Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, việc xây dựng lối sống khoa học giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng này đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để hạn chế các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, bạn nên tránh một số thói quen sau:
Lười vận động
Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tập thể thao đều đặn 3-5 lần/tuần giúp bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích cải thiện các triệu chứng tốt hơn. Bạn có thể đi bộ, tập chạy trong vòng 60 phút hàng ngày để rèn luyện sức khỏe và hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn. Nếu công việc đòi hỏi bạn phải ngồi bàn giấy suốt ngày, hãy dành ra vài phút mỗi ngày để đi dạo và giãn cơ.
Căng thẳng, stress
Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh đường tiêu hóa. Khi gặp căng thẳng, dạ dày sẽ tiết ra nhiều acid, về lâu dài có thể gây tình trạng viêm loét dạ dày. Ngoài ra, cơ thể bạn cũng có xu hướng ngừng tiêu hóa thức ăn khi bị stress quá thường xuyên.
Stress, lo âu và trầm cảm có thể khiến hội chứng ruột kích thích tái phát. Do đó, người mắc hội chứng này nên có các biện pháp giải tỏa stress trong cuộc sống như tập thể dục, yoga.
Ăn quá nhiều rau họ cải
Rau họ cải có thể gây ra tình trạng đầy hơi ở người mắc IBS
Các loại rau củ họ cải giàu chất xơ và chứa nhiều vi chất cần thiết với cơ thể. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều, chúng có thể gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Người mắc hội chứng ruột kích thích nên ăn rau bắp cải, súp lơ hay bông cải xanh ở mức độ vừa phải.
Uống cà phê và rượu bia thường xuyên
Khi tiêu thụ quá thường xuyên, caffeine và cồn có ảnh hưởng tiêu cực với dạ dày của bạn. Caffeine có trong cà phê, trà và nhiều đồ uống giải khát, nước tăng lực. Do đó, nếu muốn kiểm soát hội chứng ruột kích thích, bạn không nên sử dụng đồ uống chứa caffeine quá 2 lần/ngày và hạn chế tối đa đồ uống có cồn.
Ăn quá nhanh
Thói quen ăn nhanh khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn, khiến bạn dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Bạn nên nhai kỹ khi ăn và chia nhỏ những bữa ăn trong ngày để tiêu hóa dễ dàng hơn.
Ăn những thực phẩm FODMAP cao
Hành tỏi là thực phẩm FODMAP cao
FODMAP (viết tắt của fermentable, oligosaccharides, disaccharides, monosaccharides and polyols) là nhóm carbohydrate và đường mà cơ thể khó phân giải và tiêu hóa. Thực phẩm FODMAP cao gồm: Tỏi, hành tây, chế phẩm từ sữa, nấm, mận, các loại đậu. Chế độ ăn ít FODMAP đã được chứng minh là có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Để giảm thực phẩm FODMAP, bạn có thể bắt đầu từ việc kiêng sữa và chế phẩm từ sữa trong 2-4 tuần. Nếu triệu chứng của hội chứng ruột kích thích không cải thiện, bạn nên hạn chế thực phẩm gây đầy hơi (hành lá, hành tây, tỏi, hẹ) và thực phẩm chứa gluten (ngũ cốc, bánh mì). Trước khi loại bỏ các thực phẩm FODMAP khỏi chế độ ăn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ, tránh tình trạng kiêng khem kéo dài gây thiếu dinh dưỡng.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn