Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Iod – nguyên tố vi lượng thiết yếu trong cuộc sống

Ngoài phòng ngừa bướu cổ, iod có thể giúp ngăn ngừa chứng bệnh bại não ở trẻ em

Là một nguyên tố vi lượng thiết yếu trong cơ thể, tuyến giáp sử dụng iod để sản xuất ra các hormon thyroid, loại hormon chịu trách nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm: thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển cả về thể chất và trí tuệ.

Do cơ thể không thể tự sản xuất ra iod nên nguồn iod cung cấp chủ yếu được lấy từ chế độ ăn. Khi lượng iod nạp vào không đủ, cơ thể không thể sản xuất đủ hormon thyroid và sẽ gây ra một số rối loạn.

Sự thiếu hụt iod ở phụ nữ mang thai hiện đang trở thành một vấn đề toàn cầu và thu hút sự quan tâm của các tổ chức y tế cộng đồng do đây là nguyên nhân chủ  yếu gây nên các tổn thương ở não bộ ở đối tượng trẻ sơ sinh vì lý do người mẹ không nạp đủ hoặc do trẻ không được bổ sung iod hợp lý trong giai đoạn đầu đời. Cộng đồng quốc tế đang hết sức nỗ lực để giảm thiểu những hậu quả của tình trạng thiếu iod đối với sức khỏe chủ yếu bằng biện pháp sử dụng muối iod trong các bữa ăn và những thực phẩm bổ sung iod.

Vào những năm 1900, thiếu iod đã gây ra một số vấn đề về sức khỏe ở Hoa Kỳ, nhưng chúng đều đã được giải quyết chủ yếu dựa vào việc bổ sung iod vào các bữa ăn. Chứng nhược giáp, một căn bệnh khiến cho tuyến giáp phình to lên (bướu cổ) và hiện tượng tăng cân là hai trong số những hậu quả của tình trạng nạp quá ít iod trong chế độ dinh dưỡng.

Iod và tác dụng đối với não bộ

Với những bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt iod là nguyên nhân góp phần gây nên các bệnh chậm phát triển trí tuệ trên thế giới, iod đã trở thành một trong những thành phần vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của não bộ. Hậu quả nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi và trẻ sơ sinh do sự thiếu hụt này có thể gây tổn thương não bộ không hồi phục trong suốt cuộc đời. Chậm phát triển trí tuệ, đần độn và một số bệnh khác là những nguy cơ có thể gặp phải của tình trạng thiếu iod.

Iod là một dưỡng chất quan trọng đối với con người nói chung, nhưng lại đặc biệt cần thiết cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là giai đoạn các hormon tuyến giáp hoạt động tích cực để điều hòa quá trình sinh trưởng và phát triển.

Tình trạng thiếu iod ở mức độ nhẹ sẽ khiến cho chỉ số IQ của trẻ chỉ đạt ở mức độ dưới trung bình hoặc gây rối loạn chức năng não bộ ở người lớn. Trong giai đoạn ấu thơ, thiếu iod thường liên quan đến bệnh bướu cổ và tình trạng giảm sút khả năng học tập và hiệu suất hoạt động, cũng như  làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em.

Nhu cầu iod

Một thìa canh iod là toàn bộ lượng iod cần thiết trong cuộc đời của một người, tuy nhiên do iod không thể bảo quản trong một thời gian dài nên việc cung cấp một lượng nhỏ iod mỗi ngày là cần thiết.

Các chuyên gia thuộc Viện Y tế Hoa Kỳ đưa ra về lượng iod khuyến nghị hàng ngày như sau:

  • 1 – 8 tuổi: 90 mcg
  • 9 – 13 tuổi: 120 mcg
  • Trên 14 tuổi: 150 mcg
  • Phụ nữ có thai: 220 mcg
  • Phụ nữ cho con bú: 290 mcg

Các nguồn cung cấp iod

Bổ sung iod tăng cường trong thực phẩm là chiến lược mà mọi quốc gia đang hướng đến để khuyến khích tiêu thụ một lượng hợp lý trong chế độ dinh dưỡng.

Hiện muối iod đang được sử dụng ở trên 70 quốc gia trên toàn thế giới như một nguồn cung cấp nguyên tố iod chính cho cơ thể. Trong ¼ thìa canh muối iod có chứa khoảng 100 mcg iod. Lưu ý rằng muối sử dụng trong các thực phẩm chế biến sẵn thường không chứa iod. Tốt hơn hết là hãy giảm lượng muối tiêu thụ từ các thực phẩm chế biến sẵn và thay vào đó sử dụng muối iod trực tiếp trong các món ăn tự chế biến.

Rong biển, cá nước mặn và hải sản cũng là những nguồn cung cấp iod từ thiên nhiên. Các sản phẩm từ bơ sữa cũng cung cấp một phần iod tùy theo từng loại. Trong thời kỳ cho con bú, lượng iod được tập trung chủ yếu trong sữa mẹ, do vậy sữa mẹ được coi là nguồn bổ sung iod tốt nhất cho trẻ với điều kiện người mẹ phải nạp đủ lượng iod khuyến nghị hàng ngày.

Các loài cây được trồng trên đất giàu iod cũng là nguồn cung cấp iod khá tốt. Tuy nhiên đây không phải là nguồn đáng tin cậy do chúng ta không thể nào biết chính xác liệu loại thực vật nào bán tại các cửa hàng hay siêu thị đã được trồng trên vùng đất giàu nguyên tố iod.

Muối iod thường bổ sung khoảng dưới 300 mcg iod mỗi ngày trong chế độ ăn. Hầu hết các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và chất khoáng sẽ chứa khoảng 150 mcg iod. Giới hạn tối đa an toàn của lượng iod khuyến nghị tiêu thụ trong một ngày là 1100 mcg, do vậy rất khó có khả năng chúng ta sẽ nạp quá nhiều iod cho cơ thể kể cả bao gồm các sản phẩm đa vitamin và các sản phẩm chứa iod nguồn gốc thiên nhiên.

Xu hướng ăn ít muối, các sản phẩm bơ sữa và bánh mỳ ngày càng phổ biến hiện nay đã dấy lên mối lo ngại từ các chuyên gia rằng tình trạng thiếu hụt iod sẽ lại xảy ra trên thế giới. Do vậy, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng bao gồm các loại thực phẩm giàu iod và muối iod là chìa khóa để có một sức khỏe tốt. Các loại vitamin thai kỳ có chứa iod có thể giúp đáp ứng đủ nhu cầu iod khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ có thai và cho con bú. 

Tham khảo thêm thông tin về các vi chất dinh dưỡng cần thiết tại bài viết: 7 tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp nhất

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

Xem thêm