Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tiểu đường và kinh nguyệt: 5 điều phụ nữ cần biết

Một chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, và có thể dao động từ 21-35 ngày, được tính bằng khoảng cách giữa hai chu kỳ kinh nguyệt liền kề nhau. Ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, kinh nguyệt có chút phức tạp hơn do hậu quả tương tác của các hormon trong cơ thể.

Sự thay đổi đột ngột nồng độ hormon trong cơ thể, làm trứng rụng, kèm theo nó niêm mạc tử cung không được làm tổ sẽ bong ra làm xuất huyết vào hàng tháng. Sự thay đổi hormon không những ảnh hưởng đến cơ thể nói chung mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nói riêng. Ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, kinh nguyệt có chút phức tạp hơn do hậu quả tương tác của các hormon trong cơ thể.

Đường huyết khó kiểm soát trong chu kỳ kinh nguyệt

Lý do giải thích tại sao rất khó kiểm soát đường huyết khi bạn càng đến gần với “ngày đèn đỏ” là do sự thay đổi hormon trong chu kỳ kinh nguyệt. Đến khoảng ngày thứ 9-15, trứng rụng, nồng độ progesteron tăng lên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nồng độ progesteron có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Có nghĩa là, từ ngày thứ 16-22, nồng độ progesteron duy trì ở mức cao, làm tăng tình trạng kháng insulin, dẫn đến nồng độ đường huyết ở mức cao hơn bình thường. Mặt khác, tăng nồng độ progesteron làm tăng cảm giác thèm ăn, lười, giảm vận động. Tất cả yếu tố trên làm đường huyết trong thời kỳ này rất khó kiểm soát. Nếu kiểm soát không tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường. Vì vậy, phụ nữ mắc tiểu đường cần chú ý đến chế độ ăn và tập luyện trong chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt phụ nữ mắc tiểu đường týp 1 có thể nhạy cảm hơn với sự đề kháng insulin  trong chu kỳ kinh nguyệt.

Phương pháp tránh thai nội tiết (bằng hormon) làm tăng khả năng kháng insulin

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hormon estrogen cũng giống như progesteron có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Phương pháp tránh thai nội tiết có chứa cả progesteron và estrogen gồm thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, vòng âm đạo tránh thai,… Bất kỳ phương pháp tránh thai nội tiết nào đều làm tăng tình trạng kháng insulin, khó kiểm soát đường huyết. Nhưng nhìn chung, hầu hết các phương pháp này đều khá an toàn nếu bạn đang mắc tiểu đường. Điều chú ý là bạn cần nhận thức được phương pháp tránh thai này có thể làm thay đổi đường huyết, nên bạn cần cẩn thận kiểm tra thường xuyên đường huyết trước khi dùng biện pháp tránh thai hay khi thay đổi phương pháp tránh thai khác.

Dậy thì muộn, mãn kinh sớm

Phụ nữ mắc tiểu đường týp 1 có tuổi sinh sản ngắn hơn so với phụ nữ mắc tiểu đường týp 2. Tuổi sinh sản được tính từ lúc bắt đầu dậy thì (có kinh nguyệt) đến khi kết thúc kinh nguyệt (mãn kinh). Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt đường huyết, cũng góp phần mãn kinh đến chậm hơn. Mặc dù kinh nguyệt ở đối tượng này sẽ thất thường, không đều so với người không mắc bệnh tiểu đường.

Tăng cân gây kinh nguyệt không đều

Khi bạn đang ở tình trạng thừa cân, mô mỡ sẽ sản xuất ra hormone làm tăng khả năng kháng insulin. Kháng insulin kích thích tụy sản xuất thêm insulin. Các insulin tương tác với các hormon điều hòa kinh nguyệt gây gián đoạn, rối loạn kinh nguyệt. Nếu bạn mắc tiểu đường týp 2, thể trạng béo phì, bạn có nhiều nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) gây mất cân bằng sản xuất hormon buồng trứng, cản trở rụng trứng thường xuyên dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 50 tuổi và sau mãn kinh. Người mắc tiểu đường týp 2 tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung và được cho rằng có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Nếu bạn đang thừa cân, thì nguy cơ này còn tăng cao hơn. Việc thừa cân, làm tăng sản xuất estrogen, nội mạc tử cung tiếp xúc với estrogen mà không có sự bảo vệ của progesteron. Qua thời gian, sự tiếp xúc này làm tăng trưởng nội mạc tử cung, có thể dẫn đến ung thư.

CTV Phương Nga - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo verywell
Bình luận
Tin mới
Xem thêm