Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Rung nhĩ và các căn bệnh liên quan đến tuổi già

Khi bạn lớn tuổi, nguy cơ mắc phải một số bệnh của bạn sẽ tăng lên, bao gồm tiểu đường, tăng huyết áp, thoái hóa điểm vàng và bệnh Parkinson… Trong số đó rung nhĩ là một bệnh cảnh lâm sàng rất hay gặp với tỷ lệ từ 5 đến 7% ở người trên 55 tuổi.

Đặc biệt khi bạn mắc phải tình trạng rung nhĩ, một rối loạn nhịp tim bất thường, có thể sẽ làm phức tạp thêm tình trạng bệnh mãn tính vốn có của bạn. Các bệnh đi kèm với tình trạng rung nhĩ cũng có thể sẽ khiến việc điều trị các bệnh mãn tính thay đổi. Dưới đây là 5 điều bạn cần biết về rung nhĩ và các bệnh liên quan đến tuổi già.

Rung nhĩ và tiểu đường

Tiểu đường là một trong số những bệnh phổ biến nhất ở những người bị rung nhĩ. Nghiên cứu phân tích hơn 41.000 người tại Nhật Bản chỉ ra rằng, 20% số người sẽ bị bệnh tiểu đường đi kèm với chứng rung nhĩ, trong khi chỉ gặp ở 12% những người không mắc tiểu đường (nhóm chứng). Khi bạn mắc phải cả 2 tình trạng này, việc phối hợp điều trị là rất cần thiết. Ví dụ, nếu bị tiểu đường, bạn có thể thấy rằng huyết áp của bạn có thể sẽ bị tụt khi bạn đứng (hạ huyết áp tư thế). Các thuốc điều trị rung nhĩ cũng có thể làm tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra một số thuốc làm giảm nhịp tim cũng có thê ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị đường huyết.

Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đã trao đổi với cả chuyên gia về nội tiết và chuyên gia tim mạch để họ có thể cùng phối hợp với nhau trong việc kê đơn thuốc điều trị mỗi tình trạng bệnh của bạn.

Rung nhĩ và tăng huyết áp

Bị tăng huyết áp ở tuổi trung niên sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng rung nhĩ trong giai đoạn sau này của bạn. Và cả 2 tình trạng này có thể sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Mấu chốt của vấn đề là kiểm soát huyết áp và rung nhĩ bằng chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc phù hợp. Hãy trao đổi với bác sỹ để xác định được đúng kế hoạch điều trị phù hợp với bạn và những chú ý cần thiết để tuân thủ kế hoạch này và đặc biệt cần phải tự theo dõi thường xuyên huyết áp và nhịp tim của bạn. Sổ theo dõi những chỉ số quan trọng nhưng rất dễ thực hiện này lại có tác dụng vô cùng quan trọng cho các bác sĩ của bạn khi quyết định phương pháp điều trị.

Rung nhĩ và chứng mất trí nhớ

Số lượng người mắc cả chứng rung nhĩ và mất trí đang ngày một tăng lên. Giả thuyết ở đây là những người bị rung nhĩ cũng thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn, và đột quỵ gây ra những tổn thương ở não có thể sẽ dẫn đến chứng mất trí. Nhưng không hẳn như vậy, một nghiên cứu năm 2010 được tiến hành tại Utah (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng, người bệnh lớn tuổi bị rung nhĩ sẽ có nguy cơ bị mất trí cao hơn, cho dù họ có bị đột quỵ hay không. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 37.000 người và thấy rằng, những người mắc rung nhĩ có nguy cơ bị chứng mất trí cao hơn khoảng 44% so với những người không mắc phải các bất thường về nhịp tim. Đặc biệt người lớn tuổi bị cả chứng rung nhĩ và mất trí nhới sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Rung nhĩ và thoái hóa điểm vàng

Khi bạn bước sang tuổi 50, nguy cơ thoái hóa điểm vàng của bạn sẽ tăng lên. Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở người lớn tuổi. Điểm vàng chính là phần khiến cho mắt có thể nhìn thấy mọi vật một cách sắc nét. Nếu điểm vàng bị tổn thương, bạn sẽ không nhìn thấy chi tiết của mọi vật ở xung quanh. Rất nhiều người bị chứng rung nhĩ phải sử dụng các loại thuốc làm loãng máu, thuốc chống đông máu, để dự phòng việc hình thành cục máu đông và dự phòng đột quỵ. Nhưng các loại thuốc làm loãng máu có thể sẽ gây chảy máu. Nếu người bệnh bị thoái hóa điểm vàng và bị xuất huyết ở trong mắt, thì đó có thể là một tình trạng nguy hiểm. Do vậy, thuốc làm loãng máu cần được kê đơn thận trọng cho những người bị rung nhĩ và thoái hóa điểm vàng. Nên thông báo với bác sĩ điều trị của bạn tất cả các bất thường về thị lực và bất cứ dấu hiệu chảy máu ở bất cứ vị trí nào của bạn.

Rung nhĩ và bệnh Parkinson

Cũng như bệnh rung nhĩ, nguy cơ phát triển phát triển bệnh Parkinson, một rối loạn hệ thần kinh cũng sẽ tăng dần theo tuổi. Trong số hơn 1 triệu người bị bệnh Parkinson, đa số là những người trên 60 tuổi. Bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hoạt động của não bộ, do vậy người bệnh Parkinson thường gặp phải các vấn đề về giữ thăng bằng sẽ tăng nguy cơ bị vấp ngã và với những bệnh nhân rung nhĩ đang sử dụng thuốc chống đông nguy cơ chảy máu và chảy máu không cầm là rất cao. Các thuốc điều trị rung nhĩ cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề khi đi lại. Đó là lý do vì sao các bác sỹ thường phải phối hợp thuốc khi bạn mắc cả 2 tình trạng bệnh này.

Điều trị chứng rung nhĩ và các bệnh đi kèm

Dù tuổi thọ của người dân đã tăng đáng kể nhưng thời gian sống khoẻ mạnh lại ngắn hơn so với nhiều nước trên thế giới ví dụ như chỉ có 5% người cao tuổi của chúng ta có sức khoẻ tốt, mỗi người trên 75 tuổi ở nước ta mắc trung bình 2.69 bệnh ... Chính vì vậy bạn không thể chỉ tập trung điều trị rung nhĩ mà không điều trị các tình trạng bệnh đi kèm Nhưng khi một người lớn tuổi mắc bệnh đi kèm, thì việc lựa chọn ra phương pháp điều trị tốt nhất sẽ trở nên phức tạp hơn. Nếu bạn đang phải điều trị nhiều bệnh một lúc, thì bạn có thể sẽ phải dùng nhiều loại thuốc có thể tương tác và có phản ứng phụ với nhau. Do vậy, bạn cần gặp một bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu (bác sĩ gia đình) để có thể theo dõi được tất cả các tình trạng bệnh của bạn và các phương pháp điều trị mà các bác sỹ chuyên khoa đang áp dụng.

PGs,Ts Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bình luận
Tin mới
Xem thêm