Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hiệu quả của Probiotics lên sức khỏe con người

Hiệu quả của probiotics lên sức khỏe con người ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và các chuyên gia về sức khỏe trên thế giới.

Hiệu quả của Probiotics lên sức khỏe con người

Hàng nghìn năm về trước, con người đã biết tiêu thụ các các sản phẩm sữa lên men chứa vi sinh vật sống có lợi. Quá trình sản xuất sữa lên men được ghi trong “Book of Genesis” của Hippocrates và các nhà khoa học khác cũng chỉ định sử dụng sữa lên men để chữa trị rối loạn ruột và dạ dày (Oberman, 1985). Năm 1907, nhà khoa học Nga, Eli Metchnikoff – người đã từng đoạt Giải Nobel trong bài thảo luận xuất sắc "Việc kéo dài cuộc sống" (‘The prolongation of life’) cho rằng khi được tiêu thụ, các vi khuẩn lên men ảnh hưởng tốt đến hệ vi sinh vật của ruột kết: giảm hoạt động của vi khuẩn độc hại, dẫn đến ngăn cản lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Năm 1930, nhà khoa học Nhật Minoru Shirota phân lập được các vi khuẩn lactic. Cùng năm đó, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã chứng minh Lactobacillus acidophilus có khả năng làm giảm bệnh táo bón. Các nhà khoa học đại học Havard phát hiện ra các vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quyết định trong quá trình tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn, cung cấp một số vitamin và các chất dinh dưỡng khác nhau mà cơ thể vật chủ không tự sản xuất được. Các sản phẩm probiotic mang tính thương mại xuất hiện từ 1935 và tăng mạnh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Hiện nay Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức chuyên ngành đã ghi nhận bổ sung probiotics có hiệu quả tích cực trong điều trị tiêu chảy liên quan đến sử dụng kháng sinh, trong điều trị các bệnh lý dị ứng, viêm ruột hoại tử, bệnh lý viêm tại ruột, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tăng cường khả năng miễn dịch. Một số hiệu quả khác được công bố ở nhiều nghiên cứu gần đây.

Tuy nhiên, từ 2010 đến nay các chuyên gia hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục thảo luận về hiệu quả của các chủng Probiotics, liều lượng sử dụng, hiệu quả thực tế trên dự phòng, hiệu quả trên các đối tượng cụ thể và cấp độ mức chứng cứ của các nghiên cứu. Đây là vấn đề do European Food Safety Authority và một số tổ chức khác đặt ra với quan điểm xác định cụ thể các hiệu quả Probiotics dựa trên y học chứng cứ (Evidence-Based Medicine) được nhóm Gordon Guyatt, đại học McMaster.khởi xướng.

Vậy hiệu quả của Probiotics cho đến nay đã được giới khoa học thảo luận và xác định với những bằng chứng cụ thể như thế nào là một chủ đề cần được làm rõ.

