Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đi bộ trong chánh niệm

Tôi thích nói về giá trị của việc sống chậm lại. Theo tôi, đi bộ với sự tỉnh thức, để tâm trí trở nên tĩnh lặng, đó là một trong những cách thực hành sống chậm đơn giản nhất, nhưng lại hiệu quả nhất.

Vẻ đẹp của cuộc sống đang ở trong từng bước đi

Là một bác sĩ, tôi luôn nhận được những câu hỏi về cách đối phó với bệnh tật, đặc biệt là những căn bệnh hiểm nghèo, hay những thách thức trong cuộc sống.

Một bệnh nhân ung thư hỏi tôi làm thế nào để sống được lâu hơn?

Tôi đã trả lời anh ấy rằng, hãy thực hành đi bộ với tâm trí tĩnh lặng, tĩnh lặng trong từng bước chân để cảm nhận tốt nhất về cuộc sống thực tại. Đi bộ giúp cho cơ thể và tâm trí của anh ấy hòa làm một với thế giới tự nhiên, đắm chìm trong khoảnh khắc, cảm nhận được chính hơi thở của mình, cảm nhận được sự tĩnh lặng của mọi thứ xung quanh, cảm nhận sự kết nối của bản thân với cuộc sống đang rộng mở.

Với bệnh nhân ung thư, tôi cho rằng những phác đồ điều trị nhằm loại bỏ những tế bào ác tính không quan trọng bằng liệu pháp tinh thần, bởi khi tinh thần được giải thoát, thì hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt, nó giống như những viên cảnh sát truy tìm những kẻ tội phạm gian ác, tiêu diệt hoặc ít nhất là khống chế không cho phép hoạt động. Rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo, nghe theo lời khuyên của tôi là thực hành đi bộ, họ đã có một cuộc sống mới thực sự khỏe mạnh.

Đi bộ với tâm trí tĩnh lặng giúp cho cơ thể và tâm trí của bạn hòa làm một với thế giới tự nhiên.

Đi bộ trong chánh niệm thế nào?

Thời gian đầu thực hành đi bộ tôi đếm số bước chân

Cũng giống như rất nhiều người đi bộ khác, tôi đếm 5 ngàn bước mỗi ngày, rồi đếm 10 ngàn bước, mục đích chỉ để rèn luyện thể chất. Nhưng sau 7 ngày đi bộ, tôi bắt đầu thấy nhàm chán, bắp chân cảm thấy mỏi, khớp gối và khớp cổ chân có dấu hiệu đau. Vì vậy, những ngày sau đó tôi thực hành đi bộ theo cách khác, thay vì đếm số bước chân thì tôi tìm kiếm những niềm vui, bằng cách mở tất cả những giác quan để cảm nhận mọi thứ xung quanh. Và thật bất ngờ, tôi phát hiện ra có rất nhiều thứ nếu nhìn thoáng qua sẽ rất bình thường, nhưng quan sát kĩ nó lại vô cùng sống động.

Mỗi buổi sáng tôi thức dậy sớm hơn 15 phút, đi bộ ra bến xe buýt, đến bệnh viện để bắt đầu một ngày làm việc. Tôi thích hàng cây hai bên đường. Trong tiếng ve kêu râm ran, tôi nghe thấy tiếng chim líu lo, chỉ một hai tiếng hót. Tôi dừng lại quan sát, thấy hai con chích chòe bụng to khua cánh bay vụng về từ cây này sang cây khác. Vài con chim sẻ nghịch ngợm, chúng nhảy trên cành, sà xuống đất ngay trước mặt tôi mà không hề sợ hãi.

Đi bộ làm cho tôi có tâm trạng tốt

Mở bàn tay ra, tôi cảm thấy nhiệt độ của gió, từng làn gió nhẹ lướt qua đầu ngón tay, mang theo một chút mát lạnh. Nhiệt độ phía trên mát hơn phía dưới. Từng khu vực trên con phố cũng vậy, những nơi có sự đối lưu gió sẽ mát hơn, cảm giác thích thú hơn.

Tôi phát hiện ra điều thú vị trong tiếng ve kêu, ban đầu rất yếu, sau đó thì mạnh dần lên, rồi cả một dàn đồng ca. Hóa ra ve sầu không thích tất cả các loại cây như nhau. Khi qua những gốc bàng lá to, tôi thấy tiếng ve như thổi còi bắt đầu một cuộc đua, nhưng đến cây xà cừ tràn đầy năng lượng sống thì âm thanh ve kêu trở nên sôi sục. Ngược lại ở những cây phượng, cây bàng Đài Loan hoặc các loài cây lá kim, ve sầu tụ tập ít hơn nhiều, ở đó tôi chỉ nghe thấy những lời xì xào bàn tán của một nhóm ve nhỏ.

