Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ xảy ra khá phổ biến với khoảng 12% ở thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng. May mắn là phần lớn các trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh (tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau khi sinh).
Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít thông báo cho mẹ bầu biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trừ trường hợp nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng bé.
Vậy nhưng tại sao thai nhi lại hay bị dây rốn quấn cổ? Dây rốn thường có chiều dài trung bình khoảng 50-60cm. Dây rốn càng dài càng làm gia tăng nguy cơ quấn quanh cổ, tay, chân của thai nhi hoặc bị thắt nút. Khi trẻ chuyển động, đá, đạp… bên trong bụng mẹ sẽ tăng nguy cơ bị dây rốn quấn cổ, tay, chân…
Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng này không gây nguy hiểm nhưng trong trường hợp hiếm gặp, khi dây rốn thắt quá chặt có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, suy thai và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi dẫn đến việc sinh nở khó khăn hơn.
Vậy mẹ bầu có thể làm gì để phòng ngừa nguy cơ thai nhi bị dây rốn quấn cổ?
1. Tập thể dục đúng cách
Việc tập thể dục khi mang thai là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích tích cực, tuy nhiên các chuyên gia khuyên mẹ bầu tuyệt đối không được tập thể thao quá sức. Thay vào đó, chị em nên lựa chọn những bài tập phù hợp cho bà bầu như bơi lội, đi bộ, tập yoga…
Ngoài ra, nếu đã ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu nên tham khảo những bài tập giúp dễ sinh nở để việc sinh con được dễ dàng.
2. Ngủ nghiêng bên trái
Bên cạnh việc cẩn trọng khi tập luyện, bà bầu cũng cần chú ý đến tư thế ngủ. Các chuyên gia luôn khuyên mẹ bầu nên ngủ nghiêng sang trái sẽ tốt hơn cho việc lưu thông máu, thai nhi ít bị chèn ép cũng sẽ giảm nguy cơ bị dây rốn quấn cổ.
3. Thường xuyên đếm chuyển động của thai nhi
Mẹ bầu nên tạo thói quen tự đếm chuyển động của thai nhi hàng ngày. Việc nắm được chuyển động của em bé sẽ giúp mẹ biết bé có đang phát triển bình thường và khỏe mạnh hay không.
Thai nhi chuyển động quá ít hoặc quá nhiều đều là những dấu hiệu em bé trong bụng mẹ đang có vấn đề vì vậy mẹ cần đi khám bác sĩ sớm. Mẹ có thể tham khảo cách đếm chuyển động của thai nhi như sau:
- Mỗi buổi sáng, trưa, tối, mẹ nên dành thời gian đếm cử động của bé sau mỗi bữa ăn vì mức đường huyết sau bữa ăn cao, thai nhi cũng sẽ tràn đầy năng lượng và hoạt động nhiều hơn. Thời gian đếm tốt nhất là từ 8-9h, 13-14h và 20-21h.
- Khi đếm chuyển động của thai nhi, mẹ hãy ngồi yên hoặc nằm nghiêng, đếm trong vòng 1 giờ mỗi lần, sau đó nhân số lần chuyển động của 3 lần với 4 giờ sẽ được tổng cộng số chuyển động của bé trong 12 giờ.
4. Khám thai đúng lịch hẹn
Phụ nữ mang thai cần thường xuyên kiểm tra và khám thai kịp thời, đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để hiểu rõ tình trạng thể chất của chính mình và của em bé trong bụng.
Việc đi khám thai thường xuyên sẽ giúp bác sĩ phát hiện kịp thời những bất ổn nếu có như tình trạng dây rốn quấn cổ nhiều vòng để tìm ra những biện pháp xử lý kịp thời.
Tham Khảo thông tin tại bài viết: Tại sao mẹ bầu bỗng dưng “mất trí nhớ”