Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bầm tím ở ngực

Một vết bầm tím hoặc đổi màu ở vùng ngực thường sẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại. Khi bị bầm tím, thường là do các mao mạch (các mạch máu rất nhỏ trong cơ thể) bị tổn thương, làm rò rỉ một lượng máu nhỏ ra ngoài và sẽ tụ lại ở phía dưới da.

Bầm tím ở ngực

Vết bầm tím thường sẽ có màu khác với vùng da xung quanh, và màu sẽ thay đổi theo quá trình hồi phục của vết thương. Khi sắp hồi phục, vết bầm tím sẽ dần dần chuyển sang màu vàng. Rất hiếm khi, vết bầm là dấu hiệu của rối loạn chảy máu hoặc ung thư do viêm vú.

Vết bầm có thể sẽ đổi màu trong quá trình hồi phục:

  • Ban đầu, vết bầm sẽ có màu đỏ vì lượng hemoglobin trong máu chứa rất nhiều oxy và sắt.
  • Khi hemoglobin bị phá vỡ, oxy và sắt sẽ tiêu tan dần. Lúc này, vết bầm sẽ chuyển sang các sắc thái khác nhau giữa màu xanh lam và màu tím.
  • Sự phá vỡ các hemoglobin sẽ sản xuất ra biliverdin. Khi đó, cũng tức là vài ngày sau khi bị thương, vết bầm sẽ chuyển từ màu xanh làm/tím sang màu xanh lá do biliverdin.
  • Khi vết bầm mờ dần, nó sẽ có màu vàng, nguyên nhân là do biliverdien sẽ bị phá vỡ và sản xuất ra bilirubin.
Tại sao bạn lại bị bầm tím?

Tổn thương các mô mềm sẽ tạo ra các vết bầm tím. Các tổn thương này có thể xảy ra do một số nguyên nhân phổ biến hoặc một vài nguyên nhân nghiêm trọng, ví dụ đơn giản như bị va vào cánh cửa hoặc bị chấn thương sau một vụ tai nạn.

Một số người sẽ dễ bị bầm tím hơn những người khác. Nếu bạn đã lớn tuổi và có màu da sáng, bạn sẽ dễ bị bầm tím hơn. Luyện tập cường độ cao cũng có thể sẽ gây ra bầm tím. Đôi khi, việc xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn chảy máu. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn thường xuyên bị chảy máu mũi hoặc chảy máu lợi.

Nếu vết bầm chỉ xuất hiện ở ngực mà không xuất hiện tại các vị trí khác trên cơ thể, thì rất có thể có những nguyên nhân khác gây bầm tím.

Bầm tím do cho con bú

Một số phụ nữ sẽ bị bầm tím ở ngực do cho con bú. Thông thường nguyên nhân là do em bé ngậm núm vú không đúng cách hoặc do không đưa đủ vú của mẹ vào miệng của bé. Ép ngực của bạn quá chặt vào miệng của em bé cũng có thể gây ra các vết bầm tím trên ngực.

Đôi khi, một vài phụ nữ cũng cảm thấy khó chịu hoặc bị bầm tím sau khi sử dụng máy hút sữa mẹ với tốc độ quá nhanh hoặc với lực hút quá mạnh.

Bầm tím sau phẫu thuật

Việc bị bầm tím sau phẫu thuật ngực là rất bình thường, đặc biệt là sau phẫu thuật ung thư vú hoặc sau phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực. Khi bác sỹ phẫu thuật cắt qua các mô, cũng tức là đang làm tổn thương các mạch máu. Bác sỹ có thể đốt các mạch máu, bịt các mạch máu lại để làm giảm chảy máu và giảm bầm tím. Số lượng cũng như tình trạng bầm tím sau phẫu thuật sẽ khác nhau tùy từng người.