Đi qua ngõ phố ẩm thấp nhưng mềm mại, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một con cóc liều lĩnh đang ngồi giữa đường, sợ bị xe máy cán phải nên tôi dùng chân xua, cóc bao giờ cũng chậm chạp, nó miễn cưỡng vụng về nhảy vào bụi cây ven đường. Đôi khi tôi bắt gặp con mèo ngồi ven đường, thấy ai đi bộ qua là chạy theo lững thững, nhưng chỉ cần tôi giơ điện thoại lên chụp ảnh là con mèo xấu hổ quay mặt đi.

Tôi rất thích nhìn những chiếc lá

Có những chiếc lá hình trái tim, treo lủng lẳng trên cây, gió thổi làm cho lá khẽ xoay mình, cảm giác như đang muốn chào tôi, để cho tôi phải dừng lại và ngước nhìn. Sáng sớm, mặt trời chiếu qua những đám lá, ánh sáng như được thanh lọc ở các mức độ khác nhau, chỗ dày hơn và chỗ mỏng hơn, những tia sáng lủng lẳng đung đưa chiếu lên mặt đất.

Mỗi khi tôi cảm thấy căng thẳng, chỉ cần bước ra đường phố và đi chậm lại, cơ thể được thả lỏng và tâm hồn thư giãn. Tôi thấy cơ thể mình chuyển động, khi gót chân, bàn chân, rồi đến ngón chân chạm đất, thì tôi thấy được sự kết nối và cộng hưởng của bản thân với mặt đất và thế giới xung quanh. Thế giới ấy tự do và yên bình. Cỏ cây hoa lá cùng trao đổi năng lượng sống với tôi. Không chỉ nhận thức được sự chuyển đổi từ đôi chân, mà tôi còn có thể nhìn, nghe, ngửi, chạm vào, thậm chí là nếm thử mọi thứ. Mỗi bước đi như thế, tôi có thể dừng lại ngắm nghía chỗ này, quan sát chỗ kia, nhìn chằm chằm vào một chiếc lá, cảm nhận sự tiếp xúc của gió với làn da, đi bộ theo cách mở tất cả các giác quan như thế, đó chính là tự do.

Đi bộ là một liều thuốc an thần tự nhiên

Mỗi khi tôi mệt mỏi, chỉ cần ra đường phố đi bộ và chăm chú lắng nghe, tôi sẽ nghe thấy âm thanh của động cơ ô tô xe máy, những tiếng còi cảnh báo nhường đường, tiếng chó sủa và tiếng trẻ con, tiếng chim hay tiếng ve, đủ loại âm thanh ngẫu nhiên tạo thành một bản nhạc hiện đại, nó sẽ làm cho tâm hồn tôi trở nên thư thái.

Bởi vậy mà tôi cũng khuyên mọi người nên đi bộ, nó không chỉ rèn luyện sức khoẻ, không chỉ phòng tránh các bệnh như mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, mà đi bộ còn giúp chữa lành những vết thương trong tâm hồn, đặc biệt tốt với những người mắc chứng trầm cảm, tâm trạng thấp, buồn bã và lo lắng.

Đi bộ là một hình thức giao lưu

Tôi thích đi bộ một mình, nhất là ban đêm qua những con phố yên tĩnh không có xe cộ, ngắm nhìn cửa sổ nhà hàng, thưởng thức cuộc sống và ánh sáng, hoặc đơn giản là nhìn lên bầu trời, hay suy nghĩ về một chiếc giường ấm áp đang chờ đợi ở nhà.

Đi bộ và nói chuyện cùng bạn đồng hành sẽ giúp ích cho não bộ cũng như tâm hồn của bạn.

Nhưng tôi cũng thích đi bộ cùng ai đó

Người châu Phi có câu ngạn ngữ: "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Câu này mở rộng ra, tôi hiểu đó là chức năng xã hội rất quan trọng của đi bộ. Chúng ta đi cùng nhau để tạo ra những con đường mới. Chúng ta đi cùng nhau để tìm kiếm thức ăn và chia sẻ. Chúng ta đi cùng nhau để tìm kiếm chung lí tưởng. Chúng ta đi cùng nhau để thay đổi thế giới. Chúng ta đi cùng nhau để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phạm vi của một cuộc đi bộ, có thể chỉ là một người như kẻ nhàn rỗi lang thang, có thể là hai người, có thể một nhóm người, lớn nhất là một cộng đồng như các cuộc hành hương. Đó gọi chung là đi bộ xã hội. Hành hương là đi bộ ở một mức cao hơn, với một lí tưởng cụ thể, nên bước đi tự nó có sức mạnh. Còn lại, đi bộ hai người hoặc nhóm người như leo núi cùng nhau, lang thang trên phố cùng nhau, mục đích chủ yếu vẫn là giao lưu, kết nối xã hội, quan sát đám đông và đắm mình trong không gian công cộng.

Đi bộ và nói chuyện cùng bạn đồng hành, sẽ giúp cho lưỡi hoạt động, kích thích não tư duy, quang cảnh và mùi vị dọc đường đi kích thích mắt và tâm hồn, làm cho cơ thể trở nên vô thức, đắm chìm vào thế giới xung quanh, quyến rũ và nhẹ nhàng. Nói chuyện trong lúc đi bộ rất quan trọng, giúp tăng cường sự phối hợp năng động của não bộ.

Việc đi bộ nhóm, đòi hỏi mỗi thành viên phải theo kịp nhau, có nghĩa là mọi người cùng duy trì mục đích chung theo thời gian. Điều này liên quan đến việc kiểm soát đường đi, hướng đi, vận tốc và cách thức di chuyển, sự phán đoán của thành viên để cố gắng điều chỉnh chuyển động phù hợp với nhóm. Với một cỗ máy, để làm được như vậy gần như không thể, nhưng với não bộ con người thì xử trí rất nhanh chóng.

Nhiều ý tưởng phát minh vĩ đại xuất phát từ đi bộ

Đặc biệt là đi bộ cùng nhau, đó là một trong những phương cách tốt nhất để thúc đẩy sự sáng tạo của tập thể, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đi bộ giúp con người thu lượm được nhiều điều trong cuộc sống, mở ra nhiều không gian mới, kích thích những suy nghĩ, ý tưởng mới. Bản thân tôi để viết được những bài báo đi vào lòng độc giả, là mỗi khi đi bộ, tôi cài một chiếc máy tính trong đầu, khi trở về nhà chỉ việc ngồi viết ra những gì tôi quan sát thấy. Ngược lại, nếu tôi đi ô tô chỉ có thể tập trung vào việc lái xe, hoặc nếu ngồi trên xe người khác lái thì tôi cũng chỉ nhìn thấy mọi thứ thoáng qua rất nhanh, không kịp trải nghiệm và suy nghĩ.

Đời người hữu hạn, chúng ta muốn sống lâu hơn, có một thủ thuật rất đơn giản, đó là đi bộ trong chánh niệm.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: 7 thói quen chánh niệm để có làn da sạch và khỏe mạnh hơn.

BS. Trần Văn Phúc - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 04/10/2024

    Tắm khoáng nóng có giúp giảm cân không?

    Việc ngâm mình trong một vùng nước tự nhiên ấm áp, với tiếng chim hót xung quanh và không khí trong lành bên ngoài có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn. Đôi khi một số người còn tin rằng tắm khoáng nóng giúp giảm cân. Vậy điều đó có đúng không? Cùng tìm hiểu câu trả lời và khám phá các lợi ích sức khỏe có thể có khi tắm khoáng nóng cùng Bác sĩ Dinh dưỡng VIAM nhé.

  • 03/10/2024

    Tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần bổ sung vitamin D3?

    Vitamin D có những vai trò rất quan trọng trọng việc hấp thu canxi, tham gia vào nhiều chức năng khác như tạo xương, miễn dịch, tăng trưởng. Việc thiếu hay thừa vitamin D đều để lại những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bổ sung vitamin D là điều được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ - trong đó vitamin D3 là dạng bổ sung được khuyến nghị tốt nhất.

  • 02/10/2024

    Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ

    Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trời mưa nhiều, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, do đó thức ăn dễ bị ôi, thiu, mốc và sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

  • 02/10/2024

    Cần lưu ý gì khi tiêm vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết?

    Vaccine Qdenga đang được khuyến nghị tiêm cho trẻ em trên 4 tuổi và người lớn để phòng chống sốt xuất huyết, cùng tìm hiểu về loại vaccine này qua bài viết sau đây.

  • 01/10/2024

    Tác động của Vitamin D với sức khỏe

    Vitamin D (còn được gọi là calciferol) là một loại vitamin tan trong dầu, có mặt trong một số thực phẩm tự nhiên. Vitamin D cũng được sản xuất nội sinh khi tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời chiếu vào da và kích thích quá trình tổng hợp vitamin D.

  • 30/09/2024

    Thừa cân béo phì ở trẻ em

    Về định nghĩa, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “nên có” so với chiều cao. Còn béo phì là tình trạng tích lũy mỡ ở mức vượt quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

  • 30/09/2024

    Suy thận ở trẻ em

    Suy thận ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng lại là bệnh lý cần phải được điều trị tích cực ở trẻ. Có 2 loại suy thận là cấp tính và mạn tính. Dấu hiệu nào để nhận biết suy thận ở trẻ? Cùng Bác sĩ của Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu qua bài viết sau đây.

  • 29/09/2024

    Ho do viêm thực quản ái toan là gì?

    Viêm thực quản ái toan là tình trạng mạn tính của hệ miễn dịch, do dị ứng thực phẩm gây ra, biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau. Ở một số người, viêm thực quản ái toan không được kiểm soát có thể gây ho. Những người bị viêm thực quản ái toan chủ yếu ho do dị ứng hoặc hen suyễn, đồng thời cũng có thể do trào ngược axit.

Xem thêm