Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

10 nguy cơ về sức khỏe xảy ra sau khi mãn kinh

Bạn không thể kiểm soát được quá trình lão hóa và việc mãn kinh của mình. Nhưng, bạn có thể thực hiện rất nhiều cách để làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe sau mãn kinh.

Loãng xương

Bạn càng lớn tuổi, và càng mãn kinh lâu năm thì nguy cơ bị loãng xương và gãy xương của bạn càng tăng lên. Estrogen đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Trong vòng 5 năm sau mãn kinh, khoảng 20-30% lượng xương sẽ bị mất đi. Nguy cơ loãng xương trước khi mất kinh sẽ rất thấp, nhưng sau khi mãn kinh, nguy cơ gãy xương hông và gặp phải các vấn đề liên quan đến mật độ xương sẽ tăng lên rất nhanh.

Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát, phụ nữ sau mãn kinh cũng sẽ thường phủ nhận các nguy cơ về sức khỏe của mình. Và điều này sẽ càng làm cho tình trạng loãng xương (và các tình trạng bệnh khác sau mãn kinh) trở nên tệ hơn vì phụ nữ sẽ không thực hiện các biện pháp bảo vệ xương cũng như sức khỏe của mình, ví dụ như ăn chế độ ăn giàu canxi, thực hiện các bài tập có lực cản với tạ và hạn chế tiêu thụ muối cũng như các loại đồ uống làm giảm lượng canxi trong xương (như rượu bia, soda, cà phê).

Các bệnh về răng miệng

Dù bạn có tin hay không, thì estrogen cũng đóng một vai trò nhất định trong việc giữ hàm răng luôn trắng sáng. Quá trình mất xương tương tự như ở cột sống và hông cũng sẽ xảy ra với xương hàm của bạn. Kết quả là bạn sẽ bị lung lay răng, mất răng và mắc phải các bệnh nha chu khác. Đây là những tình trạng về răng hàm mặt mà phụ nữ sau mãn kinh sẽ dễ mắc phải, theo như kết quả của một nghiên cứu đăng thải trên Cleveland Clinic Journal of Medicine.

Ngoài ra, rất nhiều phụ nữ sau mãn kinh cũng nhận thấy tình trạng khô miệng, bỏng rát ở các mô nướu (lợi), thay đổi vị giác khi nếm các món ăn mặn, cay hoặc chua.

Các rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng tương đối phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh, nhưng điều không may là có tới 90% số phụ nữ sau mãn kinh sẽ không được chẩn đoán tình trạng này.

Không giống như nam giới, phụ nữ sẽ không xuất hiện những dấu hiệu đặc hiệu của các rối loạn giấc ngủ, như ngủ ngáy, ngưng thở, buồn ngủ ban ngày. Thay vào đó, phụ nữ sẽ xuất hiện các triệu chứng không điển hình của rối loạn khi ngủ, như mất ngủ, đau đầu vào buổi sáng hôm sau, mệt mỏi, suy nhược, trầm cảm và lo âu.

Tiểu đường

Nếu bạn mãn kinh sớm trước tuổi 46 hoặc mãn kinh muộn sau tuổi 55 thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 của bạn sẽ tăng lên, theo như kết quả của nghiên cứu  Women's Health Initiative, một nghiên cứu thử nghiệm lớn nhằm mục tiêu dự phòng các bệnh ở phụ nữ sau mãn kinh. Rất khó để tách biệt ảnh hưởng của mãn kinh với ảnh hưởng của tuổi tác và cân nặng lên bệnh tiêu đường. Tuy nhiên, suy giảm estrogen được cho là có thể tăng nguy cơ kháng insulin và gây đói, điều này đóng một vai trò nhất định trong bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, tăng huyết áp trong khi mang thai (tiền sản giật), tiểu đường khi mang thai hoặc hội chứng buồng trứng đa nang cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường lên cao hơn. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị rằng: bạn nên kiểm tra bệnh tiểu đường mỗi 3 năm một lần, bắt đầu từ khi bước sang tuổi 45. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn bị thừa cân.

Bệnh tim mạch

Lượng estrogen mà buồng trứng sản xuất ra trước khi mãn kinh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ trái tim. Nó giúp làm tăng lượng cholesterol HDL (cholesterol tốt) và làm giảm lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu), làm giãn mạch máu giúp tăng lưu lượng máu và dự phòng tăng huyết áp (nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ) và làm giảm các mảng bám cholesterol ở thành mạch (nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành). Sự suy giảm đáng kể estrogen khi mãn kinh sẽ làm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của bạn tăng lên. Cứ 8 phụ nữ trong độ tuổi từ 45-64, thì sẽ có 1 người mắc phải một dạng bệnh tim mạch nào đó. Tỷ lệ này sẽ tăng lên là 1 trên 4 phụ nữ trên 65 tuổi.

