếp cận với việc này theo một cách khác nhau. Quá trình này tiêu tốn thời gian và không giống nhau giữa các trẻ. Một số trẻ có thể xuất hiện thêm những thay đổi về thể chất và hành vi khiến việc này tốn nhiều thời gian hơn. Và ngay cả trẻ đã được dạy và thực hành cách đi vệ sinh, đôi khi trẻ vẫn gặp phải những “sự cố”. Do vậy, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần phải giữ một thái độ kiên trì, nhẫn nại và luôn khuyến khích để giúp trẻ hình thành thói quen tự đi vệ sinh tốt nhất.

Thời điểm tốt nhất để dạy trẻ

Độ tuổi không phải là yếu tố duy nhất để quyết định liệu trẻ đã sẵn sàng học cách đi vệ sinh hay chưa. Phương pháp giáo dục cũng rất khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ, ở Canada các chuyến gia khuyến cáo dạy trẻ theo phương pháp tự định hướng. Cách này sẽ khuyến khích quá trình học hỏi này diễn ra một cách tự nhiên khi trẻ đã sẵn sàng. Một số nước khác, chẳng hạn như Việt Nam, thói quen "xi" trẻ đi vệ sinh thường bắt đầu khá sớm, khi trẻ mới vài tháng. 

Thời điểm tốt nhất để dạy trẻ là khi con bạn đã sẵn sàng cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Có một số dấu hiệu định hướng cho bạn về thời điểm bé đã sẵn sàng cho bài học tự làm vệ sinh cá nhân.

Dấu hiệu cho thấy con bạn đã sẵn sàng học cách tự đi vệ sinh

Con bạn đã đủ sẵn sàng để học khi bạn thấy trẻ có các biểu hiện sau:

  • Có thể ở trạng thái tã hoặc bỉm “khô ráo” trong vài giờ
  • Đã có thể làm theo một hoặc hai bước hướng dẫn
  • Biết cách sử dụng những từ ngữ hay cử chỉ để báo cho cha mẹ biết rằng trẻ muốn sử dụng bô hoặc muốn đi vệ sinh
  • Biết tự đi đến chỗ đặt bô và ngồi xuống
  • Biết cách tự kéo quần để đi vệ sinh
  • Muốn được sử dụng toilet hay bô và đã mặc được quần lót.

Việc dạy trẻ đi vệ sinh mất khá nhiều thời gian

Trẻ thường mất một vài tháng để học cách tự kiểm soát việc đại tiện và tiểu tiện trong ngày, điều này phụ thuộc vào tùy từng trẻ. Việc kiểm soát vào ban đêm sẽ mất nhiều thời gian hơn, đôi khi mất đến hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Phương pháp rèn luyện cho trẻ

Chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân bạn

Hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian để dành cho việc dạy trẻ cách đi vệ sinh vì việc đó thường mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Lựa chọn những thời điểm ấm áp trong năm có thể dễ dàng hơn cho việc dạy trẻ do trẻ sẽ mặc ít quần áo hơn.

Chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ

Hãy khuyến khích việc trẻ tự thông báo cho cha mẹ biết khi có nhu cầu đi vệ sinh. Dạy trẻ các từ "chuẩn" để sử dụng trong trường hợp này. Cho trẻ mặc những quần áo dễ cởi bỏ như quần chun và áo rời, không nên mặc những loại quần áo yếm, quần áo có nút và khóa kéo.

Để bô ở vị trí dễ lấy

Hãy đặt bô ở vị trí dễ lấy, vừa với tầm với của trẻ để trẻ có thể tự lấy dễ dàng khi muốn đi vệ sinh. Hãy để sẵn sàng bên cạnh bô một ghế hoặc bệ kê chân khi trẻ ngồi.

Có thể mua và lắp nắp/bồn cầu dùng riêng cho trẻ em trong nhà vệ sinh. Và cũng nên chú ý đặt ghế hoặc bệ kê chân ngay cạnh bồn cầu đó để trẻ có thể tự ngồi lên bàn cầu hoặc kê chân khi đi vệ sinh.

Từng bước hình thành nên các thói quen

Hãy chỉ cho con bạn biết cách dùng bô, giải thích cách sử dụng nhà tắm với các bước đơn giản.

  • Trước hết hãy cho trẻ ngồi bô mà vẫn mặc đủ quần áo.
  • Tiếp đó, yêu cầu trẻ ngồi bô sau khi gỡ bỏ tã bẩn. Bạn có thể đặt cả tã bẩn vào bô để chỉ cho trẻ thấy được chức năng của bô là để làm gì.
  • Sau đó, hãy cho trẻ dùng bô khoảng vài lần một ngày.
  • Cuối cùng, hãy thiết lập những thời điểm cụ thể để trẻ sử dụng bô, ví dụ như sau khi trẻ thức dậy, sau ăn và trước khi đi ngủ.
Khen thưởng cho những tiến bộ trẻ đạt được

Hãy khuyến khích trẻ việc nói cho bạn biết khi nào trẻ cần đi vệ sinh. Khi trẻ nói đúng thời điểm hoặc làm đúng các việc như tự lấy bô, tự cởi quần...hãy khen thưởng trẻ bằng những lời nói như "con giỏi lắm", "ồ, đúng thế" hay "con lớn rồi đấy"...hoặc có phần thưởng nho nhỏ cho trẻ. Khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ trẻ sẽ giúp động viên trẻ tiếp tục cố gắng thực hiện những bước tiếp theo.

Không nên trừng phạt hay dọa dẫm trẻ mỗi khi trẻ tè dầm hay đại tiện ra quần. 

Sử dụng quần lót hoặc quần bình thường

Khi con bạn đã có thể sử dụng bô một cách thuần thục trong vòng 1 – 2 tuần, bạn có thể chuyển sang cho bé mặc quần lót hay quần bình thường thay vì sử dụng tã bỉm như trước kia.

Những khó khăn gặp phải

Nếu con bạn nhất định không chịu làm theo những gì bạn hướng dẫn hay không chịu sử dụng bô, có thể là trẻ vẫn chưa sẵn sàng học cách tự đi vệ sinh. Khi đó, bạn cũng không nên ép trẻ dùng bô do việc này có thể dẫn tới những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, đồng thời trì hoãn thời điểm trẻ có thể học cách tự đi vệ sinh. Hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa và thử lại khi trẻ đã sẵn sàng hơn.

Hãy tìm hiểu những nguyên nhân khác làm trẻ không muốn tập đi vệ sinh. Ví dụ, nếu trẻ thường xuyên bị táo bón, trẻ có thể không muốn học cách tự đi vệ sinh vì mỗi lần đi vệ sinh có thể khiến bé đau và kêu khóc.

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ để cùng tìm ra những nguyên nhân hoặc bệnh tật (nếu có) gây cản trở đến việc bé học cách tự đi vệ sinh. Đôi khi bạn sẽ phải đưa bé đến bác sỹ để khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sỹ để quyết định xem liệu con bạn đã sẵn sàng học hay chưa.

Khi nào nên đưa trẻ tới bác sỹ

Nếu trẻ vẫn không chịu học hay từ chối học cách tự đi vệ sinh sau một vài tháng thử lại, hoặc khi trẻ trên 4 tuổi mà vẫn không thể tự đi vệ sinh một mình, đây là thời điểm bạn cần đưa trẻ tới bác sỹ để kiểm tra. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trẻ nhỏ thông minh hơn bạn nghĩ

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

Xem thêm