Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đối phó với chứng táo bón sau phẫu thuật

Hầu hết mọi bệnh nhân sau khi trải qua các cuộc phẫu thuật đều có chung tâm trạng căng thẳng, đồng thời cơ thể của họ cũng có một số sự thay đổi rất lớn. Táo bón là một trong những hậu quả không mong muốn có thể gặp phải sau phẫu thuật khiến cho quá trình lành vết mổ khó khăn hơn.

Đối phó với chứng táo bón sau phẫu thuật

Các triệu chứng của táo bón bao gồm:

  • Đại tiện ít hơn 3 lần/tuần
  • Đột ngột giảm lượng phân và số lần đại tiện
  • Cần phải rặn gắng sức khi đại tiện
  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng
  • Phân khô cứng
  • Cảm giác vẫn đầy bụng sau khi đại tiện

Các nguyên nhân gây táo bón sau phẫu thuật

  • Sử dụng các thuốc giảm đau an thần nhóm opioid
  • Do tác dụng của thuốc gây mê toàn thân
  • Do kích thích của các tác nhân gây viêm như chấn thương hoặc nhiễm trùng
  • Mất cân bằng nước – điện giải hay glucose
  • Nằm bất động quá lâu
  • Sự thay đổi về chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là giảm cung cấp chất xơ

Làm thế nào để giảm táo bón sau phẫu thuật

Một chút thay đổi về sinh hoạt cũng như chế độ ăn có thể giúp phòng chứng táo bón sau phẫu thuật hay ít ra là giảm thời gian mắc táo bón.

Theo nghiên cứu, có khoảng 40% bệnh nhân sử dụng các thuốc giảm đau nhóm opioid đã từng bị táo bón.

Tập hoạt động trở lại bằng cách đi bộ xung quanh giường bệnh hoặc đi xa hơn khi được sự đồng ý của bác sỹ điều trị. Điều này không chỉ giúp đối phó với chứng táo bón mà còn thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Hãy cố gắng hạn chế sử dụng các thuốc giảm đau nhóm opioid sau phẫu thuật. Nếu bạn có thể chịu đựng được cơn đau và được sự đồng ý của bác sỹ, hãy lựa chọn thay thế bằng paracetamol hoặc ibuprofen.

Bạn có thể sử dụng các thuốc làm mềm phân như docusate (Colace), thuốc bổ sung chất xơ có tác dụng nhuận tràng như psyllium (Metamucil). Ngoài ra, nên ăn thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ như:

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Hoa quả tươi
  • Rau xanh
  • Đậu

Uống nhiều nước là việc nên làm ngay cả trước và sau khi phẫu thuật. Một chế độ ăn giàu chất xơ trước khi phẫu thuật có thể giúp dự phòng và giảm chứng táo bón sau phẫu thuật. Hãy bổ sung các loại nước ép trái cây (từ mận khô, táo hay lê) vào chế độ dinh dưỡng của bạn, chúng có tác dụng giảm táo bón vô cùng hiệu quả.

Ngoài ra, nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm dễ gây táo bón như:

  • Các sản phẩm từ bơ sữa
  • Chuối
  • Bánh mỳ trắng hay gạo
  • Thực phẩm chế biến sẵn

Bạn có thể sẽ cần sự hỗ trợ từ các loại thuốc kích thích đại tràng, thuốc đặt hay biện pháp thụt tháo trực tràng trong trường hợp bị táo bón nặng.

Theo Mayo Clinic, một số loại thuốc có tác dụng giữ nước tại ruột để kích thích đại tiện như linaclotide (Linzess) hay lubiprostone (Amitiza) có thể được sử dụng trong trường hợp các thuốc nhuận tràng thông thường không có tác dụng.

Khi nào cần can thiệp của bác sỹ

Táo bón có thể gây đau đớn và các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị như:

  • Nứt hậu môn
  • Trĩ
  • Phân đóng khối trong đại tràng
  • Sa trực tràng

Thời gian cần thiết để hồi phục sau táo bón phụ thuộc chủ yếu vào thời gian gây mê trong phẫu thuật và thời gian sử dụng các loại thuốc giảm đau.

Bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn trong vòng một vài ngày sử dụng các thuốc làm mềm phân và các thực phẩm bổ sung chất xơ để giúp nhuận tràng. Các loại thuốc kích thích đại tràng thường sẽ phát huy tác dụng trong vòng 24h. Nếu không, hãy thông báo cho bác sỹ biết để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Các nguyên nhân khác cũng cần được can thiệp y khoa bao gồm:

  • Xuất huyết trực tràng
  • Đau trực tràng
  • Đau tại bụng không có liên quan đến phẫu thuật

Hãy luôn trong trạng thái chủ động

Khi nói đến chứng táo bón sau phẫu thuật, một sự thật hiển nhiên là căn bệnh này không thể cải thiện nhanh như chúng ta mong muốn. Chứng bệnh khó chịu này không chỉ khiến bệnh nhân đau đớn mà tình trạng rặn gắng sức khi đại tiện còn khiến các vết phẫu thuật có nguy cơ bị rách miệng, là một biến chứng rất nghiêm trọng. May mắn là trong hầu hết trường hợp, tình trạng táo bón sau phẫu thuật thường sẽ thuyên giảm mà không để lại biến chứng gì quá nặng.

Cách tốt nhất để phòng táo bón sau phẫu thuật hoặc giảm thiểu độ nặng của bệnh là bệnh nhân cần phải có kiến thức về nó để có những biện pháp chuẩn bị đối phó. Hãy trao đổi cụ thể với bác sỹ để thiết lập một kế hoạch điều trị và chế độ dinh dưỡng trước và sau phẫu thuật.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những điều cần biết về thuốc làm mềm phân

Bình luận
Tin mới
Xem thêm