Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những lý do khiến trẻ sơ sinh trằn trọc và khó ngủ

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc giúp con mình có một giấc ngủ ngon và thoải mái. Hãy cùng cha mẹ tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp trẻ ngủ ngon.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường trải qua những giai đoạn bứt rứt, khó ngủ, hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của trẻ mà còn đến tâm lý và sức khỏe của cha mẹ. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trằn trọc, bứt rứt, khó ngủ ở trẻ, từ đó giúp cha mẹ có cái nhìn tổng quan và tìm ra giải pháp phù hợp cho bé yêu của mình.

Các yếu tố từ bản thân trẻ

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giấc ngủ là sự phát triển của hệ thống tự điều chỉnh và khả năng tự làm dịu bản thân của trẻ. Trẻ sơ sinh thường cần sự hỗ trợ từ cha mẹ để đi vào giấc ngủ và tiếp tục ngủ trở lại khi thức giấc. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, hệ thống tự điều chỉnh của trẻ dần hoàn thiện, cho phép trẻ tự đưa mình vào giấc ngủ và tự trấn an cơ thể khi thức giấc. Quá trình này thường diễn ra mạnh mẽ trong những tháng đầu đời và tiếp tục phát triển trong suốt năm đầu tiên của trẻ. Nếu trẻ không thể tự làm điều chỉnh cơ thể để quay trở lại giấc ngủ, trẻ sẽ trằn trọc hoặc thậm chí là khóc để yêu cầu sự hỗ trợ từ cha mẹ. Cha mẹ có thể dỗ dành bằng cách ôm ấp, vỗ về hoặc cho trẻ bú. Tuy nhiên, việc cho trẻ bú đêm thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ về lâu dài, mặc dù vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để xác định nguyên nhân này.

Ngoài ra, tính khí của trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trẻ “khó tính” có thể gặp khó khăn hơn trong việc tự dỗ dành bản thân hơn vào giờ đi ngủ và có thể phải dựa vào cha mẹ nhiều hơn để được trấn an và hỗ trợ quay trở lại giấc ngủ sau khi bị thức giấc. Bên cạnh đó, trẻ “khó tính” có thể thức giấc thường xuyên hơn vào ban đêm.

Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, bao gồm:

  • Đầy hơi: Trẻ bị đầy hơi thường cảm thấy khó chịu và quấy khóc, đặc biệt là vào buổi tối.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược có thể gây đau và khó chịu cho trẻ, khiến trẻ khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
  • Mắc bệnh: Khi bị ốm, trẻ có thể thức giấc thường xuyên hơn do nghẹt mũi, ho hoặc sốt.
  • Dị ứng: Dị ứng có thể gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi và ngứa, khiến trẻ khó thở và ngủ không ngon giấc.
  • Trẻ sinh non cũng có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giấc ngủ do hệ thống thần kinh chưa hoàn thiện.

Các yếu tố liên quan đến mẹ

Sức khỏe tinh thần của mẹ, đặc biệt là sự căng thẳng và lo lắng trong thai kỳ, có thể có tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ, bao gồm cả giấc ngủ. Trẻ tiếp xúc với sự lo lắng của mẹ trong thời kỳ mang thai có liên quan đến nguy cơ cao hơn về các vấn đề cảm xúc và hành vi ở trẻ, cũng như mức độ lo lắng và trầm cảm ở tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, căng thẳng của cha mẹ, đặc biệt là căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái, có thể làm tăng nguy cơ trẻ gặp các vấn đề về giấc ngủ. Cha mẹ căng thẳng có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập thời gian biểu và thói quen đi ngủ nhất quán, và sự căng thẳng của họ có thể truyền sang con cái, khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.

Một số hành vi của cha mẹ khi dỗ dành trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Ví dụ, việc cha mẹ thường xuyên có mặt và hỗ trợ tích cực khi trẻ đi vào giấc ngủ có thể làm giảm khả năng tự ngủ của trẻ.

Thói quen ngủ không phù hợp

Việc thiếu một thói quen ngủ đều đặn có thể khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ. Trẻ sơ sinh cần một thói quen ngủ nhất quán và sẽ rất có lợi cho trẻ nếu có một thói quen đi ngủ nhẹ nhàng và thư giãn, bao gồm các hoạt động như tắm nước ấm, đọc truyện hoặc hát ru.

Cha mẹ nên cố gắng đưa trẻ đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần, để giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của trẻ.

How Long Can Babies Sleep in a Bedside Crib? – Besrey

Môi trường ngủ không thoải mái

Một môi trường ngủ không thoải mái có thể khiến trẻ trằn trọc, khó ngủ. Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, ánh sáng quá sáng hoặc tiếng ồn quá lớn đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Cha mẹ nên đảm bảo rằng phòng ngủ của trẻ tối, yên tĩnh và mát mẻ. Một chiếc chăn quấn hoặc túi ngủ thoải mái cũng có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn.

Vậy thiếu hoặc thừa vi chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ không?

Ngoài các yếu tố kể trên, thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất thiết yếu cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Vitamin D3 giúp cơ thể hấp thụ canxi, một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển xương và răng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin - hormone điều chỉnh giấc ngủ. Thiếu vitamin D3 có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc và quấy khóc vào ban đêm.

