Cơ chế của gai xương gót:
Do sức nặng của cơ thể đè nén vào vùng gân gan chân trong một thời gian dài. Khi thực hiện động tác bước đi, một chân nhấc lên, một chân làm trụ để nâng đỡ toàn bộ cơ thể.
Thực tế khi di chuyển, trọng lượng dồn lên chân sẽ gấp 20 lần trọng lượng bản thân. Trọng lượng đó sẽ được giảm nhẹ bởi một lớp mỡ mềm đệm ở dưới gót chân và một bản gân gan chân dày, rộng.
Đối với người lao động mang vác nặng trong một thời gian dài hoặc ở những vận động viên khởi động chưa kỹ, sức nặng cơ thể sẽ đè quá mức vào vùng bắp chân và gân cơ Achille và tập trung vào vùng gót chân. Khi cơ cẳng chân và gân Achille bị quá tải sẽ làm căng cân cơ vùng gan chân dẫn đến phản ứng viêm quanh gân, thậm chí làm đứt gân cơ.
Mỗi khi ngồi, ngủ hoặc thả lỏng chân, cơ vùng gan chân có xu hướng co lại như một phản xạ tự nhiên để chống lại các chấn thương gây tổn thương cơ, do đó hiện tượng đau tại chỗ sẽ giảm đi.
Tuy nhiên nếu tiếp tục các động tác vận động, đi lại có thể xuất hiện tình trạng đau trở lại. Để chống lại các chấn thương nhắc đi nhắc lại liên tục, cơ thể tự khắc phục giống như cách nó sửa chữa các vi gẫy xương, tức là bồi phụ một lớp canxi mới bao bọc quanh gân gan chân. Kết quả là hình thành xương nhỏ ở mặt dưới gót chân, gọi là gai xương gót.
Tuy nhiên cần lưu ý không phải bất cứ gai xương gót nào cũng gây đau gót chân. Thực tế là nhiều người chụp xquang có gai xương gót mà không một lần trong đời xuất hiện đau gót; hoặc nhiều người điều trị hết đau mà gai xương gót vẫn tồn tại. Ngược lại có những người đau ở gót chân mà không có gai xương. Gai xương gót về bản chất là quá trình tân tạo xương mới để chống lại những áp lực tác động vào cân cơ vùng gan chân.
Nguy cơ gai xương gót:
Hay gặp nhất: béo phì, tuổi trung niên (trên 40 tuổi). Ở những người này lớp mỡ đệm ở gan chân co lại, thoái triển theo thời gian dẫn đến cơ chế đệm kém hiệu quả.
Vận động viên phải luyện tập, thi đấu hàng ngày, cường độ cao.
Những người có khiếm khuyết ở chân, ví dụ tật bàn chân hơi sấp, quặp vào trong.
Triệu chứng bệnh gai xương gót:
Đau nhức nhối, chói buốt ở vùng gan chân hay xương gót. Điển hình là triệu chứng đau kiểu cơ học: đau tăng sau một đợt vận động mạnh đột ngột hay kéo dài, giảm sau khi nghỉ ngơi một thời gian.
Đau nhất thường vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy và thực hiện những bước đi đầu tiên trong ngày, phải đi đi lại lại một lúc mới giảm cảm giác đau.
Cũng có khi đau khởi phát sau một động tác mạnh đột ngột như vận động viên chạy đạp chân mạnh để lấy đà chạy. Đau cũng tăng lên nhiều hơn khi đi lại trên bề mặt cứng hoặc khiêng vác vật nặng. Đau nhiều có thể ảnh hưởng tới công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Khám bệnh lâm sàng: dùng ngón cái ấn tại chỗ gót chân đau chói, buốt. Nếu yêu cầu bệnh nhân đứng bằng gót chân đau thường tăng đau rất nhiều.
Cần chụp phim xquang vùng gót chân để phát hiện hình ảnh gai xương gót là một gai nhọn nhỏ mọc lên từ mặt dưới xương gót ở vùng gan chân. Tuy nhiên quan trọng hơn là để phát hiện những tổn thương khác nguy hiểm hơn cũng gây đau xương gót như viêm nhiễm xương, gẫy xương, u xương gót hay ápxe phần mềm tại chỗ.
Điều trị:
Dù ở giai đoạn nào thì điều quan trọng là phải đi giày mềm vừa chân. Có thể lót một lớp đệm dầy, đàn hồi như cao su vào đế giày. Giảm các hoạt động vận động liên quan đến đi lại nhiều, khiêng vác vật nặng. Nghỉ ngơi, thư giãn chân bằng cách gác chân cao, tránh đi lại.
Thực hiện theo nguyên tắc RICE (viết tắt của các từ tiếng Anh: Rest nghỉ ngơi, Ice chườm đá tại chỗ, Compression băng chun gan chân để hỗ trợ chân, Elevation gác chân lên cao khi nghỉ).
Có thể thực hiện các bài tập mátxa gan chân, các biện pháp vật lý trị liệu như siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại chiếu tại chỗ. Trường hợp đau nhiều có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam, piroxicam..., đơn thuần hay kết hợp với thuốc giảm đau nhóm paracetamon.
Tiêm corticoid tại chỗ gan chân cũng là một biện pháp giảm đau tại chỗ khá hiệu quả, thường chỉ định khi các biện pháp trên không có tác dụng. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa xương khớp, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra như nhiễm khuẩn phần mềm tại chỗ hay cốt tủy viêm...
Trường hợp đau gót chân dai dẳng, các biện pháp nội khoa không có hiệu quả có thể xét phẫu thuật cắt bỏ gai xương gót. Tuy nhiên như đã nói ở trên, đau trong bệnh gai xương gót không đơn thuần chỉ do yếu tố cơ học (gai xương) mà còn có yếu tố viêm tại chỗ, quanh các gân vùng gan chân. Vì vậy phẫu thuật cắt gai cần cân nhắc hết sức thận trọng và ít khi cần được chỉ định.
Những người thường xuyên đau gót chân cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để được tư vấn, phát hiện các bất thường về cấu tạo chân, bàn chân từ đó có các biện pháp chỉnh hình hay phẫu thuật thích hợp.
Tiên lượng:
Nhìn chung bệnh không nguy hiểm nhưng nhiều khi khó điều trị dứt điểm.
Đa số các trường hợp chỉ bị đau ít, tương ứng với tổn thương gân nhẹ, giảm đau sau ít tuần hay ít tháng nhưng dễ tái phát. Một số trường hợp nặng có thể đứt gân gan chân.
Phòng ngừa:
Dành thời gian để khởi động kỹ khớp cổ chân và căng cơ chân trước khi lao động hay chơi thể thao. Sau đó thư giãn, thả lỏng chân, gác chân cao, mátxa gan chân.
Nếu cần tập chạy hay đi bộ, tốt nhất là thực hiện cuộc chạy hay đi bộ nhiều lần trong một tuần với quãng đường ngắn hơn là chạy một lần với quãng đường dài, gắng sức. Cần lượng sức mình, đừng đánh giá quá cao khả năng của bản thân để rồi thực hiện các vận động hay lao động quá sức.
Nếu cần, hãy tìm kiếm lời khuyên của các bác sỹ chuyên khoa về kế hoạch luyện tập thích hợp với bản thân nhằm giúp cơ thể có thời gian dần thích ứng. Đối với những người béo phì cần giảm béo bằng chế độ ăn cũng như vận động thích hợp. Phát hiện sớm, sửa chữa kịp thời các dị tật bàn chân.
Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.