Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hiệu quả của vaccine Pfizer và vaccine Moderna trên trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ đang là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây. Vaccine sử dụng cho lứa tuổi trẻ nhỏ không phải giống như người trưởng thành, và cần sự quản lý và cấp phép nghiêm ngặt.

Tại Việt Nam, hiện nay có 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm vaccine của Pfizer và vaccine của Moderna. Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào khác. Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, đối với vaccine Pfizer sẽ được phân biệt là nắp lọ màu vàng. Vaccine dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, đóng lọ 1,3 ml, tương đương 10 liều. Vaccine được pha loãng với 1,3ml dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Mỗi liều tiêm 0,2ml chứa 10 mcg vaccine mRNA COVID-19. Trẻ 5-12 tuổi tiêm vắc xin Pfizer đường bắp, liều 0,2ml, lịch tiêm 2 mũi, cách nhau 3 tuần. Đối với vaccine Moderna, liều sử dụng cho trẻ em bằng 1/2 liều cơ bản so với liều sử dụng cho người lớn. Vaccine Moderna có dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà. Liều cho trẻ em 0,25ml chứa 50mcg vaccine COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid). Vaccine Moderna có hạn sử dụng 9 tháng kể từ ngày sản xuất, thời gian bảo quản ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C trong tối đa 30 ngày. Trẻ tiêm vaccine Moderna tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày.

Hiệu quả của vaccine Pfizer trên trẻ từ 5 đến 11 tuổi

Nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả tốt của vaccine Pfizer trên trẻ từ 5-11 tuổi khi tiêm với liều lượng thấp. Theo đó, tiêm vaccine đã tạo ra phản ứng kháng thể tốt mà không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo cho đến nay.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, liều 10μg – bằng một phần ba so với liều tiêm cho người trưởng thành – mang đến khả năng bảo vệ cho trẻ khoảng 90% trước COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ thực hiện trên 2268 đối tượng, và do đó có thể chưa đủ lớn để phát hiện đầy đủ các tác dụng phụ rất hiếm gặp.

Ở giai đoạn nghiên cứu đánh giá liều tiêm, sau nghiên cứu giai đoạn I cho thấy liều tối ưu cho nhóm tuổi này là 10μg, 1517 trẻ tham gia nghiên cứu ngẫu nhiên được đưa vào nhóm tiêm vaccine trong khi 751 trẻ được xếp vào nhóm chứng sử dụng giả dược. Liều tiêm thứ hai được tiêm 21 ngày sau đó, và phản ứng miễn dịch được theo dõi một tháng sau tiêm. Kết quả cho thấy: có 03 trường hợp được xác định mắc COVID-19 sau 07 ngày kể từ ngày tiêm mũi tiêm thứ hai (nhóm tiêm vaccine), so với 16 trường hợp mắc COVID-19 xuất hiện ở nhóm đối chứng. Hiệu quả vaccine đưa ra ước tính đạt 90,7% (95% CI 67,7%-98,3%). Bên cạnh đó, tác dụng phụ chủ yếu được báo cáo trong nghiên cứu là các tác dụng phụ ở mức nhẹ đến trung bình, kèm theo đau tại chỗ tiêm được báo cáo là triệu chứng phổ biến nhất. Các tác giả cũng phát hiện ra rằng nồng độ kháng thể trong các mẫu máu của các trẻ được tiêm vaccine cao tương đương so với một thử nghiệm trước đó ở những người trong độ tuổi 16-25 tuổi.

Hạn chế của nghiên cứu hiện tại vẫn là thời gian, khi còn quá sớm để đánh giá lâu dài và cần phải theo dõi trong thời gian lâu hơn nữa. Nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục trong 02 năm tới và đánh giá trên số lượng trẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó, vaccine cũng đang được đánh giá ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi.

Vaccine dung nạp tốt

Theo đánh giá kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia nhi khoa tại Đại học Bristol Vương quốc Anh, kết quả là triển vọng và đáng chú ý vì chứng minh phản ứng kháng thể tốt, đạt hiệu quả 90% ở liều thấp hơn bên cạnh mức độ phản ứng ít hơn rõ rệt so với liều cao hơn (30μg) ở các nhóm tuổi lớn hơn. Các chuyên gia cũng đánh giá tốt liều tiêm trong nghiên cứu khi không thấy những dấu hiệu về tỷ lệ tác dụng phụ cục bộ và toàn thân sau liều thứ hai tăng lên so với liều đầu tiên được thấy ở các nhóm tuổi lớn hơn.

Các chuyên gia đã đánh giá rằng vaccine có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng ở trẻ ở độ tuổi 5-11 tuổi và mang đến khả năng dung nạp tốt, mặc dù nghiên cứu chưa đủ lớn để phát hiện ra các tác dụng phụ rất hiếm gặp khác. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để giải quyết câu hỏi đặt ra là liệu liều thấp hơn có thể được sử dụng thích hợp ở các nhóm tuổi nhỏ hơn hay không.

Tại Hoa Kỳ, trẻ em từ 5-11 tuổi bắt đầu được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech vào ngày 3 tháng 11, ngay sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho phép sử dụng. Một số quốc gia khác bao gồm Campuchia, Chile và Cuba, cũng như một số tỉnh ở Trung Quốc cũng đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ nhỏ ở nhóm tuổi này. Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng không nên trì hoãn việc tiêm vaccine cho trẻ trong nhóm độ tuổi này, khi các nghiên cứu đã cho thấy tác dụng tốt mà vaccine mang lại.

Hiệu quả của vaccine Moderna trên trẻ từ 5-11 tuổi

Hiện tại, hãng dược phẩm Moderna đã đệ trình yêu cầu cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine liều thấp hơn sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Kết quả từ nghiên cứu ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi đã được gửi lên các cơ quan có thẩm quyền để đánh giá, với tính khả quan rất cao. Liều sử dụng cho trẻ dưới 5 tuổi được nghiên cứu là liều bằng 25% so với liều dùng trên người trưởng thành. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là vaccine đầu tiên được phê duyệt cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, hãng dược phẩm Moderna cũng đã đệ trình yêu cầu cấp phép cho vaccine để sử dụng trên nhóm đối tượng thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, cũng như nhóm đối tượng trẻ từ 6-11 tuổi.

Nghiên cứu về việc sử dụng vaccine Moderna trên trẻ từ 12-15 tuổi đã chỉ ra hiệu quả của vaccine đạt 93,3% trong việc bảo vệ trước tình trạng nhiễm trùng. Ở nghiên cứu đánh giá trên nhóm trẻ dưới 5 tuổi, vaccine mang đến hiệu quả đạt 44%, trong khi ở nhóm trẻ mẫu giáo thì tỷ lệ này đạt 38%. Theo các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Ann & Robert H.Lurie (bang Chicago) đã cho rằng, hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng có thể khiêm tốn, nhưng nó thực sự vẫn nằm trong phạm vi đã từng được xác nhận ở người trưởng thành đối với biến thể Omicron. Một điều quan trọng cần phải nhớ rằng mục đích chính của vaccine là phòng ngừa tình trạng bệnh nghiêm trọng – tức là hạn chế các trường hợp nặng tới mức phải nhập viện và phải chăm sóc đặc biệt. Hơn nữa, khả năng hiệu quả của vaccine thậm chí có thể vượt xa con số công bố trong nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở việc giảm mức độ bệnh nặng mà còn giúp giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng và gia đình. Phòng bệnh là cách thức tốt nhất, và những khả năng phát hiện ở vaccine là triển vọng và quan trọng.

Hiện tại, nhiều quốc gia đã phê duyệt và đưa vaccine Moderna vào danh sách các vaccine có thể sử dụng chính cho trẻ trong nhóm tuổi từ 5-11 tuổi, hoặc sử dụng như một biện pháp thay thế tương đương đối với vaccine Pfizer-BioNTech.

Ngoài vaccine của Moderna và Pfizer, một số loại vaccine khác cũng bắt đầu được nghiên cứu cho nhóm đối tượng trẻ nhỏ. Vaccine của Johnson&Johnson đã thông báo từ ngày 2/4 rằng họ mở rộng thử nghiệm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi và dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành ở nhóm tuổi nhỏ hơn. Hãng dược AstraZeneca cũng bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 của mình trên nhóm tuổi từ 6-17 tuổi, tuy nhiên đang bị trì hoãn vào ngày 6/4 khi cơ quan quản lý tại Vương Quốc Anh đang điều tra về các trường hợp gặp phải cục máu đông hiếm gặp khi sử dụng vaccine này.

Tham khảo thêm thông tin tại: Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 với trẻ em là gì?

 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp) -
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

  • 18/04/2024

    CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa đưa ra cảnh báo về một chủng vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não mô cầu hiếm gặp đang gia tăng ở Mỹ.

  • 18/04/2024

    Đau thần kinh toạ là gì và những điều cần lưu ý

    Đau thần kinh toạ là một loại đau thường ảnh hưởng đến dây thần kinh thuộc khớp hông, một bó dây thần kinh lớn bắt nguồn từ dưới sống thắt lưng, qua mông và xuống phía sau mỗi chân.

Xem thêm