Một số quan ngại đã được đặt ra về khả năng thừa vitamin K2 gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định mối liên quan của tình trạng thừa vitamin K2 và các rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

Một trong số những nguyên nhân của tình trạng khó ngủ ở trẻ được cho là do thiếu các vi chất trên dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ. Bệnh có thể xuất hiện rất sớm ở trẻ ngay từ những tuần đầu sau sinh với các dấu hiệu ngủ kém, trằn trọc, ra mồ hôi trộm, tóc mọc ít, rụng tóc, chậm mọc răng, chậm phát triển chiều cao... Bổ sung vitamin D3 và vitamin K kịp thời sẽ giúp trẻ cải thiện nhanh chóng các dấu hiệu trên.    

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ, môi trường sống và yếu tố liên quan đến cha mẹ. Sự phát triển của hệ thống tự điều chỉnh, tính khí của trẻ, các vấn đề sức khỏe, sự lo lắng và căng thẳng của mẹ, cũng như hành vi của cha mẹ khi nuôi dạy trẻ đều có thể góp phần vào tình trạng trằn trọc và khó ngủ ở trẻ.

Cha mẹ có thể điều chỉnh một số yếu tố để giúp trẻ ngủ ngon hơn. Trong trường hợp bé yêu của bạn vẫn trằn trọc, khó ngủ, đừng ngại liên hệ ngay với bác sỹ.

Tài liệu tham khảo

1. Ragni, Benedetta & Capitello, Teresa & Gentile, Simonetta & Pons, Francisco & DE STASIO, SIMONA. (2022). Infant Temperament, Parental Depression and Sleep in Healthy Children and Children Born with Congenital Anomalies. Mediterranean Journal of Clinical Psychology. 10. 2022. 10.13129/2282-1619/mjcp-3231. 

2. Wang S, Cai Z, Gao G, Yan S. Correlation Between Maternal Anxiety During Mid-Pregnancy and Subsequent Infant Sleep Issues: A Cross-Sectional Study from 2015 to 2016. Int J Gen Med. 2024;17:623-633
https://doi.org/10.2147/IJGM.S445604

3. Margreet W. Harskamp–van Ginkel, Nicola L.E. Imkamp, Lieke van Houtum, Tanja G.M. Vrijkotte, Yassmina Ben Haddi-Toutouh & Mai J. M. Chinapaw (2023) Parental Discontent with Infant Sleep During the First Two Years of Life, Behavioral Sleep Medicine, 21:6, 727-740, DOI: 10.1080/15402002.2022.2156867

PGs. Ts. Nguyễn Xuân Ninh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - Theo Tổng hợp
Bình luận
Tin mới
  • 17/05/2025

    Chế độ ăn tham khảo với người mắc hội chứng thiên thần

    Tuy không có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào có thể chữa khỏi hội chứng thiên thần nhưng dinh dưỡng hợp lý có thể giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ, quản lý táo bón và hỗ trợ phát triển nhận thức.

  • 17/05/2025

    Thanh thiếu niên và tuổi dậy thì

    Dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đánh dấu sự chuyển đổi từ trẻ em sang người trưởng thành. Đây là giai đoạn cơ thể có nhiều thay đổi về mặt thể chất và tâm sinh lý, đặt nền móng cho sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng quát trong tương lai. Việc thấu hiểu những biến đổi này, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và xã hội, sẽ giúp thanh thiếu niên vượt qua giai đoạn dậy thì một cách an toàn và khỏe mạnh.

  • 16/05/2025

    Chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân lao hạch

    Bệnh lao hạch gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng ăn uống. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.

  • 16/05/2025

    Lý do bạn bị đầy hơi sau khi ăn salad

    Bạn có thể dùng salad như một bữa ăn lành mạnh hoặc món ăn kèm, nhưng salad có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa tùy thuộc vào thành phần của nó. Rau và trái cây sống là những thực phẩm có thể gây đầy hơi và chướng bụng do một số hợp chất và vi khuẩn, và chúng có thể là lý do tại sao bạn có thể bị đau bụng dữ dội sau khi ăn salad.

  • 15/05/2025

    5 lợi ích sức khỏe của quả lê và những kiêng kỵ khi ăn lê

    Quả lê không chỉ đơn thuần là một loại trái cây ngon mà còn là một vị thuốc tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.

  • 15/05/2025

    Bệnh lý mùa hè thường gặp

    Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để tận hưởng những ngày dài đầy nắng, tham gia các hoạt động ngoài trời và thư giãn. Tuy nhiên, nhiệt độ và độ ẩm cao trong mùa hè cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết các bệnh lý mùa hè phổ biến, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

  • 14/05/2025

    Chế độ ăn cho người bị chấy rận

    Chấy rận không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng có thể giúp tăng cường sức đề kháng, giảm ngứa ngáy và hỗ trợ quá trình điều trị chấy rận hiệu quả hơn.

  • 14/05/2025

    Lợi ích sức khỏe của ngải cứu

    Ngải cứu là loại rau cũng như phương thuốc được dùng phổ biến trong đời sống người dân. Mặc dù ngải cứu đã được sử dụng nhiều trong y học phương Đông với nhiều công dụng tuyệt vời trong suốt chiều dài lịch sử, tuy nhiên y học hiện đại chưa chứng minh được tất cả những lợi ích cổ truyền của ngải cứu. Cùng tìm hiểu về loại cây này qua bài viết sau đây!

Xem thêm