Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mang thai ở độ tuổi 35

Mọi người vẫn thường nói tuổi tác chỉ là những con số. Nhưng khi bạn dự định mang thai và muốn một thai kì khỏe mạnh thì tuổi của bạn lại là một yếu tố cần được quan tâm.

Mang thai ở độ tuổi 35

Bạn hãy yên tâm rằng hầu hết những phụ nữ khỏe mạnh có thai sau tuổi 35 hay thậm chí ở độ tuổi 40 thì con của họ cũng khỏe mạnh. Nhưng, nếu bạn có ý định sinh con ở độ tuổi 35 trở đi, hãy tìm hiểu thật kỹ những giải pháp dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Kiểm tra sức khỏe và hỏi ý kiến bác sỹ trước mang thai

Khi bạn quyết định rằng bạn đã sẵn sàng để có con, hãy đi khám bác sĩ để chắc chắn mình có đủ sức khoẻ để mang thai. Bác sỹ sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn, tư vấn cho bạn để chuẩn bị tốt nhất về tâm lý và sức khỏe để mang thai.

Khám thai sớm và thường xuyên

8 tuần đầu của thai kỳ rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Do vậy, bạn nên đi khám ngay khi trễ kinh 1 tuần hoặc thử thai dương tính bằng que thử thai tại nhà. Chăm sóc trước sinh sớm và thường xuyên đảm bảo một thai kì an toàn và sức khỏe tốt cho mẹ và bé. Chăm sóc trước sinh bao gồm siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán trước sinh, khám sức khoẻ định kỳ, cung cấp thông tin giáo dục cho bà mẹ khi mang thai và sinh con...

Việc chăm sóc trước khi sinh đặc biệt cần thiết khi phụ nữ trên 35 tuổi, giúp phát hiện những vấn đề sức khỏe thường xảy ra khi phụ nữ lớn tuổi mang thai. Ví dụ tuổi tác của bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường liên quan thai kỳ và tiền sản giật, một tình trạng gây ra huyết áp cao cùng với protein trong nước tiểu. Khi tiến hành thăm khám bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của bạn cũng như kiểm tra protein niệu và đường máu. Các vấn đề sức khỏe bất thường nào cũng sẽ được phát hiện sớm và xử lí. Ngoài ra các bác sỹ có thể còn yêu cầu làm các test kiểm tra dị tật thai nhi ở các phụ nữ mang thai lớn tuổi như Double Test hay Triple Test..

Bổ sung vitamin trong thời kỳ mang thai

Tất cả phụ nữ mang thai được khuyến cáo dùng hàng ngày ít nhất 400 microgram axit folic. Cung cấp đủ axit folic mỗi ngày trước và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa các khiếm khuyết ở hệ thần kinh của bé. Dùng axid folic làm tăng mức độ bảo vệ đối với phụ nữ lớn tuổi, những người có nguy cơ cao có con bị dị tật bẩm sinh. Trên thực tế, một số phụ nữ cần hơn 400 mcg axit folic để bảo vệ bé khỏi các dị tật bẩm sinh. Không nên uống nhiều hơn 1.000 mcg (1 mg) mỗi ngày và chỉ sử dụng theo kê đơn của bác sỹ với bất kì loại thuốc hay vitamin nào trong thai kì.

Làm thế nào tôi có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề mang thai?

Hãy nhớ rằng nếu bạn khỏe mạnh thì em bé của bạn cũng sẽ khỏe mạnh. Chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như đề phòng và phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tiểu đường và tăng huyết áp liên quan đến mang thai.

Hãy đi khám sức khỏe sinh sản định kì. Nếu mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp, hãy thường xuyên đi khám để bác sỹ sẽ điều trị và kiểm soát tốt các tình trạng này khi bạn mang thai.

Ngoài ra đừng quên chăm sóc sức khỏe răng miệng bởi vì răng và lợi khỏe mạnh làm giảm nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng các thành phần dinh dưỡng

Ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ cung cấp cho bạn các chất dinh dưỡng cần thiết. Hãy ăn nhiều trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, thịt nạc, và các sản phẩm sữa ít chất béo. Bạn nên ăn uống sữa và các thực phẩm giàu canxi khác mỗi ngày để giữ cho răng và xương khỏe mạnh cũng như đảm bảo cho sự phát triển của bé.

Ngoài ra hãy ăn các loại thực phẩm bổ sung axit folic như rau xanh lá (cải, súp lơ…), đậu khô, gan, và một số loại trái cây có múi (cam, quýt, bưởi...)

Đạt được cân nặng cơ thể hợp lý

Tham khảo ý kiến bác sỹ về cân nặng lí tưởng của bạn. Các phụ nữ có chỉ số BMI bình thường nên tăng từ 11 đến 16 kg trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn thừa cân trước khi mang thai, bác sỹ có thể khuyến nghị bạn chỉ tăng 7 đến 11 kg  Các bà mẹ béo phì chỉ nên tăng 5 đến 9 kg.

Đạt được cân nặng hợp lý làm giảm nguy cơ bé chậm phát triển và sinh non. Đồng thời cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và huyết áp cao của mẹ trong thai kì.

Luyện tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng và duy trì được cân nặng lí tưởng khi mang thai. Hãy thảo luận với bác sỹ để tìm ra chương trình tập luyện phù hợp với phụ nữ mang thai.

Không hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn

Tất cả phụ nữ mang thai đều không nên sử dụng đồ uống có cồn hoặc hút thuốc trong thời kỳ mang thai. Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc các khiếm khuyết về thể chất và tinh thần ở thai nhi. Hút thuốc có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi. Không hút thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật

Sử dụng thuốc thận trọng khi mang thai

Hỏi ý kiến bác sỹ về các loại thuốc bạn sử dụng có an toàn khi mang thai và cho con bú. Không chỉ là các thuốc Tây y bán theo đơn mà cả thực phẩm chức năng cũng như các bài thuốc dân gian.

 Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cuộc sống sau khi sinh của mẹ như thế nào?

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm