Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhiễm trùng sau sinh nở

Bà mẹ sau khi sinh con sẽ cần thời gian để hồi phục và khoảng thời gian này rất khác nhau giữa các bà mẹ và giữa các lần sinh. Nếu không may bị nhiễm trùng sau sinh, bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục, và cùng với đó là rất nhiều khó chịu.

Sau khi em bé chào đời, cơ thể bạn cần có thời gian để hồi phục và trở về trạng thái bình thường nhưng chắc chắn sẽ không được như trước khi mang thai. Mặc dù bạn đã được chăm sóc bằng cách tốt nhất, nhưng nguy cơ mắc phải một số tình trạng nhiễm trùng sau sinh vẫn có thể xảy ra, thậm chí khá phổ biến.

Tìm hiểu về nhiễm trùng sau sinh sẽ giúp bạn tự chăm sóc bản thân tốt hơn và hồi phục nhanh hơn.

Nhiễm trùng sau sinh là gì?

Nhiễm trùng sau sinh là cụm từ dùng để chỉ nhiều loại nhiễm trùng khác nhau xảy ra sau một ca sinh thường hoặc sinh mổ, thường xuất hiện trong một vài tuần đầu sau sinh. Hầu hết các biểu hiện như mệt mỏi và cảm giác kiệt sức sau khi sinh, sản dịch chảy ra ít dần ở âm đạo, đau giảm dần ở tử cung, âm đạo và vết rạch, vết mổ ... là hết sức bình thường. Tuy nhiên, có một số tình trạng khác sẽ cần thăm khám kỹ lưỡng hơn và cần phải điều trị.

Trong quá trình mang thai, cơ thể bạn trở nên đặc biệt nhạy cảm với tình trạng nhiễm trùng. Khi chuyển dạ và sinh nở, bạn có thể có những tổn thương ở tử cung, âm đạo, tầng sinh môn hoặc có những vết rách quanh âm đạo, tầng sinh môn hoặc vết rạch phải khâu. Nếu bạn sinh mổ, hoặc phải cắt, khâu tầng sinh môn, các vết thường này sẽ cần một khoảng thời gian để liền lại. Các bác sỹ cho biết, nhiễm trùng sau sinh thường sẽ phổ biến hơn ở những phụ nữ sinh mổ hoặc bị vỡ ối sớm.

Các triệu chứng nhiễm trùng sau sinh

Sau khi sinh em bé, bạn sẽ phải ở lại viện trong vòng 2-7 ngày, phụ thuộc vào việc bạn sinh thường hay sinh mổ, mức độ hồi phục của bạn và tình trạng sức khỏe của em bé. Khoảng thời gian này là chưa đủ để biết được liệu bạn đã bị nhiễm trùng sau sinh hay chưa. Đôi khi, tình trạng nhiễm trùng chỉ bắt đầu khi bạn đã về nhà.

Có rất nhiều loại nhiễm trùng sau sinh khác nhau, và các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào từng tình trạng cụ thể. Tuy nhiên, có một số triệu chứng phổ biến chung của tình trạng nhiễm trùng sau sinh. Bạn có thể sẽ xuất hiện tất cả hoặc chỉ một vài triệu chứng dưới đây:

  • Sốt có thể chỉ âm ỉ hoặc sốt rất cao
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi nếu âm đạo hoặc tử cung bị nhiễm trùng
  • Dịch tiết từ vết thương, vết mổ có mùi khó chịu
  • Đau và căng tức tại vị trí bị nhiễm trùng
  • Chảy quá nhiều máu
  • Trầm cảm sau sinh
  • Gặp khó khăn khi quan hệ tình dục mặc dù bác sỹ nói rằng bạn đã sẵn sàng rồi
  • Rụng quá nhiều tóc
  • Gặp vấn đề trong việc đại tiểu tiện như tiểu khó, tiểu són, tiểu đau hoặc đi ngoài khó, đau.

Các loại nhiễm trùng sau sinh

Dưới đây là một số tình trạng nhiễm trùng sau sinh phổ biến nhất bạn có thể mắc phải. Nên nhớ rằng, nếu bạn xuất hiện bất cứ tình trạng khó chịu nào dưới đây, bạn nên đến gặp bác sỹ để được điều trị sớm nhất có thể.

Xuất huyết sau khi sinh

Chảy quá nhiều máu thường xảy ra sau khi sinh và có thể sẽ còn tiếp diễn trong vòng vài ngày đầu tiên được gọi là xuất huyết sau khi sinh. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi bạn phải trải qua một ca sinh rất dài và căng thẳng, sinh đa thai hoặc trong trường hợp tử cung co lại vì bị nhiễm trùng.

Xuất huyết sau sinh thường xảy ra khi tử cung không co lại như bình thường, sau khi nhau thai đã được đẩy ra ngoài. Xuất huyết cũng có thể là do bất cứ vết rách nào ở tử cung, âm đạo hoặc cổ tử cung. Ngay sau khi sinh, trong trường hợp bạn chảy máu quá nhiều, bác sỹ sẽ giúp bạn mát xa tử cung để giúp tử cung co lại, hoặc sẽ cho bạn sử dụng hormone oxytocin tổng hợp để kích thích tử cung co lại. Bạn có thể sẽ cần phải tiến hành xét nghiệm máu để xem máu có bị nhiễm trùng hoặc bạn có bị thiếu máu hay không. Trong trường hợp mất nhiều máu, bạn có thể sẽ cần truyền máu.

Đôi khi, tình trạng chảy máu sẽ bắt đầu sau 2-3 tuần sau khi sinh, nguyên nhân có thể là do một phần của nhau thai vẫn còn trong tử cung gây nhiễm trùng tử cung.

Nhiễm trùng tử cung

Trong suốt quá trình sinh nở, nhau thai sẽ tách ra khỏi niêm mạc tử cung và được đẩy ra ngoài âm đạo trong vòng 30 phút sau khi em bé ra đời. Tuy vậy, đôi khi, một số ít nhau thai sẽ còn sót lại trong tử cung, dẫn đến nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào tại túi ối vào thời điểm chuyển dạ cũng có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng tử cung.

Triệu chứng chính của tình trạng nhiễm trùng tử cung bao gồm dịch tiết âm đạo có mùi, sưng và căng tức ở tử cung, sốt cao hoặc có tỷ lệ tế bào bạch cầu trong máu rất cao. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tử cung sẽ được điều trị bằng kháng sinh liều cao truyền tĩnh mạch để dự phòng các biến chứng khác nguy hiểm hơn như nhiễm trùng máu. 

Nhiễm trùng vết mổ đẻ

Nếu bạn mổ đẻ, thì rất có thể vết mổ của bạn sẽ bị nhiễm trùng một vài ngày sau sinh. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đã tuân thủ theo các hướng dẫn về chăm sóc do bác sỹ đưa ra khi bạn được xuất viện. Chú ý theo dõi bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào xuất hiện, ví dụ như đỏ, sưng ngoài da hoặc vết thương có mủ, chảy nước. Cố gắng không gãi, chà xát vết thương. Nếu cảm thấy khó chịu, hãy thông báo cho bác sỹ càng sớm càng tốt.

Đau tầng sinh môn

Tầng sinh môn là vùng nằm giữa âm đạo và trực tràng. Đau ở tầng sinh môn là tình trạng rất phổ biến nếu bạn sinh thường. Trong quá trình sinh nở, các mô ở vùng này sẽ bị rách hoặc bị kéo giãn quá mức, do vậy, sau khi sinh, bạn sẽ có cảm giác sưng và đau tại tầng sinh môn. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau quá mức hoặc đau tăng lên thì có thể bạn đã bị nhiễm trùng tại tầng sinh môn rồi.

Hãy chắc chắn rằng, sau khi đi vệ sinh, bạn làm sạch vùng kín theo chiều từ trước ra sau (về phía hậu môn) để tránh khỏi các vấn đề nhiễm trùng khác có thể nảy sinh. Dùng máy sấy tóc sấy khô nhẹ nhàng vùng này cũng sẽ khiến bạn dễ chịu hơn và giảm bớt tình trạng nhiễm trùng khi có vết cắt, khâu tâng sinh môn.

Tiết quá nhiều dịch âm đạo

Trong vòng vài tuần đầu sau sinh, bạn có thể nhận thấy dịch âm đạo chảy ra rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là vì máu và phần còn lại của nhau thai đang bị đẩy ra ngoài.

Dịch tiết âm đạo trong những ngày đầu tiên sẽ có màu đỏ và có thể có cục máu đông gần giống như hành kinh. Dần dần, dịch tiết âm đạo sẽ chuyển dần sang màu hồng, màu trắng hoặc hơi vàng, và cuối cùng là biến mất hẳn. Dịch tiết âm đạo sẽ tiết ra ít dần hoặc ngừng hẳn trong vòng 2 tuần sau khi sinh.

Trong trường hợp bạn không nhận thấy sự giảm bớt về lượng dịch âm đọa hoặc nếu dịch âm đạo của bạn vẫn có màu đậm và có mùi, bạn nên đến gặp bác sỹ ngay lập tức.

Khi bạn vừa sinh con và lại phải nuôi con bằng sữa mẹ, thì cơ thể bạn sẽ phải trải qua rất nhiều thay đổi. Mang thai và thời kỳ hậu sản là thời điểm mà hệ miễn dịch của bạn yếu nhất và là lúc bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng cao nhất. Do vậy, nếu bạn cảm thấy không thoải mái, thì đừng ngần ngại, hãy đến gặp bác sỹ ngay!

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 11/07/2025

    Những dấu hiệu của tình yêu thái quá và cách xử lý

    Việc ai đó thể hiện tình cảm với bạn có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và phấn khích khi bạn đang trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt sự mới lạ của một mối quan hệ mới với các hành vi thái quá.

  • 10/07/2025

    Vận động cùng con - giải pháp gắn kết tình cảm gia đình

    Trong cuộc sống hiện đại, khi thời gian dành cho gia đình ngày càng bị thu hẹp bởi công việc và các thiết bị điện tử, việc tìm kiếm một hoạt động vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp gắn kết tình cảm cha con trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

  • 10/07/2025

    Cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng

    Những ngày hè đầy nắng là thời điểm lý tưởng để đưa trẻ ra ngoài chơi, đi biển, cắm trại, picnic,... Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến trẻ dễ bị cháy nắng. Cháy nắng nặng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da cho trẻ. Cùng đọc bài viết sau đây để biết cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng.

  • 09/07/2025

    Đau đầu do thời tiết nóng bức: Nguy cơ tiềm ẩn và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

    Mùa hè mang theo những ngày nắng kéo dài, không khí oi bức và nền nhiệt độ cao, tạo nên nhiều thách thức đối với sức khỏe con người. Một trong những ảnh hưởng phổ biến nhưng ít được chú ý là tình trạng đau đầu do nóng.

  • 08/07/2025

    Các nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể

    Chất béo là một trong ba nhóm dưỡng chất thiết yếu, cùng với carbohydrate và protein, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể con người.

  • 08/07/2025

    Đột quỵ nhiệt: Nguy hiểm tiềm ẩn trong mùa nắng nóng

    Mùa hè đến, cái nắng gay gắt không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường đối với sức khỏe, trong đó đột quỵ nhiệt là một trong những tình trạng đáng lo ngại nhất.

  • 08/07/2025

    Loại cá nhỏ bé có nhiều lợi ích với sức khỏe

    Cá cơm là một nguồn dinh dưỡng ấn tượng, mang lại những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên.

  • 08/07/2025

    Kháng sinh và những điều cần biết cho người trưởng thành

    Kháng sinh (hay thuốc kháng sinh) đóng vai trò then chốt trong y học hiện đại, giúp điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Xem thêm