Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

10 thói quen có ảnh hưởng không tốt đến điều trị insulin

Điều trị insulin gần như là bắt buộc với hầu hết người mắc tiểu đường typ 2, do tụy của họ đã không còn sản xuất đủ insulin đồng thời cơ thể cũng không đáp ứng tốt với lượng insulin ít ỏi đó. Việc tiêm insulin sẽ giúp những người này dự trữ đường máu đúng cách, giữ lượng đường huyết trong giới hạn cho phép và ngăn chặn được các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Nhưng để hiệu quả hơn, phương pháp điều trị này cần nhiều hơn là việc chỉ tiêm insulin hàng ngày. Nếu bạn vẫn tiêm insulin đều đặn nhưng vẫn không duy trì được mức đường huyết trong giới hạn cho phép, thì đã đến lúc bạn nên xem lại các thói quen hàng ngày của bạn. Theo một nghiên cứu xuất bản tháng 6 năm 2015 trên Indian Journal of Endocrinology and Metabolism, việc tiêm insulin không đúng cách hoặc không thích hợp có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết và ảnh hưởng đến hiệu quả của insulin.

Các thói quen xấu khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều trị insulin của bạn. Tránh mắc phải những sai lầm dưới đây trong khi điều trị insulin có thể giúp bạn đạt được hiệu quả cao nhất trong khi điều trị.

Quên không kiểm tra đường huyết

Kiểm tra đường huyết thường xuyên sẽ giúp bạn biết được việc cơ thể đáp ứng như thế nào với các loại thuốc, thực phẩm và thói quen sống. Việc kiểm tra đường huyết cũng có thể giúp bạn xác định đượng đúng lượng insulin cần tiêm. Ngược lại, việc không kiểm tra đường huyết sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các biến chứng lâu dài, ví dụ như tổnt hương tim, thận hoặc mắt. Rất nhiều người dừng kiểm tra đường huyết vì họ đã cảm thấy khá hơn rồi. Thường xuyên kiểm tra đường huyết là một việc làm bắt buộc. Do vậy, bạn có thể ghi giấy nhớ dán trên tủ lạnh hoặc đặt đồng hồ nhắc nhở trên điện thoại để không quên mất việc này.

Quên tiêm insulin

Nếu bạn quên không tiêm một liều insulin, lượng đường huyết của bạn sẽ tăng cao. Và mặc dù rất khó để có thể luôn luôn nhớ đến việc tiêm insulin, đặc biệt là trong những lúc bạn đang vội, nhưng việc tiêm insulin là vô cùng quan trọng, do vậy, hãy coi đó là ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể mang thêm một vài ống insulin trong cặp hoặc để sẵn ở nơi làm việc để có thể tiêm insulin khi cần. Bạn cũng có thể đặt báo thức nhắc nhở về việc tiêm insulin.

Bỏ bữa

Nếu bạn sử dụng insulin tác dụng nhanh và quên không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường,lượng đường huyết của bạn có thể sẽ tụt xuống rất thấp. Mặc dù insulin tác dụng nhanh nên được dùng vào trước bữa ăn, nhưng nếu bạn không chắc khi nào bạn sẽ ăn và ăn bao nhiêu thì để an toàn hơn, bạn nên đợi đến khi vừa ăn xong để tiêm insulin tác dụng nhanh. Bạn có thể trao đổi với bác sỹ về việc liệu giải pháp này có phù hợp với bạn hay không.

Lựa chọn thực phẩm không phù hợp

Những người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường, như nước ép trái cây, soda, kẹo cứng hoặc chỉ ăn những loại thực phẩm này khi đang bị hạ đường huyết. Những loại thực phẩm nhiều đường hoặc nhiều carbohydrate tinh chế có thể làm tăng đường huyết của bạn lên rất nhanh, những loại thực phẩm này cũng sẽ không phù hợp với liều insulin của bạn. Vì liều insulin chỉ dựa vào các bữa chính hoặc dựa vào lượng carbohydrate tối thiểu mà bạn tiêu thụ trong ngày. Thay vào đó, hãy lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, chứa ít carbohydrate chế biến sẵn, như trái cây tươi, rau xanh, các loại đậu và ngũ cốc, đồng thời cân bằng bữa ăn với các loại thịt nạc và chất béo tốt cho sức khỏe để duy trì lượng đường huyết ổn định.

Căng thẳng

Sức khỏe tinh thần đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường huyết. Căng thẳng sẽ làm tăng hormone cortisol, và cortisol có thể ảnh hưởng đến sự nhạy cảm insulin, theo tạp chí the Dartmouth Undergraduate Journal of Science. Điều này có nghĩa là cũng với liều insulin đó có thể sẽ ít hiệu quả hơn nếu bạn căng thẳng hơn, so với khi bạn trong trạng thái thư giãn. Do vậy, bạn nên tự tìm cho mình một kỹ thuật thư giãn thích hợp và dành thời gian mỗi ngày để giảm stress, ví dụ như tập yoga, đọc một cuốn sách…

Tránh các bài tập sức mạnh

Tập aerobic là cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe cho trái tim và giảm số đo vòng 2 của bạn, nhưng bạn cũng đừng quên quan tâm đến các cơ bắp. Thường xuyên tập các bài tập sức mạnh có thể giúp hình thành và duy trì các khối cơ và cải thiện sự nhạy cảm insulin. Bạn thậm chí không cần phải đến phòng tập gym hay nâng tạ nặng mà chỉ cần luyện tập các cơ bắp tại nhà như chống đẩy, tập tạ tay hoặc đơn giản là leo cầu thang nhiều lần.

Hút thuốc

Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường typ 2 mà còn làm cho những người đã mắc tiểu đường rồi sẽ khó kiểm soát tình trạng bệnh và khó tìm ra liều insulin phù hợp cho họ hơn, theo CDC. Hút thuốc làm tăng lượng đường huyết một cách cấp tính, nhưng cũng ảnh hưởng đến lượng đường huyết thông qua việc gây ra tình trạng viêm mãn tính và kháng insulin. Bạn nên trao đổi với bác sỹ để lên kế hoạch bỏ thuốc ngay hôm nay.

Không uống đủ nước

Không chỉ việc ăn mà cả việc uống hoặc không uống nước cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của insulin. Uống đủ nước sẽ giúp thận loại bỏ được lượng đường thừa trong máu. Uống đủ nước cũng giúp cho insulin bạn tiêm vào có hiệu quả hơn bằng cách duy trì lưu lượng máu để thuốc có thể tới được các tế bào cần đến. Để đảm bảo rằng bạn uống đủ nước trong cả ngày, bạn hãy mang theo một chai nước bên mình và thường xuyên nhấp một ngụm nhỏ.

Thừa cân

Giảm cân có thể sẽ giúp cải thiện tình trạng nhạy cảm với insulin của bạn. Và bạn không cần thiết phải giảm thật nhiều cân mới thấy được kết quả, theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ. Giảm từ 4-7kg có thể giúp bạn cải thiện lượng đường huyết và kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Rất nhiều người cảm thấy khó khăn khi giảm cân, nếu không được sự tư vấn từ chuyên gia. Bạn có thể tìm kiếm rất nhiều nguồn thông tin có thể giúp bạn tư vấn, như bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên giảm cân hoặc một bác sỹ trị liệu.

Tiêm insulin tại cùng một vị trí

Việc hấp thu insulin nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào vị trí bạn tiêm. Insulin sẽ đi vào máu nhanh nhất nếu được tiêm ở bụng, chậm hơn một chút nếu được tiêm ở trên cánh tay, và chậm hơn nữa nếu được tiêm ở mông và đùi, theo thống kê của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ. Tiêm insulin ở đúng vị trí sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả tốt nhất. Nhưng nếu bạn thường xuyên tiêm insulin tại 1 điểm nhất định thì có thể sẽ dẫn đến việc hình thành các khối u mỡ cứng không hấp thu insulin. Bạn có thể vẫn tiêm liều insulin như bình thường, nhưng khả năng hấp thu của cơ thể chỉ là 50%, hay thậm chí là ít hơn. Do vậy, bạn nên thay đổi điểm tiêm insulin trên cùng một bộ phận cơ thể, ví dụ như vẫn tiêm ở bụng, nhưng tiêm ở nhiều vị trí khác nhau trên bụng, thay vì tiêm ở cùng 1 chỗ trên bụng trong nhiều lần.
Bình luận
Tin mới
  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

Xem thêm