Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguyên nhân gây suy thai và điều trị

Suy thai là tình trạng em bé không nhận đủ khí oxy trong tử cung. Tình trạng này khác với tình trạng bị ngạt khi sinh, là khi em bé không nhận đủ khí oxy trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Suy thai thường dựa vào các bất thường về nhịp tim của em bé. Suy thai thường sẽ được chẩn đoán trước sinh hoặc trong khi sinh, trong khi ngạt khí sẽ chỉ được chẩn đoán sau khi em bé được sinh ra.

Suy thai là gì?

Suy thai là tình trạng xảy ra do các bất thường trong quá trình mang thai và sinh con, dẫn đến em bé bị thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy này đôi khi sẽ dẫn đến các bất thường về tim thai và thậm chí là tử vong.

Nguyên nhân gây suy thai

Suy thai thường xảy ra nếu bạn đã mang thai quá ngày dự sinh hoặc do các biến chứng liên quan đến mang thai hoặc chuyển dạ. Các nguyên nhân gây suy thai bao gồm:

  • Tăng huyết áp hoặc tiền sản giật: có thể ảnh hưởng đến chức năng của bánh rau bằng cách giảm nồng độ oxy và dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi
  • Quá ít nước ối: tăng nguy cơ chèn ép dây rốn, từ đó làm giảm lưu lượng máu, oxy và chất dinh dưỡng tới bào thai
  • Mẹ bị thiếu máu hoặc tụt huyết áp do mất nước vì nôn, tiêu chảy có thể gây suy thai
  • Chèn ép dây rốn hoặc sa dây rốn có thể là nguyên nhân gây thiếu oxy tới bào thai, dẫn đến suy thai
  • Tách nhau thai sớm ra khỏi thành tử cung
  • Mẹ mắc bất cứ bệnh mạn tính nào dưới đây: tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh thận. Những nguyên nhân này đều là những nguyên nhân nội sinh, nghĩ là bạn nên theo dõi những thay đổi từ bên ngoài của bạn để xem xem liệu thai có bị suy thật hay không.

Dấu hiệu và triệu chứng suy thai

Em bé có nhịp tim ổn định sẽ đáp ứng lại với các kích thích từ bên ngoài. Do vậy, phụ nữ đang mang thai nên theo dõi số lần đạp trong ngày của em bé, đặc biệt là sau 3 bữa chính. Nếu tổng số lần đạp là trên 10 lần một ngày là bình thường. Giảm chuyển động của thai nhi có thể là dấu hiệu cảnh báo và bạn cần được bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ.

Thai nhi cũng có thể có dấu hiệu suy thai ở bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 của quá trình chuyển dạ. Tình trạng này sẽ được bác sĩ kiểm soát thông qua việc siêu âm hoặc đo tim thai. Suy thai có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Giảm chuyển động của thai nhi
  • Nhịp tim thai dưới 110 trong vòng 10 phút hoặc nhiều hơn (nhịp tim thai bình thường sẽ dao động từ 110 đến 160 nhịp/phút)
  • Nhịp tim thai trên 160 kéo dài trên 10 phút
  • Tim thai đập chậm (nhịp tim thai giảm đột ngột) hoặc giảm tim thai chập (nhịp tim thai giảm thoáng qua sau khi cơn co tử cung đạt đỉnh).
Điều trị và kiểm soát tình trạng suy thai

Bác sĩ sản khoa sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng suy thai trong những lần khám thai. Nếu bác sĩ nhậnt hấy có dấu hiệu suy thai, bạn sẽ được can thiệp cần thiết. Các biện pháp can thiệp và kiểm soát sẽ phụ thuộc vào tuổi thai, nguyên nhân suy thai và tình trạng của mẹ.

Mục đích chính của việc điều trị suy thai là để cải thiện nồng độ oxy đến em bé. Thông thường, hồi sức trong tử cung sẽ được thực hiện nhằm mục đích này. Ngoài ra, có thể cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

  • Thở oxy để đảm bảo đủ oxy cung cấp cho em bé
  • Truyền dịch để làm tăng lượng nước ối của mẹ
  • Thay đổi tư thế của mẹ trong quá trình chuyển da hoặc chuẩn bị chuyển dạ, tốt nhất là ở tư thế nằm nghiêng trái để làm giảm áp lực lên các mạch máu tới nuôi dưỡng thai nhi.
  • Sử dụng thuốc chống co thắt hoặc ức chế chuyển dạ (Tocolysis) nếu tình trạng suy thai là do tử cung bị kích thích quá mắc hoặc co thắt quá mức.

Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện tình trạng suy thai, các biện pháp can thiệp sâu hơn sẽ được tiến hành phụ thuộc vào giai đoạn chuyển dạ:

  • Trong giai đoạn đầu chuyển dạ: nếu nhịp tim thai không ổn định kể cả sau khi đã hồi sức trong tử cung, bác sĩ sẽ khám vùng bụng để đánh giá trương lực và tình trạng co thắt tử cung và âm đạo, đồng thời đánh giá độ mở cổ tử cung. Trong quá trình này, bác sĩ cũng sẽ xem xem dây rốn có bị sa xuống không. Nếu tình trạng em bé nguy hiểm nhưng tim thai vẫn chưa ổn định, có thể sẽ cần mổ lấy thai cấp cứu
  • Trong giai đoạn 2 của quá trình chuyển dạ: nếu cổ tử cung đã giãn ra hoàn toàn và em bé sắp sinh, giác hút hoặc forcep có thể sẽ được sử dụng. Nếu không, cũng sẽ cần phải mổ lấy thai cấp cứu

Những câu hỏi thường gặp

1/ Em bé nấc ở trong bụng có phải là dấu hiệu suy thai không?

Em bé nấc ở trong bụng là một dấu hiệu rất bình thường và cho thấy em bé đang khoẻ mạnh và phát triển bình thường. Rất hiếm khi nấc là dấu hiệu bất thường của thai kỳ hoặc em bé.

2/ Tại sao xuất hiện phân su lại là dấu hiệu suy thai?

Một trong những dấu hiệu suy thai có thể nhận thấy được là xuất hiện phân su trong nước ối, nhưng không phải lúc nào đây cũng là dấu hiệu suy thai vì đó cũng có thể là dấu hiệu của em bé già tháng. Thông thường phân su nhiều cũng là vấn đề đáng lo ngại vì có thể sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp của trẻ.

Mặc dù suy thai là tình trạng nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được và bạn vẫn có cơ hội sinh ra một em bé khoẻ mạnh. Đừng quá lo lắng nếu bác sĩ phát hiện ra tình trạng suy thai, bởi vẫn có những cách giúp cả bạn và em bé đều khoẻ mạnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Khoảng cách lý tưởng để sinh con là bao lâu?

Bình luận
Tin mới
  • 18/09/2024

    Mỗi phút tiếp xúc ánh sáng xanh phá hủy hàng triệu tế bào nhãn cầu

    Công nghệ xâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống khiến hầu hết trẻ em ngày nay dành hàng giờ liền trước các thiết bị số như điện thoại, tivi và máy tính bảng.

  • 18/09/2024

    Nên bắt đầu cho trẻ tập luyện thể thao như thế nào?

    Bất cứ độ tuổi nào cũng cần tập luyện thể thao vì tập luyện thể thao mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Trẻ em có thể bắt đầu tập luyện thể thao từ rất sớm để hình thành thói quen tập luyện hàng ngày cho trẻ.

  • 17/09/2024

    Ngủ 6 tiếng mỗi ngày có được coi là đủ?

    Việc cắt bớt thời gian ngủ có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

  • 17/09/2024

    Giải mã những hiểu lầm về Vitamin K2

    Vitamin K2, còn được gọi là menaquinone, là một loại vitamin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương và tim mạch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu lầm xung quanh tác dụng của vitamin này.

  • 16/09/2024

    Làm thế nào để tăng cường khả năng ghi nhớ?

    Việc mắc kẹt trong thói quen lặp đi lặp lại có thể khiến chức năng nhận thức, ghi nhớ bị suy giảm.

  • 16/09/2024

    7 cách phòng ngừa tăng huyết áp

    Huyết áp cao, còn được gọi là tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tăng huyết áp có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận, cùng nhiều nguy cơ sức khỏe khác.

  • 15/09/2024

    5 thói quen làm suy yếu hệ miễn dịch

    Một số thói quen tưởng chừng lành mạnh lại có thể âm thầm làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng xấu tới sức đề kháng và sức khỏe nói chung.

  • 15/09/2024

    Bổ sung vitamin K đúng cách cho trẻ em

    Vitamin K, cùng với các vitamin A, D, E là các vitamin tan trong dầu, đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe trẻ em. Nếu như đối với các vitamin khác, hầu hết phụ huynh đều có ý thức bổ sung cho trẻ thông qua chế độ ăn và sử dụng các loại thực phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ, thì với vitamin K, đặc biệt là vitamin K2, nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn về việc có nên bổ sung vitamin K cho trẻ hay không và bổ sung như thế nào cho hợp lý?

Xem thêm