Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Rượu ảnh hưởng thế nào đến cơ thể bạn?

Rượu có thể ảnh hưởng đến cơ thể bạn theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào lượng bạn uống. Nói chung, các chuyên gia cho rằng bạn có thể uống tối đa một ly mỗi ngày nếu bạn là phụ nữ hoặc hai ly nếu bạn là đàn ông.

Uống quá nhiều rượu sẽ khiến bạn có nguy cơ gặp phải những rủi ro dễ thấy như té ngã và tai nạn ô tô. Uống quá nhiều trong thời gian dài sẽ làm bạn có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim hoặc tổn thương gan. Đó là lý do tại sao cách tốt nhất của bạn là thưởng thức rượu có chừng mực.

Rượu có thể khiến não của bạn co lại

Nếu bạn uống nhiều rượu trong thời gian dài, rượu có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động của não. Các tế bào não bắt đầu thay đổi và thậm chí còn teo nhỏ hơn. Uống quá nhiều rượu thực sự có thể làm teo não của bạn. Và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ mọi thứ của bạn. Bên cạnh đó, rượu cũng có thể khiến bạn khó giữ nhiệt độ cơ thể ổn định và ảnh hưởng đến việc bạn vận động đi lại. Uống nhiều rượu là khi bạn uống từ 8 ly trở lên mỗi tuần đối với phụ nữ và 15 ly trở lên đối với nam giới.

Rượu có thể ảnh hưởng đến  giấc ngủ của bạn

Tác dụng của rượu lên não có thể khiến bạn buồn ngủ, do đó bạn có thể dễ dàng ngủ gật hơn. Nhưng bạn sẽ không ngủ ngon. Cơ thể bạn xử lý rượu suốt đêm. Một khi hết tác dụng, rượu sẽ khiến bạn trằn trọc và khó ngủ tiếp. Bạn không có được giấc ngủ REM sâu mà cơ thể bạn cần để phục hồi. Và bạn có thể gặp ác mộng trong giấc ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể thức dậy thường xuyên hơn khi đi vệ sinh.

Đọc thêm bài viết: Uống rượu bia có lợi không?

Rượu làm tăng tiết axit dạ dày

Rượu kích thích niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết dịch tiêu hóa. Nếu lượng axit và rượu tích tụ đủ, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn và có thể nôn. Uống rượu nhiều năm có thể gây ra vết loét dạ dày. Nó cũng có thể dẫn đến kích ứng niêm mạc dạ dày, gọi là viêm dạ dày.

Rượu gây tiêu chảy và ợ nóng

Ruột non và đại tràng của chúng ta cũng bị kích thích. Rượu làm ảnh hưởng đến tốc độ bình thường mà thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa. Đó là lý do tại sao việc uống nhiều rượu có thể dẫn đến tiêu chảy và có thể trở thành một vấn đề lâu dài. Bên cạnh đó, rượu cũng làm cho chứng ợ chua dễ xảy ra hơn vì nó làm giãn cơ vòng thực quản dưới, khiến axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

Rượu khiến bạn tiểu nhiều hơn

Bộ não giúp cơ thể bạn giữ nước tốt bằng cách sản xuất một loại hormone giúp thận không tạo ra quá nhiều nước tiểu. Nhưng khi rượu bắt đầu hoạt động, rượu sẽ ra lệnh cho não bạn ngừng sản xuất hormone đó. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn sau khi uống rượu, điều này có thể khiến bạn bị mất nước. Khi bạn uống nhiều rượu trong nhiều năm, thận của bạn phải làm việc nhiều và tác dụng độc hại của rượu có thể làm thận của bạn suy yếu.

Rượu có thể gây ra các bệnh về gan

Gan của bạn phân hủy gần như tất cả rượu bạn uống. Trong quá trình này, gan phải xử lý rất nhiều độc tố. Theo thời gian, uống nhiều rượu làm cho cơ quan này to lên và có thể tích lũy những chất béo xấu, khiến các mô sợi dày hơn, tích tụ lại. Điều đó hạn chế lưu lượng máu đến gan, vì vậy các tế bào gan không nhận được những gì chúng cần để tồn tại. Khi các tế bào gan chết đi, gan sẽ bị sẹo xơ và ngừng hoạt động gây nên bệnh xơ gan.

Tổn thương tuyến tụy và bệnh tiểu đường

Thông thường, cơ quan này tạo ra insulin và các men tụy giúp ruột phân hủy thức ăn. Nhưng uống quá nhiều rượu sẽ gây cản trở hoạt động tuyến tụy. Các men tụy ở lại bên trong tuyến tụy cùng với chất độc từ rượu có thể gây viêm trong cơ quan theo thời gian, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho tuyến tụy. Sau nhiều năm, tuyến tụy khi bị tổn thương sẽ không thể tạo ra lượng insulin cần thiết, điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Điều này cũng làm cho bạn có nhiều khả năng bị ung thư tuyến tụy.

Di chứng thường gặp sau cơn say

Buổi sáng sau cơn say bạn sẽ tỉnh dậy với đôi môi khô nứt, đôi mắt lờ đờ và đó không phải là ngẫu nhiên. Rượu khiến bạn mất nước và làm cho các mạch máu trong cơ thể và não giãn nở. Điều đó khiến bạn đau đầu. Dạ dày của bạn muốn loại bỏ các độc tố và axit mà rượu tạo ra, khiến bạn buồn nôn và ói mửa. Và bởi vì gan của bạn quá bận rộn xử lý đồ uống nên nó không giải phóng đủ lượng đường vào máu, dẫn đến tình trạng suy nhược và run rẩy.

Đọc thêm bài viết: Xơ gan có uống rượu được không?

Rượu ảnh hưởng đến tim mạch

Một đêm say sưa có thể làm xáo trộn các tín hiệu điện giúp nhịp tim của bạn ổn định. Nếu bạn uống rượu trong nhiều năm, bạn có thể khiến nhịp tim thay đổi vĩnh viễn và gây ra hiện tượng gọi là rối loạn nhịp tim. Theo thời gian, tình trạng này khiến cơ tim của bạn giãn và căng ra, giống như một sợi dây cao su cũ. Tim của bạn cũng không thể bơm máu và điều đó ảnh hưởng đến mọi bộ phận trong cơ thể bạn.

Rượu ảnh hưởng đến thân nhiệt

Rượu làm giãn mạch máu, khiến máu lưu thông đến da nhiều hơn. Điều đó khiến bạn đỏ mặt, óng nực và khó chịu. Nhưng không lâu sau đó nhiệt từ lượng máu dư thừa sẽ truyền ra khỏi cơ thể bạn, khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Mặt khác, uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ làm tăng huyết áp. Rượu khiến cơ thể bạn giải phóng các hormone gây căng thẳng làm thu hẹp mạch máu. Và hệ quả là tim bạn phải bơm mạnh hơn để đẩy máu qua.

Rượu khiến hệ miễn dịch suy giảm

Bạn có thể không nghĩ tới việc bạn bị cảm lạnh có liên quan gì đến một đêm uống rượu, nhưng đôi khi chúng lại có liên hệ với nhau. Rượu sẽ làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể. Cơ thể bạn không thể tạo ra số lượng tế bào bạch cầu cần thiết để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, trong 24 giờ sau khi uống quá nhiều, bạn sẽ dễ bị ốm hơn. Những người nghiện rượu nặng trong thời gian dài có nhiều khả năng mắc các bệnh như viêm phổi và lao.

Rượu tác động lên nội tiết tố

Nội tiết tố tham gia vào mọi hoạt động sống của cơ thể từ ham muốn tình dục cho đến tốc độ tiêu hóa thức ăn của bạn. Để giữ cho mọi việc diễn ra suôn sẻ, bạn cần các nội tiết tố ở mức cân bằng phù hợp. Nhưng uống rượu có thể có tác động xấu đến sự cân bằng của nội tiết tố. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy uống rượu vừa phải có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở một số phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy nam giới uống nhiều rượu có thể làm giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.

