Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giải đáp mọi thắc mắc của cha mẹ về tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

Dưới đây là những thắc mắc thường gặp của cha mẹ có trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi trước việc tiêm chủng vaccine COVID-19. Các giải đáp sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về việc tiêm chủng và đưa ra những quyết định phù hợp và tốt nhất cho trẻ.

Tóm tắt chính:

  • Vaccine đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả qua các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt
  • Vaccine Pfizer đã được WHO phê duyệt để sử dụng ở trẻ em từ 5-11 tuổi trên toàn cầu, và vaccine Moderna đã được phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 6-11 tuổi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
  • Mũi tiêm ở trẻ có liều lượng nhỏ hơn so với người trưởng thành, và vẫn cần phải tiêm đủ 2 mũi.
  • Tác dụng phụ ở trẻ 5-11 tuổi tương tự như ở người trưởng thành hay trẻ lớn tuổi hơn.

Có bằng chứng nào chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả cho trẻ em không?

Hơn 3.000 trẻ em từ 5-11 tuổi đã tiêm vaccine qua chương trình thử nghiệm lâm sàng của hãng dược phẩm Pfizer, và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện sau nhiều tháng theo dõi sau đó. Vaccine được chứng minh là có hiệu quả đạt 91% trong chống lại COVID-19 có triệu chứng, với tác dụng phụ thường gặp ở mức nhẹ tương tự như ở người trưởng thành và trẻ lớn tuổi hơn. Những tác dụng phụ này bao gồm: đau vùng cánh tay, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau khớp, ớn lạnh và sốt… tương tự được quan sát thấy trên các loại vaccine khác được khuyến cáo cho trẻ em. Tác dụng phụ hiếm gặp không phải là không có, song là cực kỳ hiếm gặp. Kết quả thử nghiệm lâm sàng đã được công bố trên Tạp chí Y học New England.

Trong thử nghiệm vaccine của Moderna trên trẻ nhỏ từ 6 đến 11 tuổi, hơn 3.000 trẻ đã tham gia nghiên cứu và dữ liệu sơ bộ hiện tại không báo cáo bất kỳ mối lo ngại nào về tính an toàn của thuốc. Tác dụng phụ được báo cáo tính đến thời điểm hiện tại bao gồm đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi, sốt và đau cơ. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sinh phản ứng miễn dịch tương tự với người trưởng thành từ 18-25 tuổi sau khi tiêm vaccine, và hiệu quả ước tính trong việc chống lại COVID-19 có triệu chứng là 88% sau 14 ngày tiêm mũi đầu tiên.

Tại sao trẻ vẫn nên tiêm vaccine dù không mắc bệnh?

Mặc dù tình trạng bệnh nặng/cấp tính do nhiễm COVID-19 ít gặp hơn ở trẻ so với người trưởng thành, nhưng trẻ vẫn có thể phải nhập viện và thậm chí cần được chăm sóc đặc biệt (ICU). Theo nghiên cứu, có một số trẻ mắc COVID-19 có thể tiếp tục phát triển hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Hội chứng này có thể điều trị và phục hồi được dù rất hiếm gặp, nhưng thống kê đã chỉ ra cứ 3 trẻ nhập viện vì hội chứng này thì sẽ có 1 trẻ bắt buộc cần phải chăm sóc đặc biệt (ICU). Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2021 đã cho thấy vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng nghiêm trọng này ở lứa tuổi thanh thiếu niên, và điều này mang đến tín hiệu tốt cho khả năng phòng ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ từ 5-11 tuổi.

Điểm lưu ý nữa là trẻ vẫn có thể gặp phải Hậu COVID, và các biểu hiện vẫn đang được xác định.

Làm thế nào có thể chắc chắn rằng một loại vaccine được phát triển nhanh như vậy là đảm bảo an toàn để tiêm cho con trẻ?

Việc nghiên cứu và phát triển vaccine đặc hiệu cho chủng coronavirus đã được tiến hành trong hơn 10 năm qua, một phần do sự bùng phát của đại dịch SARS-CoV-1 vào năm 2003. Điều quan trọng được đặt ra là phải phát triển vaccine COVID-19 một cách nhanh chóng do càng ngày càng thêm nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh. Mặc dù vaccine đã được phát triển rất nhanh tính từ thời điểm bùng phát đại dịch, tuy nhiên quy trình của vaccine vẫn bắt buộc phải đảm bảo tất cả các bước để được phê duyệt, bao gồm các thử nghiệm lâm sàng với số lượng người tham gia thích hợp. Hiện nay, các thử nghiệm lâm sàng đã có lượng lớn nguồn lực, bao gồm cả trường hợp khỏe mạnh và trường hợp nhiễm COVID-19. Do đó, các thử nghiệm lâm sàng đã diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều. Các thử nghiệm diễn ra nhanh chóng giúp xác định hiệu quả vaccine và những tác dụng trái chiều của nó, và hiện tại vaccine được chứng minh là có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại COVID-19.

Trẻ dưới 12 tuổi có cần tiêm một hoặc hai mũi vaccine không? Sự khác biệt về vaccine sử dụng ở các nhóm tuổi là như thế nào?

Trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer với liều lượng nhỏ hơn so với liều được sử dụng ở trẻ từ 12 tuổi trở lên (10μg thay vì 30μg). Theo khuyến cáo, mũi tiêm thứ hai nên được tiêm sau ít nhất 08 tuần sau mũi đầu tiên. Trường hợp sau tiêm mũi 1 thì vượt qua tuổi 12, mũi thứ 2 sử dụng liều lượng như độ tuổi từ 12-17 tuổi.

Đối với vaccine Moderna, trẻ em từ 6-11 tuổi tiêm với liều bằng ½ người trưởng thành (50μg thay vì 100μg), cách nhau 4-8 tuần.

Trẻ tròn 12 tuổi vào năm 2022 có nên tiêm luôn vaccine không hay chờ vaccine cho lứa tuổi thấp hơn để tiêm?

Vaccine COVID-19 có sẵn luôn là vaccine tốt nhất để tiêm, vì cung cấp sự bảo vệ chống lại COVID-19 càng sớm càng tốt. Liều vaccine sẽ dựa trên tuổi và sự đảm bảo của hệ thống miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy liều dùng cho trẻ từ 5-11 tuổi (1/3 liều dùng cho từ 12 tuổi trở lên) có hiệu quả cao và dẫn đến ít tác dụng phụ hơn.

Nếu trẻ tròn 5 tuổi vào năm 2022, có phải đợi đến ngày sinh nhật để được tiêm không?

Có. Tại thời điểm này, trẻ em phải đủ 5 tuổi để đủ điều kiện tiêm vaccine COVID-19. Các thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em dưới 5 tuổi hiện đang được tiến hành.

Trẻ có được tiêm không nếu cân nặng trên mức trung bình trong nhóm tuổi của chúng (trẻ thừa cân, béo phì)?

Liều vaccine dựa trên tuổi tác và sự trưởng thành của hệ thống miễn dịch, không phải trọng lượng cơ thể. Do vậy, trẻ hoàn toàn có thể tiêm vaccine.

Các trường hợp COVID-19 có xu hướng như thế nào ở trẻ?

Virus gây đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lưu hành và có thể khiến đối tượng mắc phải phải nhập viện, dù là ở nhóm tuổi nào đi chăng nữa và đặc biệt là ở những đối tượng không được tiêm chủng. Tiêm chủng giúp bảo vệ trẻ khỏi tình trạng bệnh nặng và nhập viện, cũng như các biến chứng của bệnh. Hơn nữa, trẻ mắc COVID-19 có thể truyền virus cho người khác, bao gồm cả người trưởng thành, người dễ bị tổn thương như ông bà hoặc người bị suy giảm miễn dịch ở xung quanh trẻ.

Tiêm vaccine có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ không?

Nghiên cứu đã cho thấy có những tác động tiêu cực nghiêm trọng, kéo dài và thậm chí là bền vững đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình của trẻ trong đại dịch COVID-19. Tại Canada, nghiên cứu chỉ ra rằng tại thời điểm trước đại dịch, tỉ lệ người tham gia tham gia các môn thể thao ở trường và/hoặc các hoạt động ngoại khóa khác đã giảm từ 60% xuống 27% và 16%. Những hoạt động này giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, và việc hạn chế hoạt động mang đến ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ. Do vậy, tiêm chủng giúp đưa trẻ trở lại các hoạt động thường xuyên hơn và cải thiện sức khỏe tâm thần cũng như tâm lý xã hội của trẻ.

Trẻ sợ kim tiêm, sợ tiêm. Cha mẹ có thể làm gì?

Đa phần trẻ sẽ có xu hướng sợ tiêm, và một số trẻ có thể có phản ứng rất mạnh với việc tiêm. Nếu trẻ lo lắng về việc tiêm, cha mẹ có thể thực hiện những phương pháp hỗ trợ khác để giúp trẻ bớt căng thẳng và vượt qua sợ hãi. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về các hình thức gây tê, và quan trọng là đừng tạo áp lực và bắt buộc trẻ để tránh gây cảm xúc tiêu cực cho trẻ.

Vaccine có ảnh hưởng đến tuổi dậy thì hoặc khả năng sinh sản ở trẻ không?

Cho đến nay, không có bằng chứng và không có căn cứ khoa học nào để nghĩ rằng vaccine COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tuổi dậy thì và khả năng sinh sản ở trẻ. Các thử nghiệm lâm sàng ở những đối tượng đã được tiêm trong cộng đồng dân số nói chung đã chỉ ra tính an toàn cao của vaccine.

Tác dụng phụ của vaccine ở trẻ em dưới 12 tuổi là gì?

Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer có khả năng dung nạp tốt ở trẻ từ 5-11 tuổi, với các tác dụng phụ thường gặp tương đương với những tác dụng phụ mà trẻ có thể đã trải qua sau khi tiêm một loại vaccine nào khác. Chúng có thể bao gồm: cảm giác mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp, hay đỏ vùng da tiêm trên cánh tay. Tuy nhiên, phần lớn trẻ gặp phải tác dụng phụ thường là rất nhẹ hoặc không có triệu chứng gì cả. Những tác dụng phụ này thông thường cũng sẽ biến mất sau một vài ngày và không có tác dụng phụ nào lâu dài được báo cáo cho đến nay.

Còn các báo cáo về tác dụng phụ của vaccine như viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở những người trẻ tuổi thì sao?

Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim rất hiếm và chủ yếu gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thanh niên. Tuy nhiên, cả hai đều cực kỳ hiếm gặp. Không có báo cáo về tình trạng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tại Canada và Hoa Kỳ, hơn 10 triệu trẻ đã được tiêm vaccine và có rất ít báo cáo về tình trạng này (nếu có thì thường nhẹ và lành tính). Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim thực sự xảy ra thường xuyên hơn nhiều sau khi nhiễm COVID-19, so với sau khi đã tiêm vaccine COVID-19, và tình trạng xảy ra sau khi tiêm nói chung nhẹ và lành tính.

Hiện tại, vaccine Pfizer nên được ưu tiên hơn vaccine Moderna cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Mặc dù nguy cơ viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim với vaccine Moderna ở trẻ từ 6-11 tuổi hiện chưa được biết đến, nhưng nguy cơ được tìm thấy cao hơn ở những các trường hợp lớn tuổi hơn so với vaccine Pfizer.

 

Vaccine có an toàn cho trẻ bị dị ứng thực phẩm không?

Có. Không có lý do gì một đứa trẻ bị dị ứng thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào lại không được tiêm phòng. Trẻ em có tiền sử dị ứng với thực phẩm, thuốc uống, côn trùng hoặc dị ứng môi trường vẫn hoàn toàn có thể tiêm vaccine COVID-19 mà không cần bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào. Tuy nhiên nếu cha mẹ vẫn lo lắng về khả năng phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần vaccine nào, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ chi tiết về vấn đề này.

Vaccine có tác dụng chống lại biến thể Omicron không?

Biến thể Omicron được biết là dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng COVID-19 trước đó, nhưng tiêm vaccine vẫn bảo vệ chống lại tình trạng bệnh nặng và nhập viện rất tốt. Càng có nhiều người được tiêm, chúng ta càng có thể tự bảo vệ mình và ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và lây lan trong cộng đồng.

Biến thể Omicron của COVID-19 có gây bệnh nặng hơn các chủng trước không?

Các nghiên cứu đang được tiến hành đánh giá sự liên quan đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên do biến thể Omicron. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên mắc COVID-19 đều ở tình trạng bệnh nhẹ và không cần phải nhập viện. Những người nhập viện thường có sốt, mất nước và khó thở. Sự gia tăng các ca nhập viện trong thời gian gần đây do biến thể Omicron có thể là kết quả của sự lan truyền virus nhanh trong cộng đồng, khi mà biến thể này trở thành ưu thế tại nhiều nơi trên thế giới.

Tiêm 1 mũi vaccine có khả năng chống lại COVID-19 hiệu quả như thế nào?

Vaccine COVID-19 hiện nay là loại hai liều cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo đó, một liều sẽ cung cấp khả năng bảo vệ một phần, và phải đảm bảo đủ cả hai liều mới cung cấp khả năng bảo vệ tốt – để được đánh giá là tiêm chủng đầy đủ và tối ưu hóa sự bảo vệ.

Tham khảo thêm thông tin tại: Hiệu quả của vaccine Pfizer và vaccine Moderna trên trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp) -
Bình luận
Tin mới
  • 27/04/2024

    Chế độ ăn cho người bệnh rối loạn tiền đình

    Chế độ ăn uống hàng ngày là một công cụ mạnh mẽ trong việc duy trì sức khỏe của hệ thống tiền đình và giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiền đình.

  • 27/04/2024

    Bí quyết có 1 thai kỳ khỏe mạnh - Chuẩn bị ngay từ trước khi thụ thai

    Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai là một bước quan trọng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Nhiều phụ nữ tập trung vào việc bổ sung dinh dưỡng và thay đổi lối sống ngay khi biết mình có thai. Tuy nhiên, các bước chuẩn bị sẽ hiệu quả hơn nếu được thực hiện trước khi thụ thai ít nhất từ 3-6 tháng.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân gây ngứa đa xơ cứng và cách điều trị

    Các rối loạn về giác quan, bao gồm cả cảm giác ngứa, có thể xảy ra trong bệnh đa xơ cứng. Đôi khi, những cảm giác này có thể là dấu hiệu sớm của bệnh.

  • 26/04/2024

    5 loại thực phẩm không nên ăn cùng chuối

    Mặc dù chuối là một loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng theo y học cổ truyền Ấn Độ, sự kết hợp chuối và một số thực phẩm sẽ gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đối với một nhóm người.

  • 26/04/2024

    Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

    Cùng với tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP.

  • 26/04/2024

    Tại sao cần tiêm vaccine phòng uốn ván?

    Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh của cơ thể nhưng có thể phòng ngừa được. Nó thường gây co thắt, tạo cảm giác đau đớn và cứng cơ hàm. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và dễ dàng phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nguyên nhân là do độc tố được tạo ra bởi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani. Những vi khuẩn này sống trong môi trường, bao gồm cả trong đất, bụi và phân động vật.

  • 26/04/2024

    Vì sao da đầu đổ nhiều mồ hôi và cách cải thiện?

    Da đầu đổ nhiều mồ hôi khiến tóc bết, khó chịu, ngứa ngáy và tăng nguy cơ các bệnh về da. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng nhiều mồ hôi da đầu cũng như cách khắc phục tại nhà.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân khiến da mỏng hơn

    Làn da mỏng manh là làn da dễ bị nẻ và tổn thương. Đó là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn già đi, các lớp da của bạn sẽ mỏng đi và trở nên mỏng manh hơn. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ dày của da. Ngay cả những rối loạn và việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần làm mỏng da.

Xem thêm