Dưới đây là 4 thức uống có thể ảnh hưởng tới lượng đường huyết mà người bệnh đái tháo đường nên cảnh giác:
Cà phê
Trên thực tế, đã có một nghiên cứu năm 2018 trên Nutrition Reviews (Anh) cho thấy những người thường hay uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn so với những người không có thói quen này. Theo đó, acid chlorogenic - một hợp chất trong cà phê có thể làm chậm sự hấp thu glucose vào máu.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng với người đã mắc bệnh đái tháo đường, cà phê có thể làm tăng lượng đường huyết hoặc khiến cơ thể gặp khó khăn hơn để xử lý đường. Theo chuyên gia dinh dưỡng Constance Brown-Riggs (người Mỹ), những gì bạn thêm vào cốc cà phê của mình (như đường, sữa, kem béo…) có thể là nguyên nhân khiến người bệnh đái tháo đường dễ bị tăng cân, tăng đường huyết khó kiểm soát.
Các chuyên gia cho rằng tùy thuộc vào phản ứng của từng người mà bạn có thể uống từ 2 - 3 cốc cà phê đen (không thêm đường, sữa, kem béo…) trong ngày. Tuy nhiên, nếu nhận thấy cà phê khiến bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết, hãy loại bỏ thức uống này khỏi chế độ ăn uống thường ngày.
Soda ăn kiêng (diet soda)
Các loại đồ uống có gas, ngay cả khi không chứa calorie cũng không phải lựa chọn tốt với người bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Current Developments in Nutrition (Mỹ) đã chỉ ra rằng thói quen uống soda ăn kiêng mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
Một nghiên cứu khác của Australia cũng chỉ ra rằng, với người đã mắc bệnh đái tháo đường, việc duy trì thói quen uống hơn 4 lon soda ăn kiêng mỗi tuần có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ biến chứng võng mạc đái tháo đường tăng sinh.
Nước ngọt, các thức uống nhiều đường
Mỗi lon hoặc chai (350ml) nước ngọt có thể chứa tới 10 thìa cà phê đường. Lượng đường này có thể khiến đường huyết tăng vọt và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, biến chứng tim mạch, khiến người bệnh đái tháo đường tăng cân khó kiểm soát.
Các thức uống nhiều đường khác cũng có thể chứa tới 150 calorie “rỗng” và từ 40 - 50gr carbohydrate có thể gây tăng đường huyết, khiến bạn tích mỡ tại vùng eo, tăng nguy cơ bị viêm và kháng insulin nguy hiểm.
Tốt hơn hết, người bệnh đái tháo đường nên loại bỏ hoàn toàn nước ngọt, các thức uống nhiều đường để kiểm soát đường huyết, giảm cân và duy trì sức khỏe ổn định hơn.
Nước ép trái cây
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes Care (Mỹ), thói quen uống nước ép trái cây thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Về mặt dinh dưỡng, các chuyên gia cũng cho rằng ăn trái cây tươi thực sự tốt hơn so với việc uống nước ép. Nguyên nhân là bởi trái cây tươi vẫn giữ lại được lượng chất xơ cần thiết, tốt cho việc kiểm soát đường huyết.
Tốt hơn hết, bạn nên thay các loại nước ép trái cây thành nước ép rau xanh, hoặc chỉ uống một chút nước ép trái cây trong bữa ăn để ngăn không cho đường huyết tăng lên quá cao.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Sống lâu, sống khỏe với bệnh đái tháo đường.