Ngoài ra, ở phụ nữ, các triệu chứng phổ biến nhất của cơn nhồi máu cơ tim còn rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng do căng thẳng và đau lưng. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện các thói quen tốt cho sức khỏe, ví dụ như cai thuốc lá, ăn chế độ ăn nhiều rau quả và luyện tập thể thao 30 phút/ngày có thể sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn.

Ung thư vú

Ung thư vú là tình trạng thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh hơn là ở phụ nữ trẻ. Nhưng trong trường hợp này, thì nguyên nhân do tuổi tác sẽ đóng vai trò nhiều hơn là do lượng estrogen. Ví dụ, với một phụ nữ 30 tuổi, nguy cơ có thể sẽ mắc ung thư vú trong vòng 10 năm tới là 1/227. Nhưng ở độ tuổi 60, nguy cơ sẽ tăng lên là 1/28.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh ung thư vú mà bạn có thể kiểm soát được đó chính là tình trạng tăng cân sau mãn kinh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên luyện tập thể thao với mức độ vừa phải trong vòng 150 phút mỗi tuần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ ung thư vú của chính mình.

Các rối loạn về ăn uống

Việc tăng từ 3-5kg trong giai đoạn mãn kinh có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn ăn uống của phụ nữ trong giai đoạn này. Một nghiên cứu xuất bản trên International Journal of Eating Disorders đã chỉ ra rằng, giai đoạn mãn kinh (là giai đoạn mà hormone cùng với cơ thể người phụ nữ có những biến đổi lớn) có liên quan tới việc tăng tỷ lệ mắc các rối loạn ăn uống và có suy nghĩ tiêu cực về vẻ bề ngoài của mình.

Các rối loạn tự miễn

Trong số 50 triệu người Mỹ mắc phải các bệnh tự miễn, thì có khoảng hơn 75% trong số đó là phụ nữ. Và nếu bạn là phụ nữ sau mãn kinh, thì bạn lại càng dễ mắc phải các rối loạn tự miễn hơn.

Mặc dù nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ, nhưng các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, nguy cơ phát triển bệnh tự miễn, ví dụ như lupus, viêm khớp dạng thấp, bệnh Graves, bệnh xơ cứng bì và các bệnh về tuyến giáp sẽ tăng lên sau ki mãn kinh. Kết quả này đã được tăng tải trên tạp chí khoa học Expert Review of Obstetrics and Gynecology.

Phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X, và bất thường xảy ra với một trong hai nhiễm sắc thể X cũng có thể sẽ khiến một vài phụ nữ nhạy cảm hơn với một số bệnh tự miễn.

Một số bằng chứng còn cho thấy việc suy giảm estrogen cũng đóng vai trò nhất định trong việc mắc các bệnh tự miễn ở phụ nữ.

Các vấn đề về tiểu tiện

Tiểu tiện không tự chủ (rò rỉ nước tiểu không kiểm soát khi bạn cười hoặc hắt hơi) là một tình trạng vô cùng phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự mỏng đi cuả niệu đạo (do suy giảm estrogen) cũng như sự yếu của các cơ vùng đáy chậu (hậu quả của việc mang thai và sinh nở). Trong suốt những năm mãn kinh, phụ nữ sẽ dễ mắc phải tình trạng viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần. Nguyên nhân là do estrogen đóng vai trò trong việc loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể.

Một số biện pháp bạn có thể thực hiện để dự phòng tình trạng tiểu tiện không tự chủ: luyện tập bài tập Kegel, uống nhiều nước và đi vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.

Các bệnh về gan

Suy giảm estrogen cùng với việc lão hóa sẽ khiến gan bạn gặp phải những khó khăn nhất định trong việc hồi phục sau những tác động tiêu cực của rượu bia, bệnh nhiễm trùng hoặc mỡ thừa. Phụ nữ sẽ dễ bị tổn thương các cơ quan do rượu bia hơn. Theo các nghiên cứu trên động vật, thì estrogen cũng có liên quan đến các bệnh về gan, do vậy phụ nữ cũng sẽ dễ mắc các bệnh về gan do rượu, viêm gan do rượu và tử vong vì xơ gan hơn.

Nếu bạn sinh trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1965, thì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, bạn nên đi kiểm tra viêm gan C vì đây là loại virus có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến gan.

Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam- Theo Reader's Digest
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

  • 27/03/2024

    Triệu chứng nhiễm trùng thận

    Nhiễm trùng thận, tiết niệu thường gặp khi vi khuẩn di chuyển từ bộ phận sinh dục, bàng quang, niệu quản rồi tới thận. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng thận.

Xem thêm