Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào?

Cùng tìm hiểu bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào tại bài viết dưới đây.

Hàng năm, theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 17 triệu lượt khám liên quan đến bệnh tiểu đường được thực hiện tại khoa cấp cứu vì những lo ngại như hạ đường huyết và các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 4 tháng 8 trên PLOS Medicine đã tiết lộ biến chứng quan trọng khác đằng sau việc nhập viện của người bị tiểu đường là vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Đáng chú ý là những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2 trước 40 tuổi đặc biệt là phụ nữ có nhiều khả năng được nhập viện để điều trị sức khỏe tâm thần hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường.

Chẩn đoán bệnh tiểu đường sớm làm tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần

Để đánh giá tốt hơn tác động của bệnh tiểu đường type 2 đối với cơ thể và não bộ, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông đã so sánh thời gian và nguyên nhân phải nằm viện giữa những người mắc và không mắc bệnh chuyển hóa.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin liên quan đến việc nhập viện từ năm 2002 - 2018 và theo dõi những người tham gia trong thời gian trung bình là 7,8 năm cho đến năm 2019 với số lượng người nghiên cứu lên đến hơn 1,5 triệu người, trong đó một nửa mắc bệnh và một nửa không mắc bệnh tiểu đường type 2.

*** THAM KHẢO THÊM BÀI VIẾT: Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì?

Kết quả nghiên cứu cho thấy người mắc bệnh tiểu đường type 2 phải nằm viện nhiều ngày hơn. Những người được chẩn đoán ở độ tuổi lớn hơn có nhiều khả năng phải nhập viện do tình trạng tuần hoàn và hô hấp. Tuy nhiên, trong số những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước 40 tuổi, 38,4% số ngày nằm viện của người bệnh là do rối loạn sức khỏe tâm thần. Số lượng phụ nữ nhập viện vì lo ngại về sức khỏe tâm thần cao hơn nam giới.

Một số rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến hơn mà những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 phải nhập viện, bao gồm: tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm. Gánh nặng đáng kể về số ngày nằm viện do rối loạn sức khỏe tâm thần ở những người trẻ mắc bệnh tiểu đường type 2 đòi hỏi các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải phân bổ đầy đủ nguồn lực và phát triển các chiến lược có mục tiêu để đáp ứng nhu cầu sức khỏe tâm thần của họ.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe tâm thần

Các nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh mối liên quan đáng kể giữa bệnh tiểu đường type 2 và các rối loạn sức khỏe tâm thần. Điều quan trọng cần lưu ý là mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe tâm thần kém là mối quan hệ tương tác hai chiều, Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn từ 2 - 3 lần.

Các chuyên gia cho biết bệnh tiểu đường và trầm cảm có chung cơ chế hoạt động như: do hoạt động quá mức của hệ thống thần kinh và sự rối loạn của hệ thống phản ứng với căng thẳng trong cơ thể được gọi là trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận. Những yếu tố này có thể làm tăng cortisol và catecholamine - các loại hormone có thể làm cho cả hai bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, khoảng 40% bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường gặp phải lo lắng và những người bị tâm thần phân liệt có khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2 cao gấp 2 - 5 lần so với dân số nói chung.

**Có thể bạn quan tâm: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường tốt nhất

Nhiều yếu tố có khả năng góp phần vào mối quan hệ hai chiều này

Yếu tố tuổi tác và giới tính ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường và sức khỏe tâm thần như thế nào. Nghiên cứu mới nhất cho thấy những người trẻ tuổi và phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng phải nhập viện vì lý do sức khỏe tâm thần.

Trong khi phần lớn chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2 xảy ra ở những người từ 45 tuổi trở lên thì điều ngược lại đúng đối với sức khỏe tâm thần. Điều này có thể giúp giải thích tại sao các nhà nghiên cứu đã chứng kiến một số lượng lớn người trẻ mắc bệnh tiểu đường nhập viện vì rối loạn sức khỏe tâm thần.

Thông thường, hầu hết các bệnh tâm thần nghiêm trọng đều có tuổi khởi phát sớm hơn. “Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 50% bệnh tâm thần bắt đầu ở tuổi 14 và 74% ở tuổi 24. Đối với sự khác biệt về giới tính, các chuyên gia cho biết phụ nữ có nhiều khả năng bị trầm cảm, lo lắng và rối loạn căng thẳng sang chấn hơn nam giới.

Có nhiều sự khác biệt về sức khỏe sinh lý giữa nam và nữ, một số trong đó có thể ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường. Sự khác biệt về sức khỏe sinh lý giới bao gồm những ảnh hưởng đến hormone, độ nhạy insulin và các yếu tố nguy cơ bệnh tiềm ẩn như bệnh tim mạch. Và điều quan trọng cần lưu ý là phụ nữ ít có khả năng nhận được sự chăm sóc tối ưu hơn nam giới.

