Những ai có thể được lợi từ việc bổ sung vitamin D thường xuyên?
Để tìm hiểu xem việc bổ sung vitamin D có giúp bảo vệ thận cho người bị tiền đái tháo đường (một tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2) hay không, các nhà khoa học từ Đại học Y Stanford (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 2.423 người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiền đái tháo đường.
Những người tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm: Một nhóm được bổ sung 4.000IU vitamin D3/ngày, trong khi nhóm còn lại được dùng giả dược trong khoảng thời gian trung bình là 2,9 năm.
Người bị thiếu hụt vitamin D có thể cần bổ sung thêm dưỡng chất này để bảo vệ thận.
ThS. BS. Sun H. Kim, một trong các tác giả nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu lớn nhất liên quan tới việc bổ sung vitamin D trong phòng ngừa đái tháo đường từ trước tới nay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đã có 28 trường hợp bị suy giảm chức năng thận trong nhóm được bổ sung vitamin D; 30 trường hợp ở nhóm dùng giả dược. Sự thay đổi chức năng thận trong thời gian theo dõi cũng tương tự nhau ở cả 2 nhóm. Điều này cho thấy không có lợi ích rõ ràng nào của việc bổ sung vitamin D với chức năng thận.
Tuy nhiên, do các sản phẩm bổ sung vitamin D được sử dụng khá rộng rãi, ThS. BS. Sun H. Kim cho biết rất khó để thấy được lợi ích của việc bổ sung vitamin D nếu các đối tượng nghiên cứu không bị thiếu hụt dưỡng chất này.
Theo đó, đa số những người tham gia nghiên cứu đều có nồng độ vitamin D trong máu ở mức ổn, có chức năng thận bình thường. Khoảng 43% những người tham gia nghiên cứu cũng đã có thói quen bổ sung tới 1.000IU vitamin D/ngày ngay từ trước khi nghiên cứu bắt đầu.
Trong số những người không có thói quen tự bổ sung vitamin D, các nhà khoa học nhận thấy việc bổ sung dưỡng chất này đã làm giảm lượng protein trong nước tiểu. Điều này có thể mang lại nhiều lợi ích cho thận. Theo đó, các chuyên gia cho rằng những người có nồng độ vitamin D trong máu thấp và/hoặc bị suy giảm chức năng thận có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin D. Tất nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định điều này.
Các yếu tố nguy cơ, triệu chứng của biến chứng bệnh thận đái tháo đường
Thận là cơ quan có nhiệm vụ lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu, sau đó bài tiết chúng qua nước tiểu. Do đó, suy giảm chức năng thận có thể dẫn tới tích tụ chất lỏng, chất thải trong cơ thể. Người bệnh đái tháo đường nếu mắc biến chứng thận nghiêm trọng (ví dụ như suy thận giai đoạn cuối) có thể phải thường xuyên lọc máu hoặc ghép thận.
Đáng tiếc là các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh thận thường không rõ ràng, cho tới khi chức năng thận suy giảm đáng kể. Do đó, người bệnh đái tháo đường nên chủ động đi khám sức khỏe hàng năm, hoặc cảnh giác hơn với các triệu chứng như hay thấy buồn nôn/nôn mửa, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, hay thấy buồn tiểu, hay bị chuột rút, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân, hay bị ngứa da, đau ngực, khó thở, tăng huyết áp…