Rượu có thể gây mất thính lực

Rượu ảnh hưởng đến thính giác của bạn, nhưng không ai biết chính xác nguyên nhân và cơ chế của điều này. Các nhà nghiên cứu cho rằng rượu có thể gây rối loạn phần não xử lý âm thanh của bạn. Hoặc rượu có thể làm tổn thương các dây thần kinh và những sợi lông nhỏ ở tai trong giúp chuyển đổi rung động âm thanh thành tín hiệu điện để bạn nghe được. Uống rượu sẽ khiến bạn cần âm thanh to hơn để có thể nghe thấy. Và điều đó có thể trở thành vĩnh viễn. Uống nhiều rượu trong thời gian dài có liên quan đến tình trạng mất thính lực.

Rượu có thể làm giảm mật độ xương, teo cơ bắp

Uống nhiều rượu có thể làm giảm lượng canxi, khiến cơ thể bạn không thể tạo ra xương mới. Xương của bạn trở nên mỏng hơn và dễ gãy hơn - tình trạng này gọi là loãng xương. Rượu cũng hạn chế lưu lượng máu đến cơ bắp của bạn và cản trở các protein hình thành chúng. Theo thời gian, bạn sẽ bị mất cơ và sức mạnh cơ bắp cũng giảm.

Chúng tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe dành cho bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ với cam kết hỗ trợ phát triển sức khỏe và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân, tư vấn dinh dưỡng cho tất cả các đối tượng… Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0935.18.39.39  hoặc 0243.633.5678 để nhận tư vấn chi tiết.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo WebMD
Bình luận
Tin mới
  • 26/10/2024

    Thời điểm uống nước rất tốt cho thận, làm sạch đường ruột

    Uống nước khi bụng đói vào buổi sáng là một thói quen đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe.

  • 26/10/2024

    Bổ sung magne để có giấc ngủ ngon

    Thực phẩm chức năng chứa magne được chứng minh đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có công dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ.

  • 26/10/2024

    Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở người lớn

    Khi bạn già đi, bạn có thể nghĩ rằng mình đã qua độ tuổi bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì. Mặc dù sự thay đổi nội tiết tố trong tuổi dậy thì là nguyên nhân phổ biến gây ra mụn trứng cá ở khoảng 80% trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên gặp phải tình trạng này nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất có thể gây ra mụn trứng cá. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về 10 nguyên nhân đáng ngạc nhiên gây ra mụn trứng cá ở người trưởng thành và cách loại bỏ những nốt mụn đó.

  • 25/10/2024

    Bổ sung kết hợp vitamin D3 và vitamin K2 cho trẻ em: Nên hay không?

    Trẻ cao lớn khỏe mạnh là mong muốn chính đáng của các bậc cha mẹ. Vitamin D3 và vitamin K2, với vai trò quan trọng trong chuyển hóa canxi và nhiều chức năng sinh lý khác, đang ngày càng được quan tâm như một giải pháp chống còi xương, giúp trẻ cao lớn.

  • 25/10/2024

    Thực hiện 5 thay đổi này để trường thọ

    Theo các nhà nghiên cứu hàng đầu về tuổi thọ, có những cách tiếp cận đơn giản, những thay đổi dễ dàng thực hiện để có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ

  • 24/10/2024

    10 lợi ích sức khỏe bất ngờ của quả su su

    Quả su su có lượng calo thấp nhưng chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp nó trở thành một thành phần bổ sung lành mạnh cho hầu hết mọi chế độ ăn uống.

  • 24/10/2024

    Hiểu đúng về vitamin K2 để có hệ xương vững chắc và tim mạch khỏe mạnh

    Không giống như vitamin A hay C được nhiều người biết đến, vitamin K2 chưa thực sự phổ biến và được nhiều người biết đến. Tuy vậy, đây lại là vi chất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.

  • 24/10/2024

    Những thực phẩm hại thận nhiều người không biết

    Duy trì lối sống năng động, có ý thức về sức khỏe là điều tốt nhất bạn có thể làm để đảm bảo thận luôn khỏe mạnh. Dưới đây là một số thực phẩm gây hại thận có thể bạn không biết.

Xem thêm