Căng thẳng, tiểu đường và sức khỏe tâm thần

Chẩn đoán một vấn đề sức khỏe mạn tính ở mọi lứa tuổi sẽ gây ra những thách thức căng thẳng và lo lắng liên tục. Vì vậy, điều này có thể nhanh chóng phát triển thành rối loạn sức khỏe tâm thần. Bệnh tiểu đường đòi hỏi các cá nhân phải thực hiện một loạt các hành vi phức tạp hàng ngày. Điều này có thể góp phần giải thích tại sao những người mắc bệnh tiểu đường type 2 khởi phát sớm hơn có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Từ việc nhớ uống thuốc và kiểm tra lượng đường trong máu đến theo dõi chặt chẽ chế độ ăn kiêng và tập thể dục, sự căng thẳng của việc tự quản lý này đặc biệt là khi bạn không hoàn toàn kiểm soát được một số khía cạnh của bệnh tiểu đường có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Những điều chỉnh lối sống mà những người ở tuổi trưởng thành sớm phải đối mặt và các chẩn đoán bệnh có thể làm phức tạp thêm vấn đề sức khỏe tâm thần ở người bệnh.

Việc thích nghi với tình trạng bệnh mạn tính ở những người trẻ, thậm chí ở độ tuổi 20 có thể gây căng thẳng tâm lý hơn đối với những người lớn tuổi, những người hiểu rõ hơn về con người của họ và có quan điểm cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Hơn nữa, những người trẻ tuổi thường dễ bị tác động bởi những người xung quanh như: cảm thấy bị người khác kỳ thị, theo dõi hoặc đánh giá. Căng thẳng cũng có thể tác động tiêu cực đến kết quả bệnh tiểu đường, vì hormone căng thẳng cortisol có thể được liên kết với việc giảm độ nhạy insulin.

Vai trò của chứng viêm trong trầm cảm và lo lắng

Mức độ viêm cao trong cơ thể có liên quan đến các vấn đề sức khỏe từ bệnh tim mạch đến viêm khớp. Tuy nhiên, viêm cũng được cho là nhân tố chính gây ra cả bệnh tiểu đường và một số rối loạn sức khỏe tâm thần. Tác động của chứng viêm đối với hệ thống thần kinh trung ương được cho là góp phần gây ra chứng trầm cảm, trong khi chứng viêm trong não có liên quan đến chứng lo âu.

Ngược lại, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác có liên quan đến rối loạn chức năng miễn dịch, có thể gây ra chứng viêm. Trầm cảm và rối loạn tâm thần có thể làm giảm khả năng liên kết của insulin với các thụ thể của nó, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn, kháng insulin và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Insulin làm thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não như thế nào?

Mặc dù insulin được biết đến nhiều nhất nhờ tác dụng đối với lượng đường trong máu, nhưng theo các chuyên gia thì insulin cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine tác động đến việc điều chỉnh tâm trạng. Kháng insulin có thể phá vỡ sự kiểm soát này dẫn đến thay đổi tâm trạng và cảm xúc.

Tác dụng phức tạp của thuốc đối với bệnh tiểu đường và sức khỏe tâm thần

Thuốc là một thành phần quan trọng trong việc quản lý cả bệnh tiểu đường và các triệu chứng sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc chống loạn thần có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề về trao đổi chất, góp phần làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng kháng insulin. Mặt khác, các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 hoặc insulin ngoại sinh có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp.

Ngược lại, thuốc điều trị bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần - chẳng hạn như “nhịp tim đập nhanh, run rẩy, đổ mồ hôi, lo lắng và bối rối.

Làm thế nào để những người mắc bệnh tiểu đường có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần của họ?

Như đã nhấn mạnh, điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2 là phải thực hiện các bước để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của họ. Dưới đây là khuyến nghị cho những người bị tiểu đường để hỗ trợ sức khỏe tâm thần:

  • Duy trì lối sống tốt lành mạnh hàng ngày, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh.
  • Cân nhắc làm việc với chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên hoặc các chuyên gia khác để giúp kiểm soát những thói quen này.
  • Tham khảo ý kiến của các chuyên gia am hiểu về tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như các bệnh đi kèm. Các bác sĩ chuyên gia sẽ cho bạn biết về thuốc men và các yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm sự khởi phát của bệnh tâm thần.
  • Giảm các tác nhân gây căng thẳng nếu có thể.
  • Tạo thói quen vận động, làm việc điều độ trong công việc và đời sống xã hội.
  • Nếu bạn cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình bị ảnh hưởng, đừng ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ.

Chúng tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe dành cho bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ với cam kết hỗ trợ phát triển sức khỏe và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân, tư vấn dinh dưỡng cho tất cả các đối tượng… Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0935.18.39.39  hoặc 0243.633.5678 để nhận tư vấn chi tiết.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm