Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc nào trị hôi miệng?

Thuốc trị hôi miệng chỉ cho tác dụng tại chỗ, tức chỉ giúp khắc phục hôi tạm thời do vùng hầu họng miệng bị ô nhiễm. Vì vậy, rất cần thiết tìm nguyên nhân trong các nguyên nhân kể ở trên, đặc biệt do bệnh toàn thân mà chữa trị thì mới gọi là trị tận gốc.

Thuốc nào trị hôi miệng?

Hôi miệng là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, từ việc vệ sinh răng miệng chưa sạch sẽ, gặp một số vấn đề về răng miệng cũng như mắc bệnh về đường hô hấp khiến cho hơi thở kém thơm tho, dễ chịu. Để điều trị dứt điểm chứng hôi miệng thì phải đi từ nguyên nhân, điều trị nguyên nhân gây ra chứ hiện tại chưa có một loại thuốc nào đặc trị riêng cho chứng hôi miệng, kể cả nước súc miệng, rửa miệng thì cũng chỉ hỗ trợ phần nào nhưng nếu dùng quá thường xuyên thì có khi lại gây tác dụng ngược lại.

Nguyên nhân chứng hôi miệng

- Vệ sinh răng miệng kém (không chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách) làm vi khuẩn phát triển trong miệng, do sâu răng, thậm chí có thể đã bị bệnh răng miệng gọi là bệnh nha chu.

- Khô miệng do bất thường của cơ thể làm giảm tiết nước bọt (nhờ nước bọt mà miệng ta mới sạch), hoặc khô miệng do sử dụng một số thuốc có tác dụng chống tiết cholin như: thuốc kháng histamin…

- Do bị bệnh tai mũi họng như: bị viêm xoang mũi…

- Do ăn một loại thức ăn nào đó như: hành hay tỏi…, nam giới thì do hút thuốc và uống rượu.

- Do bị bệnh toàn thân: ung thư, đái tháo đường, bệnh về gan, thận, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản…

- Riêng người phụ nữ trong thời kỳ rụng trứng cũng như thời gian có kinh nguyệt sẽ có các thay đổi nội tiết có thể làm cho hơi thở có mùi đặc biệt mà một số người gọi là hôi.

Cải thiện tình trạng hôi miệng

- Thực hiện tốt vệ sinh răng miệng: đánh răng sau khi ăn, cần chà cho sạch hết thức ăn sót trong miệng, kẽ răng. Nếu lưỡi đóng bựa thì cạo cho hết để vi khuẩn khỏi tá túc và phát triển. Ngoài đánh răng đúng cách, có thể dùng thêm nước súc miệng đặc trị hôi miệng. Với giữ gìn vệ sinh răng miệng chu đáo ta đã có thể giảm hôi miệng từ 30 - 90%. Nên khám nha sĩ đều đặn coi có bị sâu răng, bị viêm nha chu.

- Giữ miệng ẩm bằng cách lâu lâu uống một chút nước. Có người nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo chứa đường nhân tạo (đường ăn thông thường gây sâu răng) để tiết nước bọt không bị khô miệng mà cải thiện chứng hôi miệng trong thời gian mong muốn. Đối với kẹo cao su, nếu chứa đường ăn thông thường phải dùng hạn chế vì có thể gây sâu răng, nên dùng kẹo chứa xylitol thì tốt hơn.

- Tránh các loại thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng như hành, tỏi. Ăn nhiều trái cây và rau; giới hạn thịt và chất béo. Nam giới thì tránh dùng quá nhiều rượu, thuốc lá.

- Đi khám bệnh tổng quát để xem có bệnh gì tiềm tàng gây hôi miệng để chữa trị.

Hiểu đúng và dùng đúng “thuốc trị hôi miệng”

Về thuốc trị hôi miệng, chủ yếu được dùng là thuốc cho tác dụng tại chỗ tức nước súc miệng hoặc dung dịch xịt vào miệng chứa các chất sát trùng và các loại tinh dầu bay hơi tạo mùi thơm. Chất sát trùng nhằm tiệt khuẩn có trong họng miệng gồm có chlorhexidine, cetylpyridinium chloride, chlorine dioxide. Chlorhexidine còn được kết hợp với muối kẽm là zinc gluconate để tăng tác dụng kháng khuẩn. Các loại tinh dầu hay dùng là tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế… Đối với trường hợp không tiết tốt nước bọt dẫn đến hôi miệng, nha sĩ sẽ chỉ định dùng nước bọt nhân tạo (artificial saliva). Đối với người bị trào ngược dạ dày - tá tràng, bác sĩ chỉ định dùng thuốc ức chế bơm proton (omeprazole) hoặc thuốc kháng thụ thể H2 (ranitidine) để trị trào ngược gây hôi miệng.

Vì thuốc trị hôi miệng tại chỗ chứa hóa chất có thể không “hợp” với người dùng nên phải sử dụng đúng theo hướng dẫn, chỉ dùng khi thấy thật sự cần thiết, kết hợp các biện pháp không dùng thuốc kể trên. Chứ không được dùng quá thường xuyên, dùng liên tu bất tận. Các chất sát khuẩn qua thuốc đưa vào miệng nhiều quá là không tốt.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Điều trị và phòng tránh chứng hôi miệng

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm