Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tác hại của không khí ô nhiễm đến sức khỏe trẻ em

Hơn 90% trẻ em trên thế giới hít thở không khí độc hại mỗi ngày.

Mỗi ngày,  93% trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới - khoảng1,8 tỷ trẻ em, phải hít thở không khí ô nhiễm khiến trẻ phải chịu những nguy cơ về sức khỏe trong quá trình phát triển. Bi kịch thay, rất nhiều trẻ trong số đó đã tử vong. WHO ước tính trong năm 2016, có khoảng 600.000 trẻ tử vong bởi tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tinh bởi ô nhiễm không khí.

WHO công bố báo cáo về ô nhiễm không khí và sức khỏe trẻ em

Báo cáo mới nhất của WHO về ô nhiễm không khí và trẻ em cho thấy: Cần quy định tiêu chuẩn không khí sạch sẽ để kiểm tra tình trạng ô nhiễm không khí cả trong nhà và bên ngoài môi trường, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp và trung bình. Báo cáo được công bố vào đêm trước hội nghị toàn cầu đầu tiên của WHO về ô nhiễm  không khí và sức khỏe.

Báo cáo cho biết phụ nữ khi mang thai phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ô nhiễm, đứa trẻ sinh ra có thể có cân nặng thấp hơn so với mức trung bình. Ô nhiễm không khí  cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, khả năng nhận thức và dễ gây ra sự phát triển của ung thư ở trẻ và các vấn đề về hô hấp. Trẻ càng phơi nhiễm nhiều với không khí ô nhiễm càng dễ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch khi trưởng thành.

“Ô nhiễm không khí đang đầu độc hàng triệu trẻ em trên thế giới và phá hủy cuộc sống của chúng. Đây là một điều không thể tha thứ. Trẻ em phải được hít thở trong không khí trong lành để chúng có thể phát triển và đáp ứng đủ tiềm năng sau này", các chuyên gia cho ý kiến.

Một lý do tại sao trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí là vì chúng thở nhanh hơn nên dễ hấp thụ nhiều chất gây ô nhiễm hơn. Trẻ nhỏ cũng sống gần mặt đất hơn, nơi một số chất ô nhiễm đạt tới nồng độ đỉnh vào thời điểm mà não bộ và cơ thể đang phát triển hoàn chỉnh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng dễ bị ô nhiễm không khí trong nhà hơn ở những ngôi nhà thường xuyên sử dụng nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm để nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng.

Các phát hiện chính của báo cáo

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh, dẫn đến kết quả xét nghiệm nhận thức thấp hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển tinh thần và vận động.

Ô nhiễm không khí làm hư hại chức năng phổi của trẻ em, ngay cả ở mức độ tiếp xúc thấp hơn.

Trên toàn thế giới, 93% trẻ em dưới 15 tuổi tiếp xúc với mức độ hạt bụi cao hơn so với mức quy định của chất lượng không khí, bao gồm 630 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 1,8 tỷ trẻ em dưới 15 tuổi.

Ở các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, 98% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với nồng độ PM2.5 trên hướng dẫn của WHO. Trong khi đó ở các nước có thu nhập cao, chỉ 52% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với mức độ bụi này.

Trên 40% dân số thế giới (bao gồm 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi) bị nhiễm khí ô nhiễm do việc nấu nướng trong nhà bởi những vật dụng có ga, chất gây ô nhiễm.

Khoảng 600.000 ca tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi là do tác động chung của ô nhiễm không khí trong nhà và môi trường xung quanh gây ra.

Ô nhiễm không khí từ việc nấu ăn của gia đình và môi trường xung quanh gây ra hơn 50% tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trẻ em, chiếm gần 1/10 các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Thông tin chi tiết tham khảo thêm tại: Ô nhiễm không khí: Làm thế nào để tự bảo vệ?

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo WHO
Bình luận
Tin mới
Xem thêm