Uống ào ạt
Đây là thói quen phổ biến khi bạn chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Ngoài ra, nhiều người chỉ uống một thời điểm nhất định, như chỉ uống nước ban ngày, buổi sáng thay vì uống đều các giờ trong ngày, nhất là vào buổi tối. Lý do là uống nước buổi tối sẽ bị tiểu đêm, mất giấc ngủ.
Theo bác sĩ, uống nước ào ạt một lúc có thể sẽ cản trở tiêu hóa khiến tim đập loạn, buồn nôn, nôn, chuột rút... Nhấp ngụm nước lớn và nuốt vội vàng khiến các tạp chất trong thận và bàng quang tích tụ bên dưới, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Chỉ uống nước vào một thời điểm trong ngày cũng khiến cơ thể không nạp đủ nước, dẫn đến thiếu nước.
Do đó, bạn nên uống nước từng ngụm nhỏ và chia ra nhiều lần giúp chức năng tiêu hóa tối ưu, qua đó cải thiện sự trao đổi chất. Bác sĩ khuyến cáo không nên uống quá 900 ml nước mỗi giờ.
Chỉ uống nước khi khát
Chỉ khát mới uống nước là hoàn toàn sai lầm. Khi cơ thể khát nghĩa là các tế bào đã thiếu nước. Thời gian dài thiếu nước sẽ làm gia tăng độ đặc của máu, dẫn đến các bệnh về tim, huyết quản. Ngoài ra, càng không chú ý uống nước, thói quen uống nước sẽ ngày càng ít, điều này không có lợi cho sức khỏe.
Không uống nước khi ngủ dậy
Cơ thể bạn trải qua một đêm dài không được cung cấp nước trong khi hoạt động của các hệ cơ quan vẫn diễn ra bình thường. Chất thải trong cơ thể đang cần được rửa sạch. Uống nước ngay sau khi ngủ dậy không chỉ có tác dụng cung cấp nước mà còn giúp cơ thể bạn giải độc một cách hiệu quả.
Uống nhiều nước trong lúc ăn
Hệ tiêu hóa sẽ bị đe dọa, nhất là hoạt động của dạ dày sẽ bị quá tải nếu bạn có thói quen uống nhiều nước trong lúc ăn.
Uống nước quá lạnh
Nước lạnh có thể làm gia tăng viêm họng ở một số nhóm đối tượng; nước lạnh có thể làm giảm hoạt động của các tuyến tiết dịch, dẫn đến tình trạng khô, rát họng. Ngoài ra, nước lạnh còn làm các vi mạch máu trong dạ dày bị co thắt đột ngột, làm giảm chức năng tiêu hóa, dẫn đến các bệnh như đau bụng, tiêu chảy.
Uống nhiều nước là tốt
Bác sĩ Hưng cho biết, lượng nước bổ sung vào cơ thể phải phụ thuộc vào cân nặng, tính chất công việc chứ không phải cứ uống càng nhiều nước càng tốt. Khi uống nhiều nước, cơ thể sẽ gây ra tình trạng nhược trương, đau đầu, chóng mặt, rối loạn về điện giải...
Tình trạng thừa nước xảy ra khi cơ thể hấp thụ nhiều nước hơn mức bài tiết ra ngoài và mức natri bình thường trong máu bị pha loãng. Một lượng nước quá lớn được dung nạp vào cơ thể sẽ trở thành gánh nặng cho thận, gây suy thận và có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, thay đổi hành vi, tổn thương não, co giật hoặc hôn mê.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng uống nước vừa phải sẽ tốt hơn cho cơ thể và làn da hơn so với nhóm uống thừa nước.
Trẻ sơ sinh dường như có nhiều nguy cơ bị quá tải nước do trọng lượng cơ thể còn nhỏ. Tình trạng này dễ gặp phải trong tháng đầu đời, khi trẻ bị cho uống quá nhiều nước trong khi cơ chế lọc của thận còn quá non nớt để bài tiết chất lỏng nhanh chóng như trẻ lớn hơn. Do đó, sữa mẹ hoặc sữa công thức vốn dĩ đã cung cấp tất cả các chất lỏng mà một em bé khỏe mạnh cần trong các ngày tháng đầu tiên của cuộc đời.
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng cũng có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm độc nước là những vận động viên chuyên nghiệp hoặc những người tập thể dục hơn 4 giờ một ngày. Khái niệm "quá tải nước" ở những nhóm đối tượng này cũng thường đi kèm với chứng hạ natri máu do tập thể dục. Sự dư thừa nước gây ra tình trạng đào thải quá mức muối khoáng dẫn đến mất cân bằng nước - điện giải sau đó.
Trong một số trường hợp khác, những người ăn kiêng sẽ có khuynh hướng uống một lượng nước dư thừa nhằm chiếm không gian trong dạ dày, giúp hạn chế cảm giác thèm ăn và kéo dài cảm giác no. Tuy nhiên, phương pháp này không bao giờ là cách ăn kiêng an toàn.
Để biết cơ thể có uống thừa nước hay không, bác sĩ cho hay với người uống thừa nước khi đi tiểu, nước tiểu có màu trong và đi tiểu nhiều lần trong ngày. Trong điều kiện đủ nước, cơ thể bài tiết nước tiểu có màu hơi vàng trong.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Bạn có đang uống nước đúng cách?