1. Chủng Delta lây lan mạnh, có phải việc hít thở sẽ làm cả thế giới mắc bệnh?
Chủng Delta là một dạng biến thể. So với chủng SARS-CoV-2 nguyên thủy, tốc độ lây là gấp đôi và thời gian lây cũng ngắn lại. Chủng Delta tinh nhuệ hơn, giống như trước đây phải cần tới 10 sư đoàn thì mới lây được cho người khác; hiện tại chỉ cần 2 sư đoàn thì đã lây lan.
Do đó chúng ta tầm soát truy vết, cách ly, cố gắng tách F0 ra khỏi cộng đồng nhưng vẫn không thể chạy đua kịp với biến chủng mới. Chúng ta không theo kịp vì chủng này rất mạnh, sinh sản nhanh, chủng Delta như dòng đột biến “mắn đẻ”.
Hiện nay, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng việc thực hiện 5K không hề thay đổi, quan trọng nhất là không tụ tập và giữ khoảng cách.
Việc không tụ tập rất có ý nghĩa, bởi vì bệnh có triệu chứng chỉ khoảng 30%, còn 70% không có triệu chứng. Vì vậy có thể nhìn bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh nhưng có khi chúng ta đang thải con virus ra ngoài. Do đó nếu chúng ta không tụ tập sẽ hạn chế được khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác.
Thứ hai, việc giữ khoảng cách 2m cũng đã được chứng minh hiệu quả phòng chống dịch.
Thứ ba chúng ta cần thực hiện việc sát khuẩn. Theo công bố mới của Bộ Y tế thì virus này lây qua giọt bắn, giọt hắt hơi và trong không khí. Nhiều người không hiểu và cho rằng việc hít thở sẽ làm cả thế giới mắc bệnh.
Văn bản hướng dẫn của Bộ y tế nói như vậy để chúng ta phòng ngừa và không chủ quan. Tuy nhiên, thực sự virus SARS-CoV-2 cư ngụ trong đường hô hấp của con người. Như vậy nó chỉ tồn tại trong những giọt bắn, hơi thở của chúng ta chứ virus không tự bay trong không khí. Khi chúng ta thở sẽ tạo ra hơi nước thì virus có thể tồn tại trong đó.
Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nếu giọt nước này ở ngoài gặp nắng và gió, không khí bốc lên cao, hơi nước tan nhanh nên khả năng lây nhiễm ít. Tuy nhiên, ở những nơi chật chội, đông người, nhà kín, mở máy lạnh, hoặc đi xe hơi, dòng không khí không được trao đổi thì chỉ cần một người thở ra virus thì khả năng lây nhiễm cho người khác sẽ cao. Khi chúng ta nói chuyện sẽ có các giọt bắn. Thông thường thì giọt bắn ra khoảng 1 - 1,5m, trừ khi hắt hơi hoặc ho mạnh không che thì giọt bắn mới bay xa.
Như vậy các giọt hơi nước, các giọt bắn bay ra sẽ bám vào da, tay, vào các vật dụng xung quanh. Có nhiều người có thói quen quẹt mũi, miệng rồi sờ vào vật dụng và khi người khác sờ vào và quẹt lên mũi, miệng thì bị lây nhiễm virus. Như vậy chúng ta cần thực hiện việc khử khuẩn để giảm nguy cơ lây nhiễm virus.
2. Đeo nhiều lớp khẩu trang có giúp tránh lây SARS-CoV-2 tốt hơn không?
Việc đeo khẩu trang có tác dụng ngừa các giọt bắn bay ra. Loại khẩu trang ngăn ngừa các giọt bắn tốt nhất hiện nay là N95. Khẩu trang y tế hiện tại vẫn chấp nhận được, đạt yêu cầu nhưng cản ít hơn. Khi mới bùng dịch thì khẩu trang y tế tăng giá nên người ta có xu hướng sử dụng khẩu trang vải. Tuy nhiên, hiện nay giá khẩu trang y tế đã bình ổn, vì vậy chúng ta nên sử dụng khẩu trang y tế vì nó có hiệu quả lọc tốt hơn so với khẩu trang vải.
Các loại khẩu trang này không lọc được hoàn toàn virus, khi chúng ta còn thở thì vẫn có khả năng lây nhiễm virus. Tuy nhiên, nó đã giúp hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm, đặc biệt nếu đó là N95.
