Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mỡ nội tạng tốt hay xấu?

Chất béo là thành cơ thể không thể thiếu, nhưng không phải tất cả chất béo đều mang đến những lợi ích cho sức khỏe như nhau. Mỡ nội tạng là một loại chất béo trong cơ thể được lưu trữ trong khoang bụng, và rất nhiều người thắc mắc rằng chúng có gây hại gì cho cơ thể hay không?

Mỡ nội tạng là một dạng chất béo có nhiều ở một số cơ quan quan trọng, bao gồm:

  • Gan
  • Dạ dày
  • Ruột
  • Và đặc biệt cũng có thể tích tụ trong động mạch.
Mỡ nội tạng đôi khi được gọi là “chất béo hoạt động” vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn thấy mình đang có một ít mỡ bụng, đó không nhất thiết là mỡ nội tạng. Mỡ bụng còn có thể là mỡ dưới da. Loại mỡ dưới da cũng có ở tay và chân, và chúng dễ nhìn thấy hơn so với ở bụng. Đối với mỡ nội tạng, chúng thực sự nằm bên trong khoang bụng và bạn không dễ gì nhìn thấy được.

Cách xác định mỡ nội tạng

Cách duy nhất để xác định mỡ nội tạng là chụp CT (cắt lớp vi tính) hoặc MRI (cộng hưởng từ). Tuy nhiên, đây là những phương pháp tốn kém và mất nhiều thời gian. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng một số cách khác để đánh giá lượng mỡ này cũng như những rủi ro sức khỏe mà nó gây ra cho cơ thể.

Theo nghiên cứu, khoảng 10% lượng mỡ tổng thể trong cơ thể là mỡ nội tạng. Nếu bạn biết lượng mỡ cơ thể là bao nhiêu, bạn có thể ước lượng được mỡ nội tạng bằng cách nhân thêm 10%.

Một cách khác dễ dàng xác định xem bạn có thể có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng mỡ nội tạng hay không chính là đo vòng eo. Theo nghiên cứu đối với người Việt Nam, nếu phụ nữ có vòng eo từ 80 centimet trở lên sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe. Đối với nam giới, con số này là từ 90 centimet trở lên.

Tỷ số eo/hông (WHR – Waist-Hip ratio)

Bạn có thể tính toán tỉ lệ eo/hông tại nhà một cách dễ dàng. Để tính tỉ số WHR, bạn làm theo các bước sau:

  • Đứng thẳng, tìm phần nhỏ nhất của eo (nó thường nằm ngay trên rốn) và đo vùng eo nhỏ nhất này. Đây là số đo chu vi vòng eo của bạn.
  • Tìm phần hông hoặc mông lớn nhất và đo. Đây là số đo chu vi vòng hông của bạn.
  • Chia chu vi vòng eo cho chu vi vòng mông. Đây chính là tỉ số WHR.

Theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), tỉ số eo/hông ở nữ trên 0.85 và nam trên 0.90 được coi là béo bụng. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các bệnh chuyển hóa khác.

Tỷ số eo/chiều cao (WHtR - Waist-height ratio)

Bạn cũng có thể sử dụng tỷ lệ vòng eo-chiều cao (WHtR). Theo nghiên cứu, tỉ số WHtR đặc biệt hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường type-1.

Các chuyên gia phát hiện ra rằng tỉ số WHtR được coi là một thước đo đáng tin cậy hơn so với tỉ số WHR (Waist-Hip ratio – tỉ số eo/hông), chỉ số khối cơ thể (BMI) và chỉ số hình dạng cơ thể (ABSI). Tất nhiên, việc có vòng eo lớn hơn cũng sẽ có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ mỡ nội tạng cao.

Để tính WHtR, bạn chỉ cần chia chu vi vòng eo của bạn cho chiều cao của bạn. Bạn có thể đo bằng inch hoặc bằng cm, miễn là đo vòng eo và chiều cao của mình với cùng một dạng đơn vị.

Theo các chuyên gia, tỉ số lý tưởng của WHtR là dưới 0.5.

Mỡ nội tạng có thể gây ra các biến chứng gì?

Mỡ nội tạng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nó có thể làm tăng tình trạng kháng insulin của cơ thể, ngay cả khi bạn chưa từng mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỡ nội tạng đóng góp phần chống lại insulin. Nguyên nhân là do mỡ nội tạng tiết ra protein liên kết retinol-4 (RBP4) - một loại protein làm tăng khả năng kháng lại insulin của cơ thể.

Mỡ nội tạng cũng có thể làm tăng huyết áp một cách nhanh chóng. Và điều quan trọng nhất, mỡ nội tạng dư thừa quá nhiều làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Đau tim và bệnh tim
  • Bệnh tiểu đường type-2
  • Đột quỵ
  • Ung thư vú
  • Ung thư đại trực tràng
  • Bệnh Alzheimer

Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

Mỡ nội tạng có thể dễ dàng điều chỉnh bằng cách luyện tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh và thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống giúp duy trì cân nặng ở mức vừa phải.

  1. Các bài tập thể dục

Nếu có thể, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy tập các bài tập tim mạch lẫn các bài tập sức mạnh. Có thể kể đến các bài tập như đạp xe, chạy bộ,… Các bài tập sức bền sẽ từ từ đốt cháy lượng calo hơn theo thời gian khi cơ bắp khỏe hơn và kéo theo tiêu hao nhiều năng lượng hơn.

Các chuyên gia khuyên bạn nên tập các bài tập tim mạch ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Bài tập sức mạnh có thể tập 3 lần trong tuần.

  1. Chế độ ăn

Chế độ ăn là cực kỳ quan trọng, và bạn cần duy trì chế độ ăn lành mạnh và cân bằng.

Bạn nên giảm các thực phẩm chế biến sẵn, giảm đường. Chế độ ăn giảm carbohydrate như keto có thể phù hợp với bạn.

  1. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Hormone căng thẳng – Cortisol có thể gây ra tình trạng tăng lượng mỡ nội tạng cho cơ thể. Do vậy, bạn nên tránh, giảm bớt tình trạng căng thẳng của bản thân. Các bài tập hít thở sâu, ngồi thiền có thể hữu ích trong tình huống này.

Tổng kết

Mỡ nội tạng không nhìn thấy được, vì vậy chúng ta không phải lúc nào cũng biết nó nằm ở chính xác vị trí nào và cũng không nhìn thấy một cách trực quan. Điều này làm cho tình trạng dư thừa mỡ nội tạng trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Duy trì một lối sống lành mạnh, năng động, ít căng thẳng và ăn uống cân bằng hợp lý chính là các yếu tố giúp ngăn ngừa hình thành mỡ nội tạng tích tụ và giảm thiểu các nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tham khảo thêm thông tin tại: Bạn biết gì về phân bố mỡ của cơ thể?

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm