Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những lưu ý về COVID-19 và bệnh gan mạn tính

Một số nghiên cứu cho thấy những người có bệnh gan mạn tính mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người không có bệnh gan.

Bệnh COVID-19 đang là đại dịch trên toàn cầu và có xu hướng diễn tiến nặng hơn ở những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền mạn tính như các bệnh gan, thận, tim và phổi...

Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân mắc COVID-19

Các triệu chứng của mắc COVID-19 rất đa dạng, bao gồm: sốt, ớn lạnh, buồn ngủ, ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đặc biệt có thể bị mất khứu giác hoặc vị giác.

Ảnh hưởng của COVID-19 lên gan

COVID-19 gắn kết và xâm nhập vào tế bào đích thông qua men chuyển angiotensin 2 (ACE2) và men này hiện diện ở các tế bào biểu mô gan, tế bào ống mật. Do vậy, virus có thể xâm nhập vào các tế bào gan và ống mật.

Ở những người bệnh nhập viện mắc COVID-19, người ta ghi nhận có tình trạng tăng men gan, trong đó tăng AST và ALT được ghi nhận khoảng 14% đến 83% trường hợp nhưng thường tăng dưới 2 lần mức trên giá trị bình thường. Trong khi đó, tăng phosphatase kiềm và gamma glutamyl transferase (GGT) ít gặp hơn với tỉ lệ lần lượt là 6% và 21%.

Ngoài ra, bilirubin toàn phần có thể tăng ở mức độ nhẹ đến vừa. Tăng men gan phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, có thể do virus trực tiếp gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các thuốc được dùng để kiểm soát triệu chứng COVID-19 cũng có thể gây độc cho gan nhưng hiếm khi dẫn đến phải ngừng điều trị.

Tỷ lệ của tổn thương gan do thuốc (gồm remdesivir và tocilizumab) ở người bệnh COVID-19 là 25,4%.

Người bệnh COVID-19 có tăng men gan thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không có tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp COVID-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.

COVID-19 và xơ gan

Xơ gan là hậu quả của nhiều bệnh gan mạn tính, bao gồm viêm gan siêu vi, nghiện rượu, béo phì, đái tháo đường, các bệnh về đường mật và nhiều loại bệnh chuyển hóa hoặc di truyền…

PGS. TS. BS. Bùi Hữu Hoàng tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân.

Xác định nguyên nhân gan xơ và điều trị đúng nguyên nhân có thể ngăn ngừa tổn thương gan tiến triển nặng hơn và do đó giúp gan được ổn định, thậm chí là cải thiện tình trạng của người bệnh.Nếu không được điều trị, xơ gan có thể dẫn đến ung thư gan, suy gan và cuối cùng là tử vong.

Những người bị xơ gan, nhất là xơ gan mất bù, nếu mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với người bệnh không xơ gan. Do vậy, người bệnh xơ gan cần lưu ý, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh mắc COVID-19.

Ngoài ra, nếu không có sự điều chỉnh của bác sĩ điều trị, người bệnh xơ gan vẫn phải tiếp tục uống thuốc theo toa, không nên ngừng hoặc tự ý thay đổi thuốc, tiếp tục theo dõi và tầm soát ung thư gan theo đúng lịch trình nếu hoàn cảnh cho phép.

COVID-19 và viêm gan virus B, C

Ảnh hưởng của SARS-CoV-2 trên người bệnh nhiễm virus viêm gan B (HBV) và/hoặc virus viêm gan C (HCV) vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Những người bị viêm gan virus trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh phổi mạn tính, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim và bệnh thận có nguy cơ cao bị bệnh COVID-19 nặng hơn.

Tương tự như người bị xơ gan, người bị nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan C không nên ngừng hoặc thay đổi các loại thuốc đã được kê toa trừ khi bác sĩ điều trị điều chỉnh thuốc. Ngừng hoặc thay đổi thuốc có thể gây bùng phát bệnh gan hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

COVID-19 và gan nhiễm mỡ

Bản thân gan nhiễm mỡ có liên quan chặt chẽ đến hội chứng chuyển hóa (béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp) và các đặc điểm của hội chứng chuyển hóa chính là những yếu tố nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19.

COVID-19 và bệnh gan do rượu

Uống rượu nhiều gây tổn thương gan và làm giảm khả năng tạo ra các tế bào cần thiết cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh của tủy xương. Ở những người đã ngừng uống rượu và không bị xơ gan, bệnh gan do rượu không phải là một yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 nặng.