Có nhiều người thấy dịch bệnh nhiều thì đeo 2 - 3 cái khẩu trang y tế. Tuy nhiên điều này là không cần thiết. Dựa trên khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ đeo 3 - 5 lớp khẩu trang sẽ rất phiền phức, chỉ cần 2 lớp là đủ. Lớp bên trong là khẩu trang y tế, lớp bên ngoài là khẩu trang vải. Khẩu trang vải có 2 mục đích là ép sát khẩu trang y tế tránh xộc xệch và tránh các khe hở ở cằm, má để virus không len lỏi vào trong được.
Bên cạnh đó chúng ta nên kết hợp kính chắn giọt bắn để giọt bắn không xuyên qua được. Tuy nhiên không khí vẫn lọt vào khi chúng ta hít thở.
3. Dầu gió, tinh dầu giúp gì trong việc ngăn chặn COVID-19?
Dầu gió mà chúng ta hay sử dụng bản chất là một số loại tinh dầu: menthol, Eucalyptol, camphor, cineol...những loại tinh dầu này có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên và làm thông thoáng đường hô hấp. Vì vậy đối với các vi trùng hoặc siêu vi trùng xâm nhập theo đường hô hấp, tinh dầu cũng giống như thuốc đỏ thoa trên da khi vi trùng xâm nhập theo đường da. Do đó, từ xa xưa ông bà ta đã biết xông hơi với các loại lá có tinh dầu để trị các loại bệnh cảm cúm, cảm mạo thông thường.
Cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 của cơ thể chúng ta như cuộc chiến tranh hơi không cân sức, vì chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị cho virus này, ngoài trừ vắc xin phòng bệnh. Do đó, với mục đích hỗ trợ thêm cho khẩu trang, chúng ta có thể bôi dầu gió lên khẩu trang vải (không nên bôi dầu gió lên khẩu trang y tế vì nó sẽ thấm ướt).
Cách làm đơn giản như sau: trước khi đeo khẩu trang y tế, xoa dầu gió lên mũi và đeo khẩu trang y tế, đeo thêm khẩu trang vải được tẩm tinh dầu bên ngoài cùng. Như vậy, nếu virus có vượt qua hàng rào 5K, thì với tính chất sát khuẩn không đặc hiệu của tinh dầu sẽ giống như ông bà ta khi xưa, dùng tầm vông vạt nhọn để cản bước tiến quân thù, trước nó khi gặp các chiến sĩ bạch cầu bảo vệ cơ thể chúng ta.
Ngoài ra, thêm một biện pháp để tăng cường hiệu quả của khẩu trang là, đeo tấm chắn giọt bắn khi chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với người khác (đi siêu thị, đi vào chợ...).
Trước khi đi ra đường và khi đi về, chúng ta có thể súc họng bằng muối mặn hoặc dung dịch súc miệng thông thường. Tuy nhiên, lưu ý, với những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, suy thận... nếu súc miệng bằng nước muối quá nhiều lần sẽ gây dư muối và ảnh hưởng đến bệnh nền.
Dầu gió không giúp chống và điều trị COVID-19, nhưng là chất sát khuẩn tự nhiên với những loại virus, vi trùng đi qua đường hô hấp.
Dầu gió không diệt virus nhưng sẽ làm tổn thương, mất sức chiến đấu của virus. Trong lúc vắc xin COVID-19 chưa đủ nhiều để tiêm cho toàn dân, bên cạnh thực hiện 5K, dầu gió và tấm chắn giọt bắn là biện pháp trong tầm tay để tăng cường thêm khả năng bảo vệ cơ thể.
4. Có nên ăn tỏi để tránh bị bệnh COVID-19?
Nhiều người ăn tỏi vì có chất kháng khuẩn để diệt virus nhưng khi ăn, tỏi sẽ vào bụng mà virus SARS-CoV-2 không tồn tại trong dạ dày.
Tỏi là chất sát khuẩn không đặc hiệu, chúng ta có thể giã tỏi và hòa trong nước để súc miệng trước và sau khi đi ra đường. Chúng ta phải khò nước ở cổ họng chứ không phải chỉ súc ở miệng.
Tuy nhiên, như vậy có thể khiến người đối diện cảm thấy khó chịu vì mùi tỏi. Súc miệng bằng nước tỏi có điểm hay là chúng ta có thể nuốt vào cơ thể mà không có ảnh hưởng gì nhưng một số người có bệnh trào ngược dạ dày hay đau bao tử sẽ rất khó chịu khi ăn tỏi.
Tham khảo thông tin tại bài viết: 6 chiến lược phục hồi bệnh nhân Covid-19.