Probiotics là những vi sinh vật như vi khuẩn hay nấm men mà có thể bổ sung vào thực phẩm với mục đích điều chỉnh quần thể sinh vật đường ruột của sinh vật chủ (Parker, 1974). Probiotics cũng có những ảnh hưởng có lợi trên sức khỏe của sinh vật chủ (Fuller, 1989). Năm 1992 Havenaar đã định nghĩa về probiotics  là sự nuôi cấy riêng lẻ hay hỗn hợp các vi sinh vật sống mà có ảnh hưởng có lợi cho sinh vật chủ bằng cách cải thiện những đặc tính của vi sinh vật bản địa. Theo WHO/FAO 2001, probiotics là những vi sinh vật sống khi được đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi về sức khỏe cho người sử dụng. Hầu hết các chủng probiotics được sử dụng trong sản xuất thực phẩm thuộc nhóm vi khuẩn acid lactic như LactobacillusBifidobacteria, đều có thể được thêm vào sản phẩm lên men sữa, góp một phần trong việc hình thành sản phẩm, hoặc được bổ sung dưới dạng bột đông khô. Các vi khuẩn này là phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, kích thích sự phát triển và hoạt động của hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Trong ruột, chúng tham gia quá trình tiêu hóa các thành phần thức ăn mà cơ thể con người không tiêu hóa được. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (có thể là tự nhiên hoặc được thêm vào trong giai đoạn chế biến). Các thực phẩm này gồm sữa chua, đồ uống từ sữa chua, sữa lên men và chưa lên men, đậu tương lên men, đồ uống đậu nành và một số nước hoa quả. FAO/WHO cho rằng tiêu chuẩn quan trọng nhất để chọn chủng probiotics sử dụng dưới dạng thực phẩm là chúng phải có khả năng sống sót qua đường tiêu hóa và có khả năng phát triển trong ruột. Những yêu cầu đặt ra cho một probiotics dùng cho sản xuất thực phẩm chức năng gồm: Phải tồn tại khi đến ruột non, nghĩa là phải kháng được axít dịch vị dạ dày và dịch vị mật để đến ruột non mà sống và phát triển được trong ruột để hỗ trợ thực hiện các chức năng tiêu hóa và miễn dịch; phải được chứng minh là an toàn khi sử dụng, không sinh độc tính và không có tác dụng phụ; Phải có mùi vị dễ chịu hoặc không mùi, không vị; Phải có hiệu quả có lợi và đáng tin cậy; Phải được chứng minh một cách khoa học bằng các dữ liệu lâm sàng, thử nghiệm trên động vật và trên người.

Về phân loại, Probiotics được phân loại tùy theo vai trò của các vi khuẩn trong đường ruột sẽ đem lại các lợi ích khác nhau cho sức khỏe, gồm Lactobacillus, Bifidobacteria, Saccharomyces boulardii, Streptococcus thermophilus, Enterococcus faecium, Leuconostoc.

Có thể tóm tắt các vai trò của Probiotics đã được quốc tế ghi nhận như sau:

Probiotics có vai trò kháng khuẩn, cả khuẩn Gram (+) và Gram (-), cạnh tranh với các nguồn bệnh bám vào ruột và cạnh tranh dinh dưỡng cần thiết cho sự sống sót của mầm bệnh;

Probiotics tác động trên mô biểu bì ruột tăng gắn kết các tế bào biểu mô, giảm kích thích bài tiết và những hậu quả do bị viêm nhiễm vi khuẩn, tạo ra các phân tử phòng vệ;

Probiotics giúp tăng cường miễn dịch, giảm dị ứng và cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa tiêu chảy và táo bón;

Probiotics tác động đến vi khuẩn đường ruột tạo nên sự cân bằng hệ sinh thái và điều hòa trao đổi chất, giảm pH của bộ phận tiêu hóa, gây cản trở tiết enzyme của vi sinh vật đường ruột, tăng dung nạp lactose, làm tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn gây hại.

Ngoài ra, probiotics còn có vai trò chống dị ứng, cung cấp cho cơ thể nhiều vi chất quan trọng (folic acid, niacin, riboflavin, vitamin B6 và B12) , giảm nguy cơ ung thư ruột kết và bàng quang, khử chất độc gây ung thư, làm chậm phát triển u bướu, giảm Cholesterol, giảm huyết áp, giúp nhanh bình phục sau tiêu chảy và dùng kháng sinh.

Bên cạnh đó, Các loài thuộc nhóm Lactobacillus được ghi nhận trong một số nghiên cứu có tác dụng chống ung thư, loại bỏ độc tố, làm giảm cholesterol máu, chống oxy hóa, có khả năng diệt vi khuẩn và virus, chống nhiễm Helicobacter pylori, phòng chống biến chứng trong các bệnh đường tiết niệu, điều hòa miễn dịch, chống tiêu chảy, tác động tốt lên bệnh tiểu đường và viêm khớp.

Riêng Lactobacillus casei 431 có hiệu quả phòng và điều trị tiêu chảy cấp và mãn tính, tiêu chảy do sử dụng kháng sinh (tốt nhất khi kết hợp với L.acidophilus hay Saccharomyces boulardii); Cải thiện dung nạp lactose; Phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh (kết hợp với B.breve); Giảm triệu chứng và tiến triển các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa (do vi khuẩn Salmonella, S.aureus…); Giảm triệu chứng và thời gian nhiễm trùng hô hấp (do Staphylococcus pneumoniae…), nhiễm Candida albicans và cúm…; Hỗ trợ hệ miễn dịch đường ruột, tăng sức đề kháng cơ thể; Tăng khả năng miễn dịch trên đối tượng SDD; Giảm dị ứng; Kìm hãm sự phát triển của u bướu. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều bằng chứng về hiệu quả L.casei 431 lên tăng trưởng cân nặng và chiều cao trẻ em.

Có thể thấy rằng, bổ sung Probiotics trong thực phẩm đã đem lại các nhiều kết quả được ghi nhận. Đến thời điểm này, giới khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng rộng rãi các sản phẩm bổ sung probiotics trong đời sống, vấn đề về liều lượng bổ sung để đạt được hiệu quả tối ưu trong mỗi sản phẩm cũng đang được tiếp tục nghiên cứu.

Tham khảo thêm bài viết: Probiotics (lợi khuẩn) làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 1 ở trẻ em

Ts.Bs Trương Hồng Sơn, Ths. Nguyễn Hồng Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 27/07/2024

    Ảo giác và chóng mặt trong bệnh đa xơ cứng

    Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số người có thể bị ảo giác, choáng váng hoặc chóng mặt.

  • 27/07/2024

    9 lời khuyên vàng khi chăm sóc da cho bé

    Trẻ nhỏ có làn da rất mềm mại và mỏng manh. Vì vậy, các bé có thể gặp phải nhiều vấn đề và bệnh lý về da. Cùng tham khảo một vài gợi ý cũng như lời khuyên hữu ích dưới đây để chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của em bé nhà bạn.

  • 26/07/2024

    Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất

    Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng co giật cơ ở bắp thịt trên tay, chân, vai, mi mắt, lưng, cơ mặt một vài lần trong đời. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số vitamin, khoáng chất thiết yếu.

  • 26/07/2024

    Cách làm màu thực phẩm tự nhiên

    Màu thực phẩm tự nhiên là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc vào công thức nấu ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã có sẵn trong tủ đựng thức ăn, giá đựng gia vị hoặc rau củ trong nhà. Màu thực phẩm tự nhiên được coi là sự thay thế lành mạnh hơn cho màu thực phẩm nhân tạo vì nó có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật và không chứa các hóa chất độc hại mà màu nhân tạo có thể có.

  • 26/07/2024

    6 bài tập cải thiện cơ bắp toàn thân không cần dụng cụ

    Sử dụng chính trọng lượng cơ thể mình, bạn có thể rèn luyện cơ bắp toàn thân với 6 bài tập thể dục không cần có thêm dụng cụ hỗ trợ.

  • 26/07/2024

    Tổng kết Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà"

    Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà" do Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Vesta-B Việt Nam tổ chức từ ngày 12 - 13/6/ đã kết thúc tốt đẹp

  • 26/07/2024

    Lý do khiến cân nặng của bạn thay đổi trong ngày

    Cân nặng của chúng ta khi cân vào buổi sáng sẽ không giống với khi cân vào buổi tối. Vậy đâu mới là cân nặng chính xác của chúng ta? Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

  • 26/07/2024

    5 mẹo đơn giản để ngủ nhanh và ngon hơn

    Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp bạn có một ngày mới tràn đầy năng lượng và làm việc hiệu quả hơn.

Xem thêm