Khi bạn phẫu thuật tại ngực, bạn cũng có thể nhận thấy các vết bầm tím sẽ xuất hiện ở những vùng cơ thể từ ngực trở xuống theo thời gian, thường là do tác dụng của trọng lực.

Ung thư vú thể viêm

Ung thư vú thể viêm là dạng ung thư vú rất dễ lan rộng vì với dạng ung thư này, các tế bào ung thư sẽ ngăn chặn các mạch bạch huyết, làm cho dịch bạch huyết không thoát ra khỏi vú được. Đây là tình trạng hiếm gặp, và chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số ca ung thư vú.

Triệu chứng ung thư vú thể viêm bao gồm:

  • Da đổi màu hồng hoặc đỏ
  • Da bị rạn hoặc lõm vào, trông như vỏ trái cam
  • Xuất hiện mụn hoặc mẩn đỏ trên vú
  • Sưng
  • Căng tức vú
  • Đau
  • Ngứa
  • Tụt núm vú
  • Vùng da quanh vú có cảm giác ấm nóng khi sờ vào

Bầm tím không phải là một triệu chứng phổ biến của ung thư vú thể viêm. Tuy nhiên, nếu vùng da tại vú của bạn bị đổi màu hoặc vết bầm tím không biến mất, thì bạn nên đến gặp bác sỹ.

Khi nào nên đến gặp bác sỹ?

Bạn nên đến gặp bác sỹ nếu vết bầm tại ngực của bạn đi kèm với:

  • Hình thành u, cục cùng với vết bầm
  • Bạn bị sưng vú rất to
  • Vết bầm không biến mất sau 2 tuần
  • Bạn có rất nhiều vết bầm không rõ nguyên nhân
  • Bạn bị chảy máu mũi, chảy máu lợi, hoặc có máu trong nước tiểu, trong phân.
  • Bạn có các triệu chứng nhiễm trùng, ví dụ như đỏ quanh vết bầm, chảy dịch hoặc chảy mủ.

Bác sỹ có thể sẽ tiến hành thăm khám và yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm hỗ trợ để việc chẩn đoán chính xác hơn.

Điều trị bầm tím tại nhà

Bác sỹ có thể sẽ hướng dẫn bạn một số cách để làm giảm bầm tím, sưng hoặc đau. Trừ khi bác sỹ không cho phép, nếu không, bạn có thể tuân theo một số nguyên tắc sau để hồi phục nhanh hơn:

Nên:

  • Chườm lạnh vết bầm trong 24 giờ đầu tiên sau khi vết bầm xuất hiện
  • Khi đi ngủ, tìm cách nâng vùng bị bầm tím lên cao một góc khoảng 45 độ (ví dụ, khi nằm nghiêng có thể kê một chiếc gối ở dưới vú)

Không nên:

  • Hút thuốc vì hút thuốc sẽ làm chậm quá trình hồi phục
  • Uống rượu, ít nhất là trong vòng 48 giờ trước và sau bất cứ loại phẫu thuật nào. Rượu làm giãn các mạch máu và sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Sử dụng các miếng dán nhiệt hoặc chườm ấm. Nhiệt độ cao sẽ làm mở các mạch máu và sẽ làm chậm quá trình hồi phục, nếu bạn bị sưng và bầm tím.

Bản chất các vết bầm chính là tình trạng chảy máu dưới da. Các thuốc chống viêm không chứa steroid, ví dụ như aspirin, ibuprofen và naproxen có thể sẽ làm giảm đau và viêm, nhưng sẽ cản trở quá trình đông máu. Điều này có nghĩa là bạn sẽ dễ chảy máu hơn và thời gian để cầm máu sẽ lâu hơn.

Kết luận

Bầm tím trên ngực rất hiếm khi là một dấu hiệu nguy hiểm. Cơ thể có thể tự hấp thu lượng máu tại các vết bầm tím trong vòng 2 tuần.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phòng ngừa ung thư vú sớm và chụp mammogram

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

Xem thêm