Tuy nhiên, ở những người bị xơ gan do rượu hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nguy cơ mắc COVID-19 diễn tiến nặng đặc biệt cao, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong gia tăng.

COVID-19 và bệnh gan do tự miễn

Bệnh gan do tự miễn bao gồm viêm gan tự miễn (AIH), viêm đường mật xơ hóa nguyên phát (PSC) và xơ gan mật nguyên phát (PBC).Bệnh gan tự miễn không phải là một yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 hoặc làm cho bệnh diễn tiến nặng.

Tuy nhiên, những người có bệnh gan tự miễn bị xơ gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ có nguy cơ cao bị bệnh COVID-19 nặng hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong cũng như những trường hợp xơ gan do các nguyên nhân khác.

COVID-19 và bệnh ung thư gan

Hầu hết người bệnh ung thư gan đều có xơ gan. Tương tự như người bệnh xơ gan, người bệnh ung thư gan mắc COVID-19 cũng có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong cao.

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Những người bệnh này cần được đánh giá đa chuyên khoa nhằm đảm bảo chăm sóc và điều trị tối ưu. Do vậy, không nên trì hoãn hoặc ngưng điều trị do dịch COVID-19.

Vấn đề tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở người bệnh gan mạn tính

Hiện nay, có nhiều loại vắc xin phòng ngừa COVID-19 tương đối an toàn và đạt hiệu quả cao. Theo khuyến cáo, mọi người trên 18 tuổi nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, riêng vắc xin Pfizer-BioNTech đã được Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép tiêm cho người ≥ 12 tuổi.

Các vắc xin ngừa COVID-19 đều được phê duyệt và cấp phép sử dụng khẩn cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch nên vẫn chưa có đủ dữ liệu khoa học để kết luận chính xác vắc xin nào hiệu quả hơn vaccine nào nhưng điều quan trọng nhất là tất cả các vắc xin đều có khả năng hạn chế mức độ lây lan, giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Tất cả những người bệnh mắc bệnh gan mạn tính đều phải được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ngay cả những người bệnh bị xơ gan mất bù, ung thư gan.... Đối với những người bệnh ghép gan vẫn có chỉ định chủng ngừa vắc xin COVID-19 khi tình trạng chức năng gan ổn định sau ghép, chỉ trì hoãn tiêm ngừa khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.

Hiện nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 gây tác hại ở nhóm người bệnh gan mạn tính. Không nên từ chối hoặc trì hoãn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì lo ngại về hiệu quả hay tính an toàn của vắc xin khi mắc bệnh gan mà ngược lại qua các dữ liệu cho thấy khi người bệnh gan mạn tính mà bị nhiễm thêm COVID-19 sẽ làm cho bệnh gan tiến triển nặng hơn, dễ tử vong hơn.

Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm vắc xin.

Lời khuyên cho người bệnh gan mạn để bảo vệ sức khỏe trong đại dịch

Nếu người bệnh hiện đang điều trị viêm gan virus B hoặc C, xơ gan hoặc các bệnh gan mạn tính khác, phải tiếp tục uống thuốc như đã được kê toa. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi dừng bất kỳ loại thuốc nào. Hãy đảm bảo có đủ thuốc tại nhà để hạn chế các chuyến đi không cần thiết đến dịch vụ y tế hoặc nhà thuốc.

Cách tốt nhất để tránh COVID-19 là tránh phơi nhiễm với virus gây bệnh. Ngay cả sau khi đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19, vẫn nên tiếp tục thực hiện các bước để bảo vệ bản thân bao gồm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, tránh đám đông và những nơi thông gió kém.

Ngoài ra, cố gắng duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành, ăn thực phẩm lành mạnh, ngủ đều đặn, tránh uống rượu bia...

Đây vẫn là các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch. Tiêm ngừa COVID-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh gan mạn tính không bị mắc bệnh COVID-19 nặng. Những người mắc bệnh gan mạn tính cũng cần chủng ngừa bệnh viêm gan virus A, viêm gan virus B, cúm và bệnh nhiễm phế cầu khuẩn.

Các hướng dẫn hiện nay khuyên người bệnh nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cách các loại vắc xin  khác ít nhất 2 tuần.Cuối cùng, khi có các biểu hiện nghi mắc COVID-19 hoặc có tiếp xúc với người bị mắc COVID-19, hãy liên hệ ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí thích hợp.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Vaccine COVID-19 với người mắc bệnh mạn tính.

PGS TS BS. Bùi Hữu Hoàng, ThS. BS. Phan Thế Sang – Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Theo alobacsi.com
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm