10 nguyên nhân gây cảm giác đầy bụng
Nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn có cảm giác no dù không ăn một miếng thức ăn nào. Dưới đây là 10 nguyên nhân có thể.
Loét dạ dày: Vùng bụng trên (thượng vị) đau, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đau từng cơn lúc đói hoặc vào ban đêm. Bệnh nhân có thể buồn nôn, đầy bụng, chậm tiêu. Những vết loét này phát sinh khi axit dạ dày gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân có thể do dùng các thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen và aspirin, làm tăng nguy cơ loét dạ dày. Viêm loét dạ dày cũng có thể do nhiễm khuẩn H. Polori, do stress, yếu tố tiết thực trong đó rượu có một phần vai trò.
Liệt dạ dày (Gastroparesis): là tình trạng tê liệt một phần dạ dày, kết quả là thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường. Thông thường dạ dày co thắt để tống thức ăn xuống ruột non để tiêu hóa và dây thần kinh phế vị điều khiển hoạt động co thắt này. Liệt dạ dày xảy ra khi các dây thần kinh phế vị bị hư hỏng, các cơ của dạ dày và ruột hoạt động không bình thường. Hậu quả là thức ăn di chuyển chậm hoặc dừng lại gây cảm giác đầy bụng. Nguyên nhân phổ biến gây liệt dạ dày là do phẫu thuật và các bệnh như tiểu đường, xơ cứng bì, Parkinson, suy giáp, hoặc sử dụng thuốc. Liệt dạ dày có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong dạ dày ruột và sự dao động của đường huyết.
Khó tiêu: Chứng khó tiêu thường là dấu hiệu của một hay nhiều vấn đề tiềm ẩn, như là trào ngược dạ dày - thực quản, viêm loét dạ dày, viêm tụy mạn tính, sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài... Những người thường xuyên uống bia rượu, sử dụng các loại thuốc kích thích dạ dày (như aspirin)... có nhiều nguy cơ mắc phải chứng khó tiêu. Các triệu chứng bao gồm cảm giác no, đầy hơi, đau, nóng rát, buồn nôn, nôn, ợ hơi,... Khi gặp chứng khó tiêu, cần nhất là đi khám để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời các bệnh tiềm ẩn.
Bệnh gan: Do vai trò quan trọng của gan đối với sức khỏe nói chung, mắc bệnh về gan được coi là nghiêm trọng. Bệnh gan có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, vàng da (do ứ mật), ngứa, đầy bụng (cảm thấy no dù không ăn), chán ăn, nước tiểu sẫm màu, phân bạc, dễ chảy máu, mệt mỏi... Bệnh lý ở gan có thể do virus, do uống nhiều rượu, ung thư gan... gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Đầy hơi: Chứng đầy hơi thường là loại bệnh chức năng, không do tổn thương thực thể như viêm loét dạ dày tá tràng, khối u hay hẹp tắc ruột. Chứng đầy hơi là do hiện tượng tích tụ hơi trong dạ dày, xảy ra do thói quen ăn uống nhiều tinh bột, các loại thức ăn chứa nhiều sorbitol, thói quen nhai kẹo cao su, thiếu hụt enzyme lactase, suy tuyến tụy. Chứng đầy hơi biểu hiện như ợ hơi nhiều lần, cảm giác khó chịu mỗi khi ợ hơi và nóng rát vùng họng. Nặng hơn nữa có thể gây ra đau bụng, đau thắt ngực, triệu chứng này nổi bật sau khi ăn. Hơi tích lũy trong bụng có thể gây trướng bụng, trung tiện nhiều hoặc không tự chủ.
Biến động nội tiết: Điều này rất phổ biến đối với những phụ nữ đang trong giai đoạn đầu của thai kỳ, hoặc những người ở giai đoạn tiền kinh nguyệt của chu kỳ hàng tháng. Trong thời gian này, nồng độ progesterone tăng cao, có thể gây ra sự chậm vận động trong ruột, khiến thời gian tiêu hóa thức ăn dài hơn, có thể gây đầy hơi, táo bón và cảm giác no.
Ung thư buồng trứng: Loại ung thư này có thể khó phát hiện do tính chất mơ hồ của các triệu chứng của nó. Những triệu chứng này bao gồm đầy bụng, đầy hơi và/hoặc đau bụng thường xuyên rất dễ nhầm lẫn với chứng khó tiêu hoặc các vấn đề tiêu hóa khác. Nếu bạn có một hoặc hơn một trong số các triệu chứng này tồn tại dai dẳng, thì nên đi khám ngay để phát hiện bệnh sớm.
Táo bón: Táo bón thường được xác định khi chỉ có 3 lần đại tiện hoặc ít hơn trong vòng một tuần. Khi đại tiện, phân khô và cứng. Táo bón là rất phổ biến và thường không có gì phải lo lắng, mặc dù có thể gây ra nhiều khó chịu. Táo bón thông thường có thể tránh được bằng cách ăn nhiều chất xơ có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như bánh mì nguyên hạt, gạo lức, rau, trái cây, yến mạch và các loại hạt, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên.
Bệnh Celiac: là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch, dẫn đến viêm và bất sản niêm mạc ruột non. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi với các triệu chứng liên quan tình trạng kém hấp thu như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, tiêu phân mỡ, suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Ngoài ra còn có thể gặp các biểu hiện bệnh lý miễn dịch thứ phát.
Hội chứng ruột kích thích - một trong những nguyên nhân gây cảm giác đầy bụng.
Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được xác định. Tình trạng này ảnh hưởng đến đại tràng của người bệnh, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau co thắt... Mặc dù các triệu chứng khá nghiêm trọng, nhưng trong hầu hết các trường hợp không có tổn thương nào đáng lo ngại và tình trạng này thường có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống.
Làm gì khi không ăn mà vẫn thấy no?
Trước khi đến bác sĩ khám bệnh, để tránh sự xuất hiện của cảm giác này và tình trạng tiềm ẩn có thể gây ra nó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản như sau:
Đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, nhai thức ăn đúng cách trước khi nuốt, ăn chậm, tránh nuốt không khí khi nuốt thức ăn và ăn các bữa ăn nhỏ chia ra trong suốt cả ngày, tránh ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa ăn.
Cần tránh uống rượu, hút thuốc lá, thức ăn cay, trà hoặc cà phê, đồ uống có ga (đặc biệt là khi ăn). Tránh đi nằm hoặc ngủ ngay sau bữa ăn.
Nếu các triệu chứng không hết sau một thời gian thử các cách trên, nên đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và được chẩn đoán đúng các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, giúp cho việc điều trị được kịp thời và chính xác.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Viêm bàng quang kẽ và hội chứng ruột kích thích.
Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ tuổi mãn kinh không chỉ dẫn đến các triệu chứng được nhiều người biết đến như bốc hoả, thay đổi tâm trạng,…mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng. Một số ít có thể là biểu hiện của bệnh lý, cần được điều trị đặc biệt.
Một nghiên cứu mới cho thấy, ngay cả khi bạn hút thuốc lá điện tử không chứa nicotine vẫn có tác động tiêu cực đến lưu lượng máu của cơ thể.
Khi bạn già đi, làn da cũng như các cơ quan khác sẽ bị lão hóa như một lẽ tự nhiên. Hãy cùng nhau tìm hiểu những điều xảy ra với làn da khi già đi qua bài viết dưới đây.
Tiêu hóa là một chức năng vô cùng quan trọng đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể trong mọi giai đoạn, đặc biệt là năm đầu tiên của cuộc đời.
Tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh khi trẻ gặp triệu chứng ho, sốt do viêm phế quản là sai lầm các bậc phụ huynh cần tránh.
Nước ta tuy là nước có khí hậu nhiệt đới, có nhiều ánh sáng mặt trời nhưng còi xương vẫn là một bệnh khá phổ biến. Bên cạnh đó, chế độ ăn chưa đúng cũng là một nguyên nhân khiến trẻ còi xương.
Chế độ ăn uống trong suốt thai kỳ là yếu tố quan trọng với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Để đảm bảo an toàn cho con, bà bầu nên hạn chế, kiêng ăn những thực phẩm, đồ uống có nguy cơ ngộ độc cao, gây hại cho sức khỏe.