Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Rượu và nguy cơ ung thư

Dựa trên việc tổng kết các nghiên cứu, có một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng có một mối liên quan chặt chẽ giữa việc uống rượu và nhiều loại ung thư khác nhau.

Rượu (alcohol) là khái niệm chung dùng để chỉ ethanol hoặc ethyl alcohol, một chất hóa học có thể tìm thấy trong bia, rượu vang, rượu nặng cũng như trong một số loại thuốc, nước súc miệng, các sản phẩm gia dụng và một số loại tinh dầu chiết xuất từ các loại cây. Rượu cũng được sản xuất ra trong quá trình lên men đường và tinh bột.

Một số loại đồ uống có cồn chính và hàm lượng rượu/cồn có trong đó bao gồm:

  • Bia hoặc nước táo lên men: 3-7% rượu
  • Rượu vang, bao gồm cả rượu sake: 9-15% rượu
  • Rượu vang được bổ sung thêm một số loại rượu mạnh (còn gọi là port): 16-20% rượu
  • Rượu mạnh (ví dụ như rượu gin, rượu rum, vodka, whiskey) được sản xuất ra bằng cách hòa tan rượu trong các sản phẩm lên men như ngũ cốc, trái cây và rau xanh: 35-40% rượu hoặc có thể cao hơn.

Theo Viện Nghiên cứu về nghiện rượu và lạm dụng rượu bia Hoa Kỳ (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism), một ly rượu tiêu chuẩn tại Mỹ có chứa 14g rượu nguyên chất. Thông tường, lượng rượu nguyên chất này cũng tương đương với lượng rượu có trong:

  • 350ml bia
  • 230ml rượu mạch nha
  • 150ml rượu vang
  • 45ml rượu mạnh

Hướng dẫn về chế độ ăn cho người Mỹ năm 2010 (Dietary Guidelines for Americans 2010) định nghĩa rằng, uống rượu với lượng vừa phải (moderate drinking) là 1 ly/ngày với phụ nữ và 2 ly/ngày với nam giới. Uống nhiều rượu (heavy drinking) được định nghĩa là uống trên 3 ly trong bất cứ ngày nào và hơn 7 ly/tuần với nữ và hơn 4 ly/ngày với nam hoặc 14 ly/tuần với nam giới.

Những bằng chứng cho thấy uống rượu là nguyên nhân gây ung thư?

Dựa trên việc tổng kết các nghiên cứu, có một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng có một mối liên quan chặt chẽ giữa việc uống rượu và nhiều loại ung thư khác nhau. Trong báo cáo về các tác nhân gây ung thư, Chương trình Độc chất học Quốc gia tại Mỹ của Bộ Y tế và Nhân Sinh Hoa Kỳ đã liệt việc tiêu thụ đồ uống có cồn là một trong số các tác nhân gây ung thư ở người. Bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy rằng, một người tiêu thụ lượng rượu càng nhiều thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu lại càng cao. Dựa trên dữ liệu từ năm 2009, có khoảng 3.5% số ca tử vong vì ung thư tại Mỹ (tương đương 19.500) có liên quan đến rượu.

Rượu là nguy cơ gây ra 7 loại ung thư (vòng tròn càng lớn thể hiện nguy cơ ung thư càng cao)

Một số bằng chứng đã cho thấy rõ ràng mối liên quan giữa tiêu thụ rượu và sự phát triển một số loại ung thư sau:

Ung thư đầu và cổ: Tiêu thụ rượu là một yếu tố nguy cơ chính gây ra một số loại ung thư vùng đầu và cổ, đặc biệt là ung thư khoang miệng (trừ ung thư tại môi), ung thư vòm họng và ung thư thanh quản. Những người tiêu thụ nhiều hơn 50g rượu/ngày (khoảng hơn 3.5 ly/ngày) có nguy cơ mắc phải các loại ung thư ở trên cao hơn ít nhất khoảng 2-3 lần so với những người không uống rượu. Ngoài ra, nguy cơ ung thư của những người tiêu thụ lượng rượu tương tự đi kèm với hút thuốc lá cũng sẽ cao hơn

Ung thư thực quản: Tiêu thụ rượu là yếu tố nguy cơ chính cho một loại ung thư thực quản đặc biệt có tên là ung thư biểu mô tế bào vảy tại thực quản. Ngoài ra, những người thiếu enzyme chuyển hóa rượu (do di truyền) cũng sẽ bị tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản liên quan đến rượu.

Ung thư gan: Tiêu thụ rượu là một yếu tố nguy cơ độc lập và là nguyên nhân chính gây ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan). Nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C mãn tính cũng là một yếu tố nguy cơ chính khác gây ung thư gan.

Ung thư vú:  Hơn 100 nghiên cứu dịch tễ học đã xem xét mối liên quan giữa tiêu thụ rượu và nguy cơ ung thư vú ở nữ giới. Những nghiên cứu này đã thấy rằng, việc tăng nguy cơ ung thư vú có liên quan với việc tăng tiêu thụ rượu. Một phân tích tổng hợp kết quả của 53 nghiên cứu (bao gồm hơn 58.000 phụ nữ bị ung thư vú) đã chứng minh rằng, phụ nữ uống nhiều hơn 45g rượu/ngày (tương đương khoảng 3 ly) có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú cao hơn gấp khoảng 1.5 lần so với những phụ nữ không uống rượu. Nguy cơ ung thư vú sẽ tăng cao với tất cả các trường hợp tăng tiêu thụ rượu bia: cứ mỗi 10g rượu tiêu thụ một ngày (ít hơn 1 ly), thì sẽ làm tăng khoảng 7% nguy cơ ung thư vú.

Nghiên cứu The Million Women Study tại Anh bao gồm hơn 28.000 phụ nữ bị ung thư vú cho ra một kết quả cao hơn một chút: cứ mỗi 10g rượu tiêu thụ một ngày sẽ liên quan  với việc tăng 12% nguy cơ ung thư vú.

Ung thư đại trực tràng: Tiêu thụ rượu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một nghiên cứu tổng hợp 57 nghiên cứu thuần tập và bệnh chứng xem xét mối liên quan giữa việc tiêu thụ rượu và ung thư đại trực tràng chỉ ra rằng: những người thường xuyên tiêu thụ trên 50g rượu/ngày (3.5 ly) sẽ tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên khoảng 1.5 lần so với những người không hoặc ít uống rượu. Với mỗi 10g rượu tiêu thụ một ngày, nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên khoảng 7%.

Rượu làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rất nhiều cách mà rượu làm tăng nguy cơ ung thư:

  • Ethanol trong các loại đồ uống có cồn sẽ được chuyển hóa thành acetaldehyde – một chất độc hóa học và có thể là một tác nhân gây ung thư ở người. Acetaldehyde có thể gây tổn thương cả DNA và protein trong cơ thể.
  • Tạo ra các loại chất có chứa oxy phản ứng (là các chất hóa học phản ứng có chứa oxy) có thể gây tổn thương DNA, protein và chất béo thông qua một cơ chế gọi là quá trình oxy hóa.
  • Rượu ảnh hưởng đến khả năng phá vỡ và hấp thu rất nhiều chất dinh dưỡng liên quan đến nguy cơ ung thư ví dụ như vitamin A, B, C, D, E, folate và carotenoid.
  • Rượu làm tăng lượng estrogen trong máu – một loại hormone giới tinh có liên quan đến nguy cơ ung thư vú.
  • Đồ uống có cồn cũng có chứa rất nhiều các tác nhân gây ung thư sinh ra trong quá trình sản xuất và lên men, ví dụ như nitrosamine, sợi amiăng, phenols, và hydrocarbon.

Uống rượu vang đỏ có thể giúp dự phòng ung thư hay không?

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiến thành các nghiên cứu sử dụng protein tinh khiết, tế bào cơ thể người và động vật thí nghiệm và thấy rằng, có một số chất trong rượu vang đỏ, ví dụ như resveratrol có tác dụng chống ung thư. Nho, mâm xôi, đậu phộng và một số loại thực vật khác cũng có chứa resveratrol. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng trên người chưa cung cấp bằng chứng cho thấy resveratrol có hiệu quả trong việc dự phòng hoặc điều trị ung thư. Có rất ít nghiên cứu dịch tễ học xem xét mối liên quan giữa việc tiêu thụ rượu vang đỏ và nguy cơ ung thư ở người.

Nguy cơ ung thư sau khi ngừng uống rượu có giảm đi hay không?

Đa số các nghiên cứu đã xem xét xem liệu nguy cơ ung thư có giảm đi sau khi một người ngừng uống rượu hay không, và đa số cũng tập trung vào các loại ung thư vùng đầu cổ và ung thư thực quản. Nhìn chung, những nghiên cứu này đã cho thấy ngừng tiêu thụ rượu không liên quan đến việc giảm ngay lập tức nguy cơ ung thư. Thay vào đó, có thể mất tới vài năm thì nguy cơ ung thư mới có thể quay về mức tương đương với những người chưa bao giờ uống rượu.

Ví dụ, một nghiên cứu tổng hợp 13 nghiên cứu bệnh chứng thấy rằng, nguy cơ ung thư khoang miệng và thanh quản có liên quan đến rượu sẽ không giảm xuống sau khi ngừng tiêu thụ rượu 10 năm. Kể cả sau 16 năm ngừng uống rượu, nguy cơ ung thư của những người đã từng uống rượu vẫn cao hơn so với những người chưa bao giờ uống rượu.

Trong một số nghiên cứu, nguy cơ ung thư thực quản sẽ giảm dần xuống sau khi ngừng tiêu thụ rượu. Một phân tích trên 5 nghiên cứu bệnh chứng chỉ ra rằng, nguy cơ ung thư thực quản sẽ không bao giờ trở về mức tương đương với những người chưa bao giờ uống rượu trong ít nhất 15 năm ngừng uống rượu.

Trong khi hóa trị điều trị ung thư, uống rượu có an toàn hay không?

Cũng như hầu hết các nghiên cứu khác liên quan đến quá trình điều trị ung thư của từng cá nhân, tốt nhất, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sỹ điều trị về việc uống rượu trong và sau khi điều trị hóa trị có an toàn hay không. Bác sỹ sẽ đưa ra những lời khuyên thiết thực nhất về mức độ an toàn của việc uống rượu với một số loại thuốc điều trị ung thư nhất định và/hoặc các loại thuốc khác được kê đi kèm với quá trình hóa trị ung thư.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Rượu bia có tác hại đối với tim mạch như thế nào?

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ National Cancer Institute
Bình luận
Tin mới
  • 03/04/2025

    Đẻ mắc vai hay dấu hiệu “con rùa” trong sản khoa

    Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!

  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